Nhiều bộ sách giáo khoa, cần “sân chơi” bình đẳng cho các Nhà xuất bản
VOV.VN -Nhiều ý kiến cho rằng, nếu có nhiều bộ SGK có thể khiến các trường khó khăn trong thẩm định, chọn lọc sách để giảng dạy.
Trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, hiện nay, Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đang tiến hành nghiên cứu Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đây là bước đi quan trọng nhằm góp phần cải tiến chất lượng giảng dạy và học tập ở các trường học.
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, nhiều nhà khoa học, nhà giáo cho rằng, trong tương lai, cần có nhiều bộ SGK khác nhau. Tuy nhiên, để khuyến khích các nhà xuất bản biên soạn SGK thì không phải dễ dàng bởi còn “vướng” vào nhiều điều luật, quy định ràng buộc.
Có thể phải chỉnh sửa lại Luật Xuất bản
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, giáo viên và học sinh đã giảng dạy, học tập theo nhiều bộ SGK nên chất lượng giáo dục được cải tiến đáng kể. Cùng một chủ đề, bài toán, giáo viên được nghiên cứu và dạy ở các loại sách khác nhau. Học sinh cũng được học tập, bổ sung kiến thức một cách phổ quát hơn.
Việc xuất bản nhiều bộ SGK phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế-xã hội và nền giáo dục của một nước. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang cùng với Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và nhiều cơ quan khác nghiên cứu để có một bộ SGK chuẩn, đảm bảo ổn định cho việc dạy và học từ lớp 1 đến 12. Trong tương lai, Bộ cũng sẽ hướng tới nghiên cứu để có nhiều bộ SGK phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người dạy và học.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, việc xuất bản nhiều bộ SGK không khó nhưng sẽ gặp một khó khăn chưa có cách giải quyết. Đó là nếu mỗi trường hay mỗi địa phương chỉ sử dụng một bộ sách thì trên thực tế vẫn chưa ra khỏi tình trạng “một chương trình, một bộ SGK”, không khác trước là bao nhiêu.
Còn nếu giáo viên không chỉ sử dụng một bộ sách mà chọn bài học phù hợp nhất với lớp mình dạy từ những quyển SGK khác nhau thì nhà trường và học sinh đều không có đủ tiền để mua nhiều SGK như vậy. Ở nước ngoài, SGK chỉ để ở thư viện và các lớp, học sinh chỉ mang vở bài tập đi về. Phải chăng Nhà nước nên cấp tiền mua SGK như một loại trang thiết bị dạy học để học sinh dùng ở lớp, khỏi phải mang đi mang về?
Tuy nhiên, khi muốn có nhiều nhà xuất bản tham gia làm SGK thì trước tiên phải thay đổi Luật Giáo dục và Luật Xuất bản. Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông” (khoản 3 Điều 29). Còn Luật Xuất bản quy định: các nhà xuất bản phải “có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản” (khoản 1 Điều 13).
Cơ quan chủ quản “chỉ đạo việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, phương hướng hoạt động của nhà xuất bản; giám sát nhà xuất bản thực hiện đúng giấy phép thành lập nhà xuất bản” (khoản 4 Điều 16). Tổng giám đốc/giám đốc nhà xuất bản có trách nhiệm “điều hành hoạt động của nhà xuất bản đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ ghi trong giấy phép và quyết định thành lập nhà xuất bản” (điểm a khoản 1 Điều 18).
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nếu không sửa đổi các quy định nói trên thì việc khuyến khích tổ chức, cá nhân biên soạn SGK không có cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, để làm SGK, các nhà xuất bản phải có đủ đội ngũ biên tập hoặc cộng tác viên ở từng bộ môn, từng cấp học cụ thể.
