Năm học mới, mong không còn nhiều áp lực
(VOV) -Chương trình học quá tải, áp lực về bằng cấp còn nặng nề khiến nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng.
Ngày 5/9 là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Năm học mới 2012-2013 này, cả nước đón hơn 22 triệu học sinh, sinh viên ở tất cả các cấp học tựu trường. Trong niềm vui hân hoan này, các nhà quản lý, thầy cô giáo và học sinh đều mong muốn có một năm học mới đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, mong muốn có được những đánh giá, kết quả thực chất và khách quan nhất; giảm áp lực học tập, thi cử cho học sinh là những vấn đề không hề đơn giản khi mà việc học tập và thi cử vẫn còn mang nặng tính hình thức.
Học sinh và thầy cô vui mừng chào đón Năm học mới |
Năm nay là năm thứ 7, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (Hai không). Cuộc vận động này đã góp phần nâng cao nhận thức của các thầy cô giáo và học sinh để có những kết quả giảng dạy, học tập và thi cử tốt hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số giáo viên, cuộc vận động “Hai không” chưa thực sự hiệu quả, khi tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 ở mức cao tới 97,63%. Đáng chú ý là nhiều tỉnh có nhiều trường đỗ tốt nghiệp THPT 100%.
Ví dụ như tại Thanh Hóa, tỷ lệ thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp THPT trên 99%, trong đó có 110 trường đỗ 100%. Với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 99,8%, Hải Phòng có 41 trên tổng số 56 trường THPT đỗ tốt nghiệp tuyệt đối.
Cũng có địa phương, tỷ lệ đỗ lên tới gần 99,8%. Hòa Bình có đến 30 trường THPT và 4 trung tâm Giáo dục từ xa đỗ 100%. Đặc biệt ở trường THPT nội trú Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, năm 2011 có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất tỉnh thì trong kỳ thi năm nay, trường này lại là một trong 8 trường của tỉnh có học sinh đỗ tốt nghiệp 100%.
Tại Bắc Giang-nơi có gian lận thi cử tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT rất cao 99,04%. Đặc biệt là tỉnh có tới 27 trường học với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 100%.
Với kết quả tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2012 cao như vừa nêu khiến chúng ta không khỏi trăn trở về nhiệm vụ mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong năm học mới 2012-2013 là tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và thực chất.
Trước việc chạy theo thành tích, các tỉnh đã “thả lỏng” coi thi để cho các em đỗ tốt nghiệp. Điều này được chứng minh khi kết quả tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ở các địa phương năm nay gần như ngang bằng nhau. Thậm chí có những nơi, việc giảng dạy và học tập yếu kém nhưng kết quả thi cử vẫn rất cao.
Thực tế trên khiến chúng ta suy nghĩ đến việc có nên tiếp tục tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tầm quốc gia, tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc nữa hay không? Vấn đề này cũng khiến chúng ta suy ngẫm đến hiệu quả của cuộc vận động “Hai không” mà Bộ GD-ĐT phát động có thực sự hiệu quả hay chưa?
Mong chương trình học không còn quá tải
Năm học mới đang đến, không chỉ có các em học sinh đang trong tâm trạng vui mừng và hồi hộp đan xen mà các bậc phụ huynh cũng có những băn khoăn, lo lắng khi hiện nay, con mình phải học nhiều quá. Học ở trường chưa đủ, về nhà lại phải học tiếp. Chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa bây giờ rất khó.
Một phụ huynh giấu tên trường Tiểu học Hoàng Diệu, Hà Nội có con đang học lớp 3 phàn nàn rằng, chương trình môn Toán khó như là học lớp 6, đến nỗi họ phải cho con đi học thêm. Việc học tập quá nhiều dẫn đến các cháu không còn thời gian vui chơi, giải trí.
Để chuẩn bị vào lớp 1, các cháu học sinh mẫu giáo đang tuổi ăn, tuổi chơi cũng phải lo học chữ, làm toán sớm. Bởi theo nhiều phụ huynh, nếu không cho con học thêm trước chương trình lớp 1 thì cháu sẽ không theo kịp các bạn trong lớp. Nếu không thì khi vào học chính thức, cha mẹ và con phải cố “chạy ma-ra-tông” thì mới đuổi kịp chặng đường dài.
Để chạy theo kiến thức quá tải trong sách giáo khoa, nhiều bậc phụ huynh đành phải “cầu cứu” đến các lớp học thêm, trung tâm gia sư để trợ giảng thêm cho con mình. Điều này đồng nghĩa với việc các lớp học thêm-dạy thêm tiếp tục “mọc” lên, rất khó kiểm soát.
Mặc dù ngành GD-ĐT đã lấy ý kiến đóng góp của các trường học, thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh về giảm tải chương trình học nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm-học thêm. Tuy nhiên, làm sao để giảm tải nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập là điều cần suy nghĩ.
Một năm học mới đang đến với bao hy vọng tốt đẹp. Nhà trường, học sinh cũng như các bậc phụ huynh đều mong muốn đạt kết quả cao trong giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, một trong những điều mà họ đang trông đợi nhất ở ngành GD-ĐT là làm sao giảm bớt được áp lực học hành, thi cử một cách hiệu quả./.