Nhà sư Khmer với công việc thầm lặng của người “thầy giáo” không lương
VOV.VN - Những người thầy dạy chữ Khmer ở Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ nói chung đều có chung một mục đích là phấn đấu góp phần bảo tồn tiếng nói và chữ viết của dân tộc Khmer.
Từ bao đời nay tại vùng Tây Nam Bộ, việc gìn giữ và phát triển ngôn ngữ Khmer luôn đồng hành việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của những vị hoà thượng, thượng tọa… là người “thầy” dạy chữ cho các vị sư và con em đồng bào Khmer.
Ông Châu Phát ở xã Long Điền, Đông Hải là một trong những người thầy có nhiều đóng góp quan trọng trong việc dạy chữ Khmer cho sư sãi và con em tại chùa ở tỉnh Bạc Liêu. Sau khi về hưu năm 2010, ông không nghỉ ngơi mà tiếp tục đem vốn kiến thức và sự hiểu biết của mình truyền đạt cho sư sãi và con em tại chùa Giá Rai Mới, thị xã Giá Rai đến nay.
Trước khi về hưu năm 2010, ông Châu Phát cũng từng là giáo viên đứng lớp giảng dạy cho các vị sư, các cán bộ công tác tại các cơ quan huyện Đoàn, UBMTTQVN huyện và UBMTTQVN tỉnh Bạc Liêu. Lúc còn trẻ, ông Châu Phát cũng từng tu học tại chùa, nên ông muốn truyền dạy tiếp tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cho cho thế hệ sau cùng giữ gìn.
Yêu nghề, yêu ngôn ngữ, yêu văn hóa dân tộc, nên ông Châu Phát luôn dành thời gian nghiên cứu, giảng dạy và cống hiến nhiều hơn. Dù cuộc sống cũng còn khó khăn nhưng ông vẫn hết lòng cống hiến cho cộng đồng, cho dân tộc: “Việc dạy và học chữ Khmer thì theo suy nghĩ của tôi là không muốn để mai một, cho nên tôi và vị trụ trì chùa tổ chức mở lớp dạy học. Tiếp theo không để gián đoạn hay ngưng việc dạy học thì chúng tôi cũng đào tạo cho các anh em thế hệ sau, các Achar để thay thế tôi. Hiện nay đã có 2-3 người thường trực như người này bận thì người khác thay thế. Nhờ vậy mà việc dạy và học tại chùa được duy trì liên tục cho đến nay”.
Từ việc đóng góp quan trong của ông đối với đồng bào dân tộc Khmer trong bổn tự nên ông được Đại đức Kim Thanh, Trụ trì chùa Giá Rai Mới (Gia Rai Thmây), thị xã Giá Rai, Bạc Liêu không ngớt lời khen: “Thầy Châu Phát là người chỉ dẫn, luôn nhắc nhở các vị sư và con em đồng bào Khmer có ý thức trong học tập nhằm nâng cao kiến thức. Rồi giúp con em đồng bào Khmer biết tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Do đó, sư rất vui mừng và luôn ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của thầy. Đôi khi từ nhà đến chùa không kể mưa nắng, thậm chí lội sình trên đường, nhưng thầy vẫn cố gắng đến lớp để giảng dạy cho con em đồng bào Khmer để biết chữ của dân tộc mình”.
Anh Liêu Sô Wanh ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi được học, biết chữ từ nhà chùa, nên xem việc dạy học cho các vị sư trong chùa vừa là trách nhiệm vừa là tri ân đối với người đã dạy cho mình biết chữ Khmer. Hiện nay, anh Sô Wanh đang tham gia giảng dạy cho các vị sư tại chùa Bup Pha Ram nơi anh đã từng tu học. Dù không có lương, nhưng anh xem việc truyền dạy tiếng nói và chữ viết của dân tộc đến thế hệ sau chính là niềm vui và vinh dự lớn trong đời của mình.
“Tôi cũng là người từng có hoàn cảnh khó khăn, không biết chữ Khmer. Do đó, tôi mới vô chùa tu học nên biết chữ Khmer nhờ chùa. Vị trụ trì chùa là Thượng tọa Tăng Sa Vong cũng đã hỗ trợ cho tôi đi học tập tại các tỉnh, thành. Tôi thấy việc làm, nghĩa cử của Thượng tọa sẽ trường tồn mãi và tôi sẽ tiếp nối, tâm huyết giảng dạy cho các vị sư thế hệ sau để đạt được như tâm nguyện của Thượng tọa. Chúng tôi tranh thủ thời gian, bởi mình là Phật tử thì công việc làm ăn biết sẵn rồi luôn bận rộn, nhưng tôi vẫn tranh thủ để hỗ trợ giảng dạy cho sư”, anh Sô Wanh nói.
Nhà sư Sơn Ve Sna đang theo học lớp giáo lý Đệ Tam Niên tại chùa Bup Pha Ram, xã Hưng Hội huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Mặc dù mới tu học được hơn một năm, nhưng đã bắt nhịp được với hình thức truyền dạy của giáo viên đứng lớp. Theo đó, các sư cũng đã hình thành lòng yêu quý văn hóa truyền thống và có sự quyết tâm học hành để theo đuổi ước mơ trong tương lai của mình.
Nhà sư Sơn Ve Sna cho biết về ước mơ của mình: “Được học giúp cho sư hiểu rõ về ngôn ngữ và lĩnh vực tôn giáo của mình. Mặt khác, mình phải chú ý và cố gắng học đều các môn để sự hiểu biết của mình được nâng lên hơn nữa. Các thầy luôn động viên cho các sư cố gắng học, khi gặp bài học nào chưa hiểu thì các thầy chỉ dẫn kỹ hơn khi nào hiểu thì các thầy dạy tiếp bài mới”.
Với tinh thần cống hiến hết sức mình cho văn hóa truyền thống dân tộc, các thầy dạy chữ Khmer dù không có lương, nhưng cũng đã góp phần không nhỏ để ngôn ngữ dân tộc mình luôn đồng hành cùng với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới./.