Phó Giáo sư Văn Như Cương phân tích phương án thi THPT quốc gia 2015
VOV.VN -Tán thành với phương án thi THPT quốc gia 2015 nhưng PGS Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải cân nhắc kỹ một số vấn đề.
Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia từ năm 2015. Kết quả của kỳ thi này sẽ được xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Để được xét công nghiệp tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Đứng ở góc độ là một nhà nghiên cứu về giáo dục, nhà giáo, Phó Giáo sư (PGS) Văn Như Cương tán thành với phương án mà Bộ GD-ĐT đã “chốt” cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Tuy nhiên, PGS cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải nghiên cứu thêm một số vấn đề để tổ chức kỳ thi tốt hơn.
Phương án thi đã “chốt” giảm áp lực cho thí sinh
PV: Thưa PGS, ông đánh giá như thế nào về phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố?
PGS Văn Như Cương: Tôi tán thành với phương án mà Bộ GD-ĐT đã chọn cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là thi theo môn (gồm tối thiểu 4 môn) vì như vậy học sinh và giáo viên không quá bất ngờ về cách giảng dạy và học. Còn phương án thi tích hợp gồm nhiều môn học trong cùng 1 bài thi chưa thể áp dụng ngay trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vì cách thức giảng dạy và học tập để đáp ứng thi theo bài cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Từ năm 2015 sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia. Kết quả của kỳ thi này sẽ được lấy làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác tuyển sinh. Có thể nói, ghép 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ làm một sẽ giúp cho các trường ĐH, CĐ giảm được áp lực về hồ sơ “ảo”, giảm áp lực cho thí sinh. Bởi vì không giống như những năm trước, thí sinh phải nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ trước thì mới biết kết quả nên có những em đạt số điểm rất cao nhưng vẫn trượt. Còn bắt đầu từ năm 2015, thí sinh biết điểm của kỳ thi THPT quốc gia xong thì mới chọn lựa trường ĐH, CĐ phù hợp với số điểm, năng lực của mình. Như vậy, cơ hội đỗ ĐH, CĐ của các em sẽ cao hơn và đảm bảo cho thí sinh đạt điểm cao chắc chắn sẽ đỗ.
Thí sinh khối D có lợi
PV: Bộ GD-ĐT đã yêu cầu thí sinh thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Nhiều học sinh cho rằng, nếu thực hiện theo phương án này, thí sinh khối D sẽ có lợi nhiều hơn so với các thí sinh khác trong xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. PGS có cho rằng, đó là sự bất bình đẳng đối với các thí sinh hay không?
PGS Văn Như Cương: Đúng là khi thực hiện theo phương án mà Bộ GD-ĐT đã chốt thì thí sinh khối D sẽ rất có lợi hơn thí sinh khối A, B hay những khối thi khác trong việc được xét tuyển vào ĐH, CĐ. Ví dụ thí sinh đã học chuyên về khối A thì phải thi thêm môn Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn nữa. Trong khi đó, thí sinh khối D đã có sự ôn tập, chuẩn bị kỹ về Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ thì chỉ cần thi thêm 1 môn tự chọn nữa.
Nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Bộ GD-ĐT quy định môn Ngoại ngữ là môn tự chọn thì có lẽ sẽ khiến thí sinh không phải khối D đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra đã lưu ý đến vấn đề trên nên có thêm phần mở rộng là thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Sở dĩ, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT yêu cầu thí sinh phải thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ có lẽ là để hướng tới coi môn Ngoại ngữ là môn học bắt buộc cần phải được lưu tâm ưu tiên ở bậc THPT và kỳ thi THPT quốc gia. Điều này cũng là để các trường nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ tốt hơn.
Không phải chứng chỉ Ngoại ngữ nào cũng tin cậy
PV: Điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD-ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ. PGS có ý kiến gì về điểm này?
PGS Văn Như Cương: Theo tôi, Bộ GD-ĐT không nhất thiết phải miễn thi môn Ngoại ngữ cho thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ vì nếu như thí sinh nào học giỏi Ngoại ngữ thì chắc chắn sẽ đạt điểm cao môn học này. Còn nếu xét vào ĐH, CĐ thì các trường không thể lấy chứng chỉ Ngoại ngữ để xét tuyển thí sinh vào trường.
Hơn nữa, chứng chỉ Ngoại ngữ không phải loại nào cũng đủ tin cậy để xét miễn thi môn học này cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia.
Còn phương án thi đã “chốt” rồi thì Bộ GD-ĐT nên cân nhắc chỉ chọn từ 1-2 loại chứng chỉ Ngoại ngữ do những tổ chức, đơn vị đáng tin cậy để xét miễn thi cho thí sinh.
Nên hạn chế cho các trường ĐH, CĐ thi thêm
PV: Từ ngày 1/1/2015, các trường ĐH, CĐ phải công bố phương thức tuyển sinh của trường. PGS có ý kiến như thế nào đối với phương thức tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ?
PGS Văn Như Cương: Ngoài sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ, các trường có quyền tự chủ rất cao, có thể thực hiện phương thức tuyển sinh riêng hoặc thi thêm 1 hình thức khác như: phỏng vấn, kiểm tra chỉ số thông minh…
Nếu các trường ĐH, CĐ được tự chọn phương thức tuyển sinh thì theo tôi, Bộ GD-ĐT nên quy định hạn chế việc các trường sẽ tổ chức thi thêm môn thi nằm trong các môn của kỳ thi THPT quốc gia. Bởi nếu các trường thi thêm quá nhiều thì sẽ gây nên sự cồng kềnh, tốn kém cho xã hội.
PV: Xin cảm ơn PGS!./.