Nỗ lực đảm bảo kiến thức cho học sinh
VOV.VN - Nhiều giáo viên và nhà trường đã tổ chức dạy học trực tuyến, online cho học sinh để đảm bảo chương trình học.
Tính đến ngày 5/2, có 61 tỉnh/thành phố cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh do virus corona gây ra. Đặc biệt, nhiều giáo viên và nhà trường đã tổ chức dạy học trực tuyến, online hằng ngày cho học sinh để đảm bảo chương trình học.
Triển khai các biện pháp quản lý HSSV trong thời gian nghỉ
Theo đó, tùy từng tỉnh/thành phố mà học sinh được nghỉ dao động từ 2 ngày cho đến 1 tuần, bắt đầu từ ngày 3 hoặc ngày 4/2. Riêng Quảng Bình cho nghỉ đến hết ngày 11/2; Khánh Hòa, Hà Tĩnh cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới.
Khối các trường đại học cũng đã điều chỉnh lịch học muộn hơn so với kế hoạch. Cụ thể, trong 191 trường đã báo cáo có 70 trường đại học điều chỉnh lịch học từ ngày 3/2 đến ngày 10/2; có trường đến ngày 17/2.
Với nhiều học sinh, sinh viên, thời gian nghỉ vì virus corona là dịp nghỉ học dài hiếm hoi nên tâm lý các em sẽ tận dụng triệt để tụ tập, vui chơi. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả việc các con đi học bởi không có ai kiểm soát phòng dịch. Vì thế, Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà trường, phụ huynh cần có các biện pháp quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian tạm nghỉ học.
Từ thực tế này, ngày 3/2, Bộ đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT, các trường và đơn vị trực thuộc bộ về việc triển khai cụ thể các công tác phòng dịch do virus corona (nCoV) trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm chủ trì, phối hợp với các Sở Y tế tại địa phương triển khai một số nội dung như: Tổng hợp nhanh tình hình dịch bệnh tại các nhà trường, cơ sở giáo dục và khẩn trương báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên tạm thời nghỉ học và xây dựng kế hoạch học bù trong khung kế hoạch thời gian năm học phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình giáo dục
Cùng với đó, các trường hướng dẫn cho học sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; hướng dẫn cho tất cả học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường trước khi nghỉ học về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV (vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, giữ ấm, hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc đông người theo hướng dẫn của cơ quan y tế).
Trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học, các đơn vị tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tại địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, tiến hành các biện pháp vệ sinh trường học, tẩy trùng 100% trường lớp, các thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ. Nhà trường cũng cần có các biện pháp quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian tạm nghỉ học và đề nghị cha mẹ học sinh, sinh viên thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, phối hợp quản lý và chăm sóc sức khỏe con em mình.
Dạy học trực tuyến, từ xa để đảm bảo kiến thức
Làm sao để đảm bảo chương trình học khi học sinh nghỉ học trong thời gian 1, 2 tuần là vấn đề đang được đặt ra. Để giải quyết vấn đề này, ngày 4/2, Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung chương trình học kỳ 2 phù hợp với khung thời gian học thực tế của thành phố trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Đảm bảo tính khoa học, đúng và đủ theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình phổ thông hiện hành. Đồng thời, khuyến khích các hình thức, phương pháp dạy học nhằm tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học.
