Phụ huynh đừng quá áp lực nếu muốn trẻ giỏi tiếng Anh
VOV.VN - Phụ huynh không nên ép con mình học tiếng Anh theo yêu cầu của người lớn bởi từ bé các con chưa thể phát âm chuẩn 100%...
Các phụ huynh không nên ép con mình học tiếng Anh theo yêu cầu của người lớn. Chúng ta phải chấp nhận thực tế và đừng quá tham vọng qua quá trình học tiếng Anh.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng - MA, chuyên gia tiếng Anh hàng đầu Việt Nam với 34 năm kinh nghiệm giảng dạy tại ĐH Ngoại Ngữ nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về việc dạy và học tiếng Anh tại hội thảo “Học hỏi để học giỏi” do Học viện Anh ngữ Enspire tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Dạy tiếng Anh cho trẻ em, nhất là trẻ trong lứa tuổi mầm non và tiểu học là điều khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Bởi lẽ, học sinh ở lứa tuổi này còn mải chơi và không thích học.
Từ bé, trẻ em chưa thể phát âm chuẩn 100%, phải lớn dần mới tiến dần đến mực chuẩn. |
Chia sẻ về bí quyết dạy tiếng Anh cho trẻ em, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, vốn tiếng Anh rất cần thiết nếu chúng ta muốn phát triển cao hơn và vươn xa hơn nhất là trong bối cảnh hội nhâp kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, với mỗi đối tượng sẽ có những yêu cầu và phương pháp học hiệu quả khác nhau.
Các phụ huynh không nên ép con mình học tiếng Anh theo yêu cầu của người lớn. Chúng ta phải chấp nhận thực tế và đừng quá tham vọng qua quá trình học tiếng Anh.
"Có những phụ huynh thắc mắc với tôi, cho con học tiếng Anh của giáo viên người Việt, giáo viên phát âm sai là con cũng sai theo và sau này không sửa được. Tôi xin nói rằng, các âm và các từ chúng ta sử dụng còn thay đổi liên tục" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Vì thế, từ bé, các con chưa thể phát âm chuẩn 100%, phải lớn dần mới tiến dần đến mực chuẩn. Điều đó cũng giống như lúc đầu người Nghệ An ra Hà Nội họ phát âm rất nặng nhưng sau một thời gian sống và tiếp xúc tại Hà Nội thì cách phát âm của họ cũng thay đổi dần.
Việc thời gian đầu các con học tiếng Anh và phát âm sai đó là chuyện bình thường. Để học tiếng Anh có hiệu quả thì điều quan trọng là giáo viên thậm chí cả phụ huynh hãy nghĩ rằng: Trẻ con tiếp thu được tới đâu thì chúng ta dạy các con tới đó để tạo sự hào hứng cho các con.
"Phụ huynh đừng đặt quá nhiều tham vọng vào các con để các con mang tâm lý chán học và sợ học tiếng Anh. Tôi kể câu chuyện thế này: “Tôi đã từng dự một tiết học tiếng Anh của trẻ con tại cung thiếu nhi. Tôi thấy rằng, thỉnh thoảng có phụ huynh đứng ngoài phòng học và ngó vào trong xem con mình học thế nào. Đột nhiên, phụ huynh mở toang cánh cửa phòng học, lôi con mình ra ngoài và “cho một trận” rồi đứa bé đó nước mắt ròng ròng” - ông Hùng chia sẻ.
Câu chuyện đó để thấy rằng, phụ huynh đã quá tham vọng với việc học của con. Chúng ta đừng nghĩ rằng trẻ con đi học là phải nghiêm túc theo chuẩn mực. Có những khi các con chơi mà học theo sở thích. Chính điều đó mới phát huy năng lực tiềm ẩn của các bé.
Việc học tiếng Anh quan trọng là phải thiết kế chương trình phù hợp với độ tuổi. Ví như trẻ dưới 6 tuổi thì chúng chỉ thích chơi, chúng thích cái gì sẽ học cái ấy. Vậy ở độ tuổi nay, nếu tiếp thu được kiến thức chút nào đã là một đột phá rồi, phụ huynh đừng yêu cầu quá cao.
Ngay cả phần phát âm, cùng một độ tuổi nhưng có những bạn phát âm rất tốt vì chúng thích nhưng có những bạn không phát âm được vì chúng không thích. Khi trẻ con thích cái gì chúng sẽ rất nhớ cái đó. Trong chương trình, ví dụ có 10 từ mới, chúng thích từ nào sẽ nhớ từ ấy chứ chúng ta đừng bắt ép phải mặc định chúng nhớ 7/10 từ./.
Ở “Tây” người ta cũng dạy chữ và ngoại ngữ từ bậc mầm non
“Bí kíp” giao tiếp bằng tiếng Anh