Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT bàn về Đề án đổi mới giáo dục
VOV.VN-“Các định hướng nêu ra trong đề án là tốt và là Đề án tốt nhất về đổi mới giáo dục từ trước đến nay mà tôi đã từng biết”.
Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam” đang được Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam thảo luận, nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
“Tôi đánh giá cao một số ý tưởng trong Đề án”
Là một người nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng dành nhiều sự quan tâm đối với Đề án này. Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cho rằng, các định hướng nêu ra trong đề án là tốt và là Đề án tốt nhất về đổi mới giáo dục từ trước đến nay mà ông đã từng biết.
“Đề án lần này có một số ý tưởng tôi đánh giá cao. Chẳng hạn nội dung: Bảo đảm cho học sinh kết thúc lớp 9 phải có tri thức phổ thông nền tảng, cơ bản. Cùng với đó là hướng học sinh trung học phổ thông phải được tiếp cận nghề nghiệp và được chuẩn bị tốt cho giai đoạn học sau phổ thông. Đó là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, nội dung này trong Đề án chưa cụ thể, mà nên nêu rõ việc giảm 1 năm của cấp 3, vì đây là giai đoạn chuyển tiếp, không thể kéo dài 3 năm, vừa không cần thiết, lại vừa tốn kém. Chẳng hạn, một người ra đi làm về ngành xã hội, nhưng 3 năm phổ thông Trung học họ lại phải học hết các môn Tự nhiên và những môn học này hầu như chẳng giúp ích được cho họ”- Ông Trần Xuân Nhĩ nói.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ |
Nên giảm một năm học phổ thông
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, đổi mới giáo dục không nên dựa vào các trường ở các nước trên thế giới học 11 hay 12 năm, mà phải tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế xã hội, hệ thống giáo dục ở nước ta. Ông Nhĩ cho rằng, trẻ con ngày nay rất thông minh, nhờ có thêm phương tiện công nghệ thông tin thì các em lại giỏi hơn các thế hệ trước rất nhiều. “Ngày trước có hệ 9 năm, 10 năm sau đó mới 11 năm, 12 năm… Nhiều người ở thời đó bây giờ đã trở thành những người có trình độ, là Giáo sư, Tiến sĩ, cho nên việc chuyển từ 12 năm xuống 11 năm là một giải pháp có thể làm, vừa không mất nhiều tiền, vừa có lợi. Cùng với đó, thay đổi phương thức hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học, sau đó mới đổi mới phương pháp dạy, nội dung chương trình, phương pháp quản lý, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên…”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết, trong Đề án này, điều ông quan tâm nhất là phải đổi mới hệ thống giáo dục. “Tôi rất mong hệ thống giáo dục dục hiện nay hoàn thành việc dạy kiến thức phổ thông đến Trung học cơ sở. Bậc THPT đang từ 3 năm rút xuống còn 2 năm và phân hóa một cách triệt để, khoảng 30-40% được theo học để tiếp tục đào tạo Đại học, còn lại đi học nghề, hoặc THPT có nghề. Số học tiếp để đào tạo Đại học nên phân hóa ra các Ban Tự nhiên, ban Xã hội. Từ cách làm như vậy, chúng ta bỏ 2 kỳ thi Phổ thông và Đại học như hiện nay và có thể tổ chức lại cách thi. Ở bậc THPT phải đánh giá cả quá trình học và đánh giá vào thời điểm cuối cùng và thi vài ba môn chứ không phải thi hiện nay. Có thay đổi hệ thống như vậy, chúng ta mới có mốc định ra chương trình, nội dung, phương pháp dạy như thế nào”.
Bài 4: Đổi mới thi tốt nghiệp PTTH, trước hết từ tư duy giáo dục!
Bài 3: Bỏ hay giữ thi thi tốt nghiệp THPT: Cần nhiều "đường ra" cho học sinh
Bài 2: Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT: Con dao hai lưỡi ?
Bài 1: Kỳ thi tốt nghiệp THPT:Phụ huynh, học sinh “bất đồng” ý kiến
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh việc phải đổi mới ngay việc thi cử hiện nay. “Thực ra việc thi cử không có gì mà phải kéo dài, mỗi kỳ thi tốn 1.000 tỷ đồng. Tôi mong Hội nghị Trung ương đang họp, có thể thay đổi ngay những vấn đề đó, để số tiền này dành cho việc lo đời sống cho giáo viên, cơ sở vật chất. Ví dụ, với việc học 11 năm ở bậc phổ thông thì đã tiết kiệm được 1/12 ngân sách giáo dục. Với gần 1 triệu học sinh ra trường làm nghề sớm 1 năm đã làm lợi cho xã hội 300 triệu ngày công (nếu chỉ tính 10 tháng làm việc). Tính trung bình mỗi ngày công 100.000 đồng với 300 triệu ngày công thì sẽ dôi ra số tiền rất lớn. Số tiền này có thể dùng giải quyết ngay vấn đề quá tải ở cấp 3, vấn đề dạy 2 buổi/ngày…”.