Giáo viên trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội quay video bài giảng phục vụ dạy học học online. |
Thời lượng dạy học bổ sung các nội dung kiến thức, kỹ năng của thời gian nghỉ sẽ được đưa vào chương trình của buổi 2 đối với trường thực hiện học 2 buổi/ngày. Còn lại, tùy theo tình hình thực tế của từng trường, lãnh đạo nhà trường bố trí bổ sung thời lượng các môn học. Thời gian kiểm tra học kỳ 2 vẫn sẽ giữ nguyên như kế hoạch thực hiện chuyên môn giáo dục trung học năm học 2019-2020 mà sở đã ban hành, từ ngày 20/4 đến ngày 10/5. Nội dung đề kiểm tra phải phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của đơn vị. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức kiểm tra tập trung phải khoa học, gọn nhẹ, không ảnh hưởng đến thời lượng thực hiện chương trình phổ thông hiện hành. Hạn chế tổ chức những hoạt động tập trung đông học sinh, phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đối với những học sinh cuối cấp 2 và cấp 3 thì việc nghỉ học trong thời gian khá dài khiến cho các em không khỏi lo lắng vì sẽ ảnh hưởng đến việc học tập. Em Hoàng Minh (Hà Nội) cho biết: “Học sinh lớp 12 chúng em rất sốt ruột vì đây là năm thi THPT Quốc gia. Nghỉ học để tránh dịch, chúng em vẫn học bình thường qua nhiều hình thức khác nhau trên mạng. Ngoài những group trao đổi với giáo viên, học sinh còn có những group chỉ học sinh với nhau để trao đổi bài vở”.
Cùng với công tác phòng chống dịch bệnh, các thầy cô đã nỗ lực hết sức mình để hoạt động dạy học, giáo dục vẫn được tiếp tục một cách hiệu quả, dù học sinh vẫn phải nghỉ học vì nCoV. Nhiều trường cũng đã đưa ra các giải pháp như: giáo viên giao bài cho học sinh thông qua các phần mềm dạy học, facebook, zalo... Thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên môn Vật lý Trường THPT Ernst Thälmann (quận 1, TP.HCM), cho biết: “Tôi đang soạn đề kiểm tra online giao cho học sinh làm để các em ôn tập kiến thức. Riêng với một số lớp cần phải giảng thêm lý thuyết thì tôi sẽ quay phim rồi up trên youtube”. Theo thầy Tùng, đề kiểm tra giao qua mạng cho học sinh tương tác lẫn nhau: “Vì thế câu hỏi phải rất đặc thù, làm sao kích thích các em phải xem lại bài cũ để hoàn thành bài kiểm tra ấy. Ngày thường thầy trò chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi trên các group facebook thì bây giờ cũng như vậy. Nhưng khi sửa bài tôi sẽ live stream trên facebook”.
Ngày 4/2, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã cùng nhau chuẩn bị xây dựng nội dung, quay video clip thực hiện bài giảng online với quyết tâm cao nhất có sản phẩm để cho học sinh học tập. Do đã trang bị cho toàn bộ giáo viên và học sinh của Trường tài khoản Office 365 nên việc triển khai dạy học online khi học sinh nghỉ học vì dịch nCoV được Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành thực hiện thuận lợi. Việc xây dựng các bài giảng online cũng cần nhiều thời gian và công sức.
Nhiều giáo viên chia sẻ, dù học sinh được nghỉ học nhưng giáo viên không hề nhàn mà vất vả hơn nhiều, bởi phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm thực hiện công tác giáo dục một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, trong phân phối chương trình năm học của học sinh phổ thông luôn có một tuần dự trữ ở cuối mỗi học kỳ nên việc nghỉ thêm 1 tuần sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Trước thực tế đó, lãnh đạo của 789.vn - Trường học thông minh (dạy học và luyện thi trắc nghiệm trực tuyến) vừa thông báo về việc tài trợ miễn phí cho giáo viên khối THPT trên toàn quốc mở một lớp học online trên 789.vn với số lượng 30 học sinh/lớp, sử dụng gói full chức năng cho đến hết năm học 2019 - 2020./.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ:
Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các sở GD-ĐT chỉ đạo trường học chủ động xây dựng kế hoạch dạy bù sau thời gian học sinh tạm nghỉ. Kế hoạch dạy bù căn cứ khung thời gian năm học theo quyết định 2071/QĐ-BGDĐT.
Theo quy định thời gian kết thúc năm học là trước thời điểm 31/5. Lịch xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6. Tuy nhiên, trường hợp cần thiết có thể lùi lịch sau 10 ngày. Kỳ thi THPT Quốc gia, theo dự kiến, tổ chức cuối tháng 6 nên có thể không ảnh hưởng.
Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị tiếp tục cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần