Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Phụ huynh, học sinh bất đồng ý kiến
VOV.VN - Nên hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT? Hiện bài toán này vẫn khó có câu trả lời thỏa mãn cho tất cả mọi yêu cầu.
LTS: Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT xây dựng sẽ trình Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét trong tháng 10/2013 đã đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy nền giáo dục phát triển. Một trong những nhiệm vụ then chốt là đổi mới thi cử và tuyển sinh.
Tại Hội nghị bàn tròn “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã chia sẻ nhiều trăn trở về giáo dục đào tạo hiện nay, trong đó có việc đánh giá chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phó Chủ tịch nước lo ngại rằng, với kết quả thi như hiện nay, kỳ thi này không có hiệu quả.
Tuy vậy, theo Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2015 vẫn sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Gần đây nhất, Bộ GD-ĐT một lần nữa khẳng định, trong thời gian tới, việc xếp loại học sinh THPT có thể theo hình thức đánh giá chất lượng học tập của các em trong suốt quá trình học (lớp 10, 11, 12) kèm theo kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là tiền đề hướng tới việc bỏ kỳ thi ĐH, CĐ trong tương lai.
Để giúp độc giả hiểu hơn về tác động của 2 kỳ thi này tới hệ thống giáo dục, đặc biệt là đối với học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường cũng như đông đảo tầng lớp nhân dân, báo Điện tử VOV thực hiện loạt bài:“Thi tốt nghiệp THPT: Góc nhìn đa chiều”.
Đây cũng là tiếng nói góp phần hướng tới một nền giáo dục toàn diện và chất lượng, phục vụ lợi ích và tâm nguyện của người học, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
Bỏ thi để giảm áp lực cho học sinh
Em Phạm Tuấn Ngọc |
Năm học mới bắt đầu chưa được bao lâu, nhưng Phạm Tuấn Ngọc (Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) đã có lịch học dày đặc. Một ngày học nhiều nhất từ 12-13 tiếng, cứ thế em học sinh cuối cấp này cũng tự lên kế hoạch cho giai đoạn ôn luyện "nước rút" cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cận kề.
Nhìn lịch học của Ngọc, nhiều người phát hoảng. Sáng: từ 7h đến 11h30 học xong, tranh thủ về nhà ăn cơm, chiều lại phóng xe đi học từ 13h15 đến 17h; học xong lại vội vàng về nhà tắm rửa, ăn cơm đến 19h lại có lớp học thêm đến 21h đêm.
Càng vào cuối cấp, lịch học của Ngọc càng dày đặc. Vừa học các môn học trên lớp, vừa học các môn của lớp tăng cường, bạn bè Ngọc lại rủ học lò luyện thi. Cứ thế, ngày nào Ngọc cũng phải quay chong chóng với lịch học trên lớp, học thêm như vậy.
Ngọc chia sẻ: “Một tuần em chỉ được nghỉ 1 buổi, còn lại là kín mít với lịch học từ sáng đến tối. Có những hôm, học xong ca tối, trên đường về xe bị thủng xăm, hay bận việc của lớp nên tận 10h đêm mới về đến nhà. Tắm giặt, ăn cơm xong rồi chỉ biết lăn ra ngủ vì mệt”.
Không chỉ có mình Ngọc mà bạn bè em cũng đều quay cuồng trong lịch học dày đặc như vậy. Một phần cảm thấy không yên tâm nếu chỉ học trên lớp, phần khác vì các lời mời hấp dẫn từ trung tâm luyện thi chất lượng, nên các em đua nhau đăng kí học hết lớp này đến lớp khác.
“Thi Đại học chỉ có 1 lần, nên em không muốn đánh mất những cơ hội tại các trung tâm ôn luyện Đại học tốt. Việc hoàn thành các môn của khối thi đã khó huống gì đến việc học các môn khác để thi tốt nghiệp”, Ngọc tâm sự.
Đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng bố mẹ Ngọc không đồng ý cho con thi vào các trường năng khiếu vì sợ con không có công việc ổn định sau này. Áp lực phải thi đỗ vào trường Đại học danh tiếng ở Hà Nội thì mới có việc làm ổn định, thu nhập xứng đáng, khiến Ngọc ngày nào cũng quay cuồng trong lịch học kín mít.
