Ông Phùng Xuân Nhạ:12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ với cơ chế rất khác
VOV.VN -Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính về định mức hỗ trợ cho tiến sĩ theo hướng dựa trên hỗ trợ mỗi suất đào tạo tiến sĩ ở từng vùng, miền cho phù hợp.
Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, Bộ dự kiến dành 12.000 tỷ đồng để đào tạo 7.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, thu hút thêm 1.500 tiến sĩ các nơi đến giảng dạy ở các trường trường ĐH, đồng thời bồi dưỡng cho giảng viên và cán bộ quản lý các trường ĐH đạt chuẩn.
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời riêng với phóng viên VOV.VN về nội dung này.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
PV: Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về đề án đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH với kinh phí 12.000 tỷ đồng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề án đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỷ đồng không phải là đề án mới mà là tiếp nối đề án 911 với việc đào tạo 20.000 tiến sĩ.
Sau một thời gian rà soát lại đề án 911, Bộ GD-ĐT xét thấy, phương thức đào tạo còn chưa phù hợp, vì vậy, cách thức đào tạo theo đề án mới sẽ theo cách Nhà nước định hướng, hỗ trợ. Còn cơ sở đào tạo và người học có trách nhiệm và chia sẻ kinh phí.
Số lượng tiến sĩ giảng dạy ở các trường ĐH hiện còn thấp (chỉ khoảng 21%) nên đề án đào tạo, thu hút tiến sĩ mới được Bộ GD-ĐT trình lên Chính phủ xem xét là nâng lên khoảng 35% đến năm 2020. Do đó, việc đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đặt ra. Số lượng tiến sĩ được đào tạo không phải là đào tạo mới tinh.
Điểm nhấn trong đề án đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ trọng tâm chú trọng vào việc thu hút các tiến sĩ, nhà khoa học đang học tập, làm việc ở nước ngoài, ở ngoài cơ sở giáo dục về giảng dạy ở các trường ĐH, học viện trong nước.
Để làm được việc này, Bộ GD-ĐT cũng đang nghiên cứu đề xuất chính sách để họ làm việc tốt khi trở về Việt Nam. Song song với đó, Bộ cũng thực hiện việc đào tạo số lượng thạc sĩ tốt cận kề, chứ không phải là đào tạo một cách tràn lan mà chú trọng tới đào tạo chất lượng.
Kinh phí đào tạo tiến sĩ ở trong nước sẽ được điều chỉnh (ảnh minh họa) |
Sẽ điều chỉnh kinh phí đào tạo tiến sĩ dựa trên học bổng
PV: Nhiều lãnh đạo các trường ĐH cho rằng, kinh phí đào tạo tiến sĩ ở trong nước hiện rất thấp (chỉ có vài chục triệu đồng cho cả khóa học), thấp hơn rất nhiều so với việc cử đi học ở nước ngoài (lên tới trên 1 tỷ đồng). Xin Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ có điều chỉnh kinh phí hỗ trợ đào tạo tiến sĩ ở trong nước như thế nào?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chúng ta phải điều chỉnh, phải tính theo mặt bằng chung và dựa trên giá cạnh tranh. Những người giỏi sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm, tiếp cận với học bổng. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đều mong muốn những người giỏi đi học tiến sĩ và Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ họ. Tuy kinh phí hỗ trợ không thể bằng những học bổng cao nhưng cũng ở mức để người đi học thấy rằng, ngoài kinh phí học tập, trang trải cho nhu cầu cá nhân thì họ có thể thấy còn nhu cầu để phát triển tiếp.
Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính về định mức hỗ trợ cho tiến sĩ theo hướng dựa trên hỗ trợ mỗi suất đào tạo tiến sĩ ở từng vùng, miền cho phù hợp.
Hiện nay, Bộ đang hướng tới cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ có những ngành rất tốt đưa toàn bộ giảng viên đi học ở nước ngoài thì sẽ thay bằng được khuyến khích đào tạo theo hình thức liên kết với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài. Việc liên kết này sẽ được giám định về chất lượng đào tạo.
Như vậy, mô hình đào tạo tiến sĩ mới sẽ không nhất thiết là cử giảng viên đi học ở nước ngoài mà là sự liên kết giữa cơ sở đào tạo tốt ở trong nước với cơ sở ở nước ngoài. Thậm chí, một số cơ sở đào tạo tốt ở trong nước có thể đào tạo tiến sĩ theo hướng tập trung. Phương thức đào tạo sẽ đa dạng nhưng phải đảm bảo chất lượng.
PV: Vậy việc kiểm soát chặt chẽ cơ sở đào tạo tiến sĩ ở trong nước sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ, có lộ trình siết chặt. Đầu tiên, nhiều cơ sở giáo dục rất lo ngại nhưng phải chấp nhận. Trong quy chế này có nhấn mạnh tiến sĩ phải học tập chuyên ngành ít nhất là 1 năm và phải có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế...
Sẽ không giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ
PV: Vậy Bộ sẽ giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ ở như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ sẽ không giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ mà Bộ sẽ đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích và kiểm soát chất lượng. Còn các cơ sở đào tạo sẽ dựa trên nhu cầu đào tạo tiến sĩ của mình sẽ phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Cơ sở đào tạo và người học đáp ứng được yêu cầu thì sẽ được nhận học bổng, có thể là nhận được học bổng toàn phần hoặc từng phần.
Việc đào tạo, nhận được kinh phí đào tạo giảng viên đạt trình độ cao được áp dụng mở rộng, không chỉ ở trường công lập mà còn cả trường ngoài công lập.
PV: Thời gian qua, nhiều giảng viên được cử đi học tiến sĩ ở nước ngoài sẵn sàng trả lại kinh phí cho địa phương để được ở lại nước ngoài học tập, làm việc. Liệu trong đề án mới này sẽ khắc phục thực trạng trên như thế nào?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Điều quan trọng trong đào tạo tiến sĩ là phải gắn với việc sử dụng. Cơ sở nào có nhu cầu sử dụng tiến sĩ thì mới được đào tạo. Do đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải có trách nhiệm chủ động quy hoạch, phát triển đội ngũ giảng viên đi học tiến sĩ, trong đó có đội ngũ nhà khoa học. Căn cứ vào đó, Bộ GD-ĐT sẽ có hỗ trợ kinh phí bằng cơ chế, chính sách chứ không làm đề án cử giảng viên đi học, rồi cắt biên chế những người cử đi học lại không trở về nước.
Còn về phía người muốn đi học tiến sĩ ở nước ngoài phải có sự cạnh tranh để được nhận học bổng của Chính phủ và họ phải có trách nhiệm với đơn vị cử đi học.
Do vậy, cơ chế quản lý, đào tạo tiến sĩ trong đề án mới rất khác với cơ chế truyền thống trước đây.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.