Nhiều sai phạm trong điều chuyển hàng loạt giáo viên ở Quảng Bình
VOV.VN -Việc điều chuyển đồng loạt giáo viên trong cùng một thời điểm ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của các trường.
Đầu năm học 2016-2017, UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cùng lúc luân chuyển 145 giáo viên, cán bộ quản lý trên địa bàn. Việc UBND huyện Minh Hóa điều chuyển đồng loạt trong cùng một thời điểm đã khiến cuộc sống sinh hoạt của nhiều cán bộ, giáo viên đảo lộn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Toàn huyện có 53 trường học thì có đến 43 trường có “lệnh” điều chuyển. Nhiều giáo viên bị điều chuyển tréo ngoe. Cụ thể như trường hợp của cô giáo Thái Thị Kim Liên vừa được điều chuyển lên làm Hiệu trưởng trường mầm non xã biên giới Dân Hóa.
Cô Liên là giáo viên mầm non tại xã Trung Hóa từ năm 1997, đến năm 2007, cô được điều làm Hiệu trưởng trường mầm non Thượng Hóa, phụ trách điểm trường có đông đồng bào Rục sống tại bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa.
Nhiều giáo viên đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy tại huyện miền núi Minh Hóa (ảnh: Tuổi trẻ) |
Việc điều chuyển thầy giáo Đinh Quốc Hoàng cũng gây nhiều thắc mắc. Thầy Hoàng được phân công đến dạy học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở 2 Trọng Hóa từ năm 2002, đến cuối năm 2009 thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Hơn 14 năm công tác tại vùng sâu vùng xa, phải sống xa gia đình, nay thầy Hoàng lại tiếp tục bị điều đến công tác tại trường Tiểu học số 1 Trung Hóa, cách nhà gần 30 m.
Thầy Đinh Quốc Hoàng, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học số 1 Trung Hóa, huyện Minh Hóa tâm sự: “Về môi trường mới, tôi cố gắng hòa nhập dần nhưng ở đây không có chỗ nội trú bữa trưa nên phải ở lại cũng khá vất vả. Nhiều năm ở vùng sâu vùng xa và xa gia đình. Cơ quan phân công chỗ nào thì tôi cố gắng để hoàn thành công việc nhưng nếu được gần nhà thì thuận tiện trong công tác hơn”.
Bà Đinh Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Minh Hóa cho rằng, việc điều chuyển giáo viên và cán bộ quản lý trên địa bàn huyện, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa.
Bà Hương cho biết, trước đây khi đề xuất điều chuyển cán bộ quản lý, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã gửi danh sách sang Phòng Nội vụ huyện. Thế nhưng, danh sách điều chuyển thay đổi gần hết. Bà Đinh Thị Thanh Hương khẳng định, UBND huyện Minh Hóa tự điều chuyển giáo viên, không có sự tham gia của ngành Giáo dục.
“Danh sách phòng giáo dục đề xuất cán bộ quản lý thì huyện thay đổi gần hết mà không có ý kiến của phòng giáo dục. Cả đến vòng giáo viên, Chủ tịch không lấy ý kiến của phòng giáo dục nữa. Người này chỉ lấy ý kiến của phòng Nội vụ và tất cả các quyết định về điều giáo viên thì chỉ ghi theo đề nghị của trưởng Phòng Nội vụ, cho nên khi Chủ tịch đã giao cho phòng Nội vụ thì phòng giáo dục chỉ làm chuyên môn, còn biên chế là về phòng Nội vụ có trách nhiệm”- bà Thanh Hương trình bày.
Trước sự việc này, UBND tỉnh Quảng Bình đã lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra, làm rõ vụ việc, chỉ ra hàng loạt sai phạm. Ngày 28/3, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký kết luận thanh tra về việc điều chuyển 145 giáo viên, cán bộ quản lý của huyện Minh Hóa là không tuân thủ quy định của UBND tỉnh và quy chế phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa, chưa bàn bạc thấu đáo trong tập thể lãnh đạo UBND huyện.
Việc phối hợp giữa Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện chưa chặt chẽ, chưa nghiên cứu kỹ hoàn cảnh gia đình cũng như nguyện vọng của cán bộ quản lý, giáo viên trong quá trình thực hiện. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa.
Về vấn đề này, ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa giải thích, từ lâu huyện Minh Hóa chưa thực hiện việc điều chuyển cán bộ, giáo viên giữa các trường dẫn đến trình trạng trì trệ ở một số người. Vì vậy, UBND huyện tiến hành điều chuyển cán bộ giáo viên để tạo ra sự cân đối trong các trường.
“Việc điều chuyển giáo viên là để làm thế nào đem lại mặt bằng tương đối hơn trong quá trình giáo dục giữa đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý. Quá trình làm thì anh em có những sơ suất như chưa làm kế hoạch và thời gian vội quá cho nên chuyển có những trường hợp chưa phù hợp. Hướng khắc phục của Ủy ban nhân dân là trường hợp nào đúng thì vẫn giữ nguyên, một số trường hợp chưa phù hợp thì huyện sẽ xây dựng kế hoạch và điều chuyển lại từ nay đến đầu năm học mới 2017-2018”- ông Đinh Hữu Niên nói.
Với những sai phạm của Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa trong việc điều chuyển giáo viên, cán bộ quản lý, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Ban Thường vụ huyện ủy Minh Hóa tổ chức kiểm điểm và xử lý nghiêm túc đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa, phòng Nội vụ, phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cùng các cá nhân có liên quan./.
Biên chế giáo viên ở Đắk Lắk: Nhà trường “oằn lưng” vì thừa giáo viên
Biên chế giáo viên ở Đắk Lắk: Nhắm mắt ký bừa, sống chết mặc bay