Lê Ngọc Duy, học sinh lớp 12 ở một trường THPT quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng vậy. Để chuẩn bị tốt cho hai kỳ thi cuối cấp là tốt nghiệp THPT và thi đại học, ngay từ lớp 11, em đã đi học thêm cho 3 môn của khối thi đại học. Duy ôn thi khối A, nhưng em được bố mẹ “quán triệt” phải học thêm môn Tiếng Anh, Ngữ văn để thi dự trù khối A1, nên lịch học cũng nặngkhông kém gì Tuấn Ngọc.
Duy kể rằng, đa số các bạn trong lớp đều có tư tưởng lớp 12 tập trung cho các môn học thi Đại học, còn lại các môn khác đều liệt vào các môn học phụ nên không quan tâm nhiều.
Ngay từ cuối năm lớp 11, thầy cô giáo rất tạo điều kiện cho học sinh ôn tập. Giờ học các môn phụ, các bạn trong lớp Duy lôi sách của 3 môn khối thi để ôn luyện. Trong cả năm, nhiều bạn chỉ tập trung cho các môn quan trọng mà không để ý đến các môn phụ. Còn với Duy, em cũng thú thực đã nhiều lần không chú ý nghe thầy cô giảng bài, vì bản thân không có hứng thú với mấy môn như Văn, Sử, Sinh học… và chủ yếu học đối phó.
Nếu môn nào không phải là môn khối thi mà bị điểm kém thì thầy cô sẽ cho học sinh làm lại bài thi, hoặc cho lên bảng kiểm tra để gỡ điểm. Chính vì vậy mà Duy cảm thấy điểm các môn phụ không phản ánh đúng sức học của học sinh.
Thí sinh xem lại đề thi sau kỳ thi tốt nghiệp 2013 |
Với việc học không thực chất như vậy, Duy cho rằng nên bỏ các môn thi tốt nghiệp THPT để học sinh tập trung ôn thi Đại học. “Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học cách nhau chỉ khoảng 1 tháng nên chúng em không có nhiều thời gian để tập trung ôn thi Đại học, trong khi đó vẫn phải học các môn phụ nên mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, động lực học chính là từ học sinh, mục đích đi học là để nhận kiến thức chứ không phải là thi cử. Nếu bỏ thi chúng em sẽ bớt áp lực học”.
Đồng tình với quan điểm này, Tuấn Ngọc cho biết: “Thi tốt nghiệp bây giờ gần như phổ cập như kỳ thi nghề. Nhiều trường cũng giúp học sinh một cách chống đối như với các môn Sinh, Sử, Hóa… thì sẽ gây bất công với những học sinh học khối D như em. Em thấy nếu tổ chức thi 6 môn thi tốt nghiệp thì hơi thừa thãi, mất thời gian, tiền của, công sức của phụ huynh và học sinh”.
Đã học thì phải thi
Đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là vấn đề không mới, nhưng mỗi lần có dịp nêu ra lại tiếp tục được dư luận quan tâm. Chính vì vậy, đề xuất của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gợi ý xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, đã nhanh chóng nhận được nhiều “hồi đáp” từ phía các bậc phụ huynh.
Có con đang học lớp 12, chị Nguyễn Thị Nguyệt (Khu tập thể Bộ tư lệnh cảnh vệ, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng: Thi cử định hướng hành vi học tập của chúng ta. Bất cứ môn học nào không phải thi tốt nghiệp, sự chú ý của học sinh cho môn học đó sẽ bị suy giảm. Ai cũng biết đi học là có lợi cho mình, nhưng ai cũng thích được nghỉ học kể cả được nghỉ do thầy cô giáo bị ốm.
Sau mỗi kỳ thi, chúng ta thường thấy tỷ lệ đỗ vào các trường nhóm đầu vẫn là các em học sinh đền từ các tỉnh lẻ, điều kiện học tập còn khó khăn. Điều đó cho thấy, để thi đỗ đại học không phải học nhiều, ôn luyện nhiều là được mà quan trọng là có phương pháp.
