Mô hình tự học ở nhà: Trẻ khó phát triển, nhưng vẫn nên có?
VOV.VN - Chuyên gia cho rằng tự học ở nhà có thể khiến trẻ phát triển thiếu toàn diện, song vẫn nên có để tạo ra một cơ chế cạnh tranh trong giáo dục.
Dạy trẻ học ở nhà - Homeschool là mô hình khá phổ biến ở các nước phát triển nhưng vẫn còn rất mới mẻ với Việt Nam.
Mới đây, sau khi báo chí đưa tin một gia đình tại TP. Hồ Chí Minh vì áp lực học hành đã cho con tự học ở nhà thay vì đến trường đã thu hút sự quan tâm của xã hội.
Tự học ở nhà, trẻ khó phát triển…
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tại đại học Kanazawa Nhật Bản, tác giả cuốn sách Giáo dục Việt nam học gì ở Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, đồng thời là giáo viên dạy môn Lịch Sử trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng, trên nhiều phương diện, bố mẹ chính là người thầy đầu tiên của con.
“Tuy nhiên việc làm thầy của các ông bố bà mẹ hoàn toàn không đơn giản. Để làm thầy của con cái bố mẹ cũng phải học rất nhiều. Ngay cả bản thân tôi, dạy học là chuyên môn, nhưng khi làm bố, tôi đã phải đọc rất nhiều sách để có thể dạy con mình”.
Tác giả trẻ thừa nhận thực tế gia đình có một vai trò rất lớn trong việc giáo dục con cái. Nhưng để tạo nên sự trưởng thành, phát triển toàn diện của học sinh thì vẫn cần đến cả 3 yếu tố gia đình, nhà trường và giáo dục địa phương.
“Gia đình là yếu tố đầu tiên tác động đến học sinh, nhưng chưa phải là tất cả. Hơn thế khi đi học tại trường, các em có một lợi thế là được giáo dục theo hệ thống được thiết kế bởi những người có trình độ. Trong trường hợp có những vấn đề phụ huynh cảm thấy chưa thể khắc phục được có thể bàn lại với giáo viên để đưa ra giải pháp. Tôi cho rằng nếu muốn các em phát triển không bị thiên lệch thì không nên chỉ tập trung vào một yếu tố”, tác giả Quốc Vương nhấn mạnh.
Từng có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Việt Nam và Phần Lan, đặc biệt là giáo dục gia đình, TS Nguyễn Khánh Trung, Viện nghiên cứu và Phát triển giáo dục IRED cho rằng nhà trường không chỉ là nơi để truyền tải kiến thức chuyên môn trong sách vở cho học sinh mà hơn hết trường học còn có chức năng xã hội hóa. “Các em đến trường có thầy cô, bạn bè, có môi trường sư phạm. Trong môi trường đó, nhà trường sẽ góp phần rất quan trọng vào việc phát triển nhân cách cho con em chúng ta. Còn nếu như ở nhà, không có bạn bè, trẻ không được giao tiếp với nhiều người, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của các em”.
Nhìn nhận ở góc độ tâm lý, Thạc sỹ tâm lý học Nguyễn Thị Mai Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng mỗi đứa trẻ đều cần sống và phát triển trong môi trường gia đình, nhà trường, xã hội. Đặc biệt, sự phát triển tâm lý của trẻ phải thông qua hoạt động giao tiếp. Nếu như không có sự giao tiếp với các bạn đồng trang lứa, sự phát triển của trẻ sẽ bị hạn chế.
Chuyên gia tâm lý cho rằng “Mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh nhất định. Nhiệm vụ của giáo dục là dù bằng bất kỳ hình thức nào cũng cần phát triển được điểm mạnh của các con”.
… homeschool sẽ tạo tính cạnh tranh trong giáo dục?
Có nhiều năm đi sâu nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục gia đình, TS Trần Khánh Trung nhận thấy rõ những hạn chế của mô hình homeschool như việc trẻ không có điều kiện giao tiếp với thầy cô, bạn bè, không được rèn luyện những kỹ năng mềm trong môi trường sư phạm…Tuy vậy, TS Trung cho rằng chúng ta vẫn nên có mô hình homeschool như một cách tạo ra "cơ chế thị trường" trong giáo dục.
Chú thích ảnh |
Chuyên gia Viện nghiên cứu và Phát triển giáo dục IRED cho biết, thực tế mô hình homeschool rất phổ biến trên thế giới. Như tại Phần Lan, Pháp nơi TS Trung có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, phụ huynh có quyền cho con tự học tại nhà nếu như không muốn cho con đến trường hoặc không có điều kiện để đến trường.
Tại nước Pháp nơi anh đang sinh sống cũng có rất nhiều gia đình vì điều kiện công việc, bố mẹ thường xuyên phải đi công tác, do đó họ cũng không cho con đến trường mà để con tự học. Ở đây, nếu lựa chọn cách giáo dục homeschool, bố mẹ sẽ vẫn phải đi đăng ký cho con tự học ở nhà tại các cơ sở giáo dục. Các cơ quan này có nhiệm vụ chuyên biệt là giám sát việc tự giáo dục con của các bậc phụ huynh tại nhà. Trong trường hợp trẻ đạt các tiêu chuẩn đề ra sẽ được lên lớp bình thường.
TS Trung cho hay trong các trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến trường vì một lý do nào đó thì hoàn toàn có thể lựa chọn mô hình homeschool
“Theo tôi nên tạo ra nhiều lựa chọn trong xã hội để cho người dân, cho các em có cơ hội tiếp xúc với các hình thức giáo dục khác nhau, phù hợp với từng em, từng hoàn cảnh của các phụ huynh. Cũng giống như kinh tế thị trường, khi có nhiều thành phần tham gia vào nền kinh tế, tạo ra một cơ chế cạnh tranh như thế sẽ thúc đẩy sự phát triển, sản phẩm nào chất lượng tốt hơn sẽ được sử dụng. Trong giáo dục cũng cần có một cơ chế cạnh tranh phát triển như thế”.
Song để phát triển được đa dạng hình thức giáo dục, đặc biệt là homeschool không phải là điều dễ. Chuyên gia cho rằng nếu để con học ở nhà, bố mẹ cần giải được bài toán bù lấp những khoảng trống mà con bị thiếu hụt như đã nói ở trên nếu không đến trường. Ngoài ra Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cần phải có một bộ phận chuyên trách về việc quản lý việc phụ huynh cho con tự học tại nhà. Các phụ huynh sẽ phải đăng ký với các cơ sở quản lý giáo dục, lập hồ sơ riêng cho từng em. “Bộ phải có vai trò trong đó để không bị quá khác biệt giữa chương trình giáo dục quốc gia và giáo dục tại nhà”, TS Trung khuyến nghị./.