Phải thực sự là một cuộc cải cách về giáo dục
Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cũng đồng ý với cách đánh giá của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị của Hiệp Hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài Công lập mới đây cho rằng: “Đề án giáo dục phải thực sự là một cuộc cải cách về giáo dục chứ không chỉ là đổi mới, vì thực trạng giáo dục hiện nay có nhiều bất cập”.
Một nội dung nữa mà PGS.TS Trần Xuân Nhĩ quan tâm trong Đề án đổi mới lần này vấn đề công lập và ngoài công lập. “Nhà nước đảm bảo cho học sinh học từ tiểu học đến Trung học cơ sở, nơi nào họ làm trường chất lượng cao thì tự họ đầu tư nhưng cơ bản là Nhà nước. Còn nếu việc đầu tư không đầy đủ sẽ sinh ra các chuyện như lạm thu, thay đổi thời khóa biểu, học thêm, dạy thêm… “Tôi rất đau xót khi đọc báo thấy tỷ lệ tham ô trong giáo dục ngày càng lớn. Việc này họ phản ánh đúng. Chẳng hạn, có trường hợp cô giáo mầm non ghi sổ nhận xét về cho gia đình rằng con em họ còn yếu kém, sau đó gia đình lại kẹp trở lại phong bì vào trong sổ đưa cho cô… Đây chính là tham ô. Rồi việc ăn cắp thời gian, tuyển dụng công chức thì phải mất tiền cũng là tham ô… Cho nên, những hiện tượng này phải sớm chấn chỉnh. Tôi cho rằng, Nhà nước phải đẩy mạnh việc xã hội hóa, nhất là đối với giáo dục Đại học, Cao đẳng, còn đối với dạy nghề thì Nhà nước chỉ đầu tư ở mức độ nào đó”.
Các em về nhà chỉ học những vấn đề liên quan đến giáo dục kỹ năng sống, như kính trọng ông bà cha mẹ, dọn dep nhà cửa, giúp đỡ gia đình... |
Ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nhân cách học đường hiện nay cũng là một vấn đề cần quan tâm. Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đã đưa ra định hướng rất đúng về vấn đề này, nhưng để giải quyết cần phải có giải pháp cụ thể. Trước hết là phải quan tâm đến nhân cách người thầy. “Bao cấp là tốt, thể hiện tính ưu việt của xã hội ta, nhưng nếu bao cấp tràn lan sẽ dẫn đến thiếu tiền, đầu tư không đầy đủ cho nên nhiều nơi, nhiều người bày ra đủ cách để thu tiền. Ví dụ, tình trạng lạm thu hiện nay, trên danh nghĩa là phụ huynh tự nguyện nhưng bản chất vẫn là bắt buộc. Vấn đề là phải có đội ngũ thầy giáo có nhân cách, kèm theo đó là phải có chính sách, chủ trương đầy đủ cho đội ngũ người thầy, họ phải được tạo điều kiện để làm việc. “Muốn thay đổi nhân cách thì phải từ chủ trương. Người thầy có nhân cách thì mới có thể đào tạo ra đội ngũ học trò có nhân cách”.
Mới đây, ngành Giáo dục đã có những đổi mới bước đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học ở bậc Tiểu học. Đó là không chấm điểm cho trẻ lớp 1, không bắt học sinh Tiểu học phải làm bài tập về nhà… Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đây là những thay đổi tích cực, nhưng không có gì mới vì các nước đều đã làm. Đối với trẻ học ở trường, chỉ cần nhận xét trẻ có đạt hay không đạt, không nên tạo cho trẻ sự ganh đua dễ làm trẻ sẽ trở nên tự kiêu. Trẻ con cũng không nên có bài tập về nhà, không nên học thêm. “Nếu người thầy làm tròn bổn phận dạy cho học sinh ở trên lớp, như thế là đủ kiến thức. Các em về nhà chỉ học những vấn đề liên quan đến giáo dục kỹ năng sống, như kính trọng ông bà cha mẹ, dọn dep nhà cửa, giúp đỡ gia đình, ăn xong xếp bàn ghế như thế nào… Điều bất cập nhất hiện nay là học sinh học nhưng không biết cách ứng xử với môi trường, với giao thông và mọi người xung quanh. Ra đường các em vứt rác bừa bãi, nói bậy nói tục, phóng xe vượt đèn đỏ, bóp còi ầm ĩ… Phải dạy cho các em từ những việc nhỏ nhất như gặp người lớn thì phải như thế nào, ngồi ăn thì như thế nào, giữa đám đông thì như thế nào, đi xe thì như thế nào… Bao nhiêu kỹ năng sống để ứng xử với xã hội, học sinh trong thời gian vừa qua chưa được giáo dục đầy đủ, chỉ nặng về văn hóa. Không thể dạy các em như một “túi chứa chữ” mà phải dạy các em học có phương pháp và tự thân phải cảm thấy học suốt đời. Bộ Giáo dục nếu kiên quyết thực hiện, tôi chắc chắn sẽ làm được”- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói./.
Bài 3: Ngó "người" rèn nhân cách, ngẫm lại mình!
Bài 2: "Đạo đức" học đường đang bị xem nhẹ
Bài 1: Gia đình sao nhãng dạy trẻ "làm người"?