Còn các bạn ở thành phố, các em có nhiều thời gian, điều kiện để giải trí, nghỉ ngơi, nay phải tập trung học trong thời gian nước rút thì thường kêu ca học tập vất vả, căng thẳng. Học chủ yếu để đối phó, không có phương pháp thì thường thấy áp lực, nặng nề.
“Đồng ý là những năm gần đây chúng ta vẫn nghe nhiều tới vấn đề tiêu cực trong thi cử, rất nhiều em không đủ kiến thức nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp. Nhưng nếu bỏ thi thì nhiều em chẳng có chữ nào trong đầu. Nếu tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp sẽ tạo tiền rất lớn cho kỳ thi đại học, phân loại được học sinh, cũng như chọn được nhân tài cho các trường đại học, cao đẳng. Vì vậy giữa kiến thức chưa đủ và không có chữ nào trong đầu là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Khi hỏi các em học sinh có muốn bỏ thi tốt nghiệp THPT không thì đa số các em đồng ý bỏ thi để khỏi phải học các môn phụ. Tôi cho rằng trong giáo dục đã dạy và học thì không có quan niệm môn phụ, môn chính. Điều đó sẽ làm hỏng ngay bản thân nền giáo dục và đội ngũ giáo dục”, chị Nguyệt cho hay.
Ông Nguyễn Văn Nam |
Phụ huynh Nguyễn Văn Nam (Thanh Hóa) cũng đồng ý không bỏ thi tốt nghiệp THPT. Theo ông, với tâm lý lười biếng của một bộ phận không ít học sinh phổ thông, bỏ thi tốt nghiệp THPT đồng nghĩa với việc thúc đẩy hiện tượng "chạy điểm, xin điểm" ngay từ năm đầu tiên của bậc học THPT.
“Chúng ta đã nghe nhiều tới bệnh thành tích trong thi cử, vậy nếu chỉ dựa vào kết quả học tập ba năm phổ thông để đánh giá chất lượng dạy và học bậc THPT thì vô tình sẽ tạo cho căn bệnh “nan y” này có cơ hội được phát triển.
Điều này không chỉ tạo nên sự bất công bằng trong xã hội, mà còn tạo nên những nhóm phân biệt giàu-nghèo. Ai có tiền thì thoải mái “chạy điểm, xin điểm”, ai nghèo khó hơn thì đành chấp nhận đứng nhìn”, ông Nam nhấn mạnh.
Một phụ huynh xin được giấu tên bày tỏ: “Từ trước đến nay chúng ta đã có 2 kỳ thi là tốt nghiệp THPT và đại học, vậy thì tại sao phải bỏ 1 trong 2 kỳ thi đó. Không phải cái gì lâu đời cũng lạc hậu. Đã học là phải thi, đã thi là phải có kẻ đỗ, người rớt. Thi tốt nghiệp hay đại học đều quan trọng cả. Tốt nghiệp cấp III ngày xưa còn khó hơn bây giờ rất nhiều. Ngày nay có nhiều quan niệm sai lệch, học đến đâu cho tốt nghiệp đến đấy, nên cứ tưởng họ có trình độ tương đương mà quên rằng xã hội tổ chức thi cử là để phân loại trình độ, để có cơ sở bố trí vào công việc phù hợp.
Xã hội chúng ta hiện nay đang quá coi trọng bằng cấp, việc phân biệt đối xử “bằng cấp” đang trở nên phổ biến. Cái đó là trách nhiệm của người quản lý. Thi Đại học là do nguyện vọng của gia đình và thí sinh, do người dân mình chuộng bằng cấp chứ nhà trường hay xã hội không bắt buộc học sinh là phải thi Đại học. Bản thân học sinh học không tốt, không có khả năng học Đại học nhưng vẫn bắt bố mẹ phải đầu tư, đưa đi thi gây tốn kém tiền của. Trong khi đó, thực tế cho thấy, có nhiều người học từ Trung cấp, rồi học dần lên vẫn được công tác trong các đơn vị Nhà nước, có thu nhập ổn định. Thậm chí, nhiều người không học Trung cấp hay Đại học mà chỉ học nghề, sau đó rất thành đạt. Đâu cần phải học Đại học mới có việc làm”.
Nên hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT? Hiện bài toán này vẫn khó có câu trả lời thỏa mãn cho tất cả mọi yêu cầu./.