Ngoài ra, khi đã xuất bản nhiều bộ SGK thì cũng phải nghĩ tới, ai là người được quyền chọn sách để giảng dạy. Không nên giao quyền lựa chọn sách cho một cá nhân (giám đốc Sở GD-ĐT hay hiệu trưởng). Bởi vì dù có tham khảo ý kiến tập thể thì quyết định của cá nhân không phải lúc nào cũng chính xác, khách quan. Khi cá nhân đó chuyển đổi công tác, người khác lên thay cũng dễ thay đổi quyết định của người tiền nhiệm. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng “em không học được sách của anh/chị”, các trường và người dân lại phải tốn tiền mua sách một lần nữa. Đó là chưa kể không phải ai cũng có thể lựa chọn một cách khách quan trước những mức hoa hồng hấp dẫn của các nhà xuất bản.
Để tránh xảy ra hiện tượng trên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nên để tổ chuyên môn của trường bàn bạc, quyết định việc lựa chọn SKG môn học tương ứng.
Còn GS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm đồng ý với quan điểm trong tương lai, nước ta cần phải có nhiều bộ SGK để cung cấp tri thức một cách sâu rộng, nhiều chiều cho cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, GS Quang Báo lo ngại rằng, nếu như từng trường học không có “bộ lọc” SGK với tiêu chí chọn lựa những đầu sách nào có nội dung chuẩn, phù hợp để dạy thì sẽ dẫn đến tình trạng em không đọc được sách của chị. Như vậy sẽ gây lãng phí trong phát hành SGK.
Không nhất thiết các Nhà xuất bản phát hành SGK cùng 1 thời điểm
Để tránh việc phát hành nhiều bộ SGK mà không hiệu quả, gây lãng phí, Hội đồng giáo viên sẽ cùng với lãnh đạo nhà trường gạt bỏ những loại SGK không phù hợp để chọn lọc ra bộ SGK tinh túy nhất dạy học sinh. Thông qua việc trưng cầu ý kiến và bỏ phiếu kín sau những đợt thuyết trình, Hội đồng giáo viên của từng trường học sẽ quyết định chọn lọc những bộ SGK nào tốt nhất để giảng dạy.
Là người có kinh nghiệm nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa và đang góp ý cho Dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, PGS Văn Như Cương đưa ra quan điểm, việc tiến tới có nhiều bộ SGK phổ thông là cần thiết nhằm thúc đẩy các nhà xuất bản cạnh tranh để nâng cao chất lượng SGK tốt hơn.
Theo PGS Văn Như Cương, những nhà xuất bản nào được phép phát hành SGK có thể đăng ký và phát hành trước chứ không cứ là phải chờ đợi nhau để cùng xuất bản cùng 1 năm. Bộ GD-ĐT và những cơ quan có chức năng liên quan sẽ có trách nhiệm kiểm định chất lượng SGK của các nhà xuất bản đăng ký phát hành.
Khi những bộ SGK đã được kiểm định và cho phép xuất bản thì nhà trường sẽ có quyền quyết định nên chọn bộ sách nào để giảng dạy.
Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang được các nhà chuyên môn nghiên cứu để có thể áp dụng hiệu quả tại các trường học. Để có một bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 đạt tiêu chuẩn, phù hợp với xu thế đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục rất khó.
Vì vậy, nếu xuất bản nhiều bộ SGK trong điều kiện kinh tế-xã hội và các công cụ đánh giá, kiểm định chất lượng sách chưa được đánh giá cao như hiện nay thì lại là một thách thức lớn. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị kỹ tâm thế để có nhiều bộ SGK đạt chất lượng tốt.
Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là một đề án lớn, tác động lớn đến xã hội và từng gia đình có con đang đi học. Liệu rằng khi đã đổi mới và có nhiều bộ SGK thì chất lượng giáo dục sẽ như thế nào? Vấn đề này sẽ được báo Điện tử VOV phân tích trong Bài 3. Mời quý vị và các bạn đón đọc./.
Dự thảo 2 phương án triển khai Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông
Phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Phương án 2: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn.