Phụ huynh hiếm khi cùng con đọc sách
VOV.VN - Nhiều phụ huynh chưa thực sự yêu thích sách, chưa có thói quen đọc sách cùng con nên chưa khuyến khích được học sinh thích đọc sách.
Sách là nguồn tri thức vô hạn của nhân loại. Đọc sách là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Sách mang đến nguồn tri thức để người đọc có thể trải nghiệm, học tập, nghiên cứu, làm giàu thêm vốn sống…
Đọc sách còn thể hiện nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản…
Tầm quan trọng của sách là như vậy. Thế nhưng, việc đọc sách của người dân Việt Nam hiện không nhiều, còn thua xa so với các nước khác trong khu vực.
Đóng góp vào việc khuyến khích người dân và học sinh đọc sách, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Xuất bản Việt Nam đã có những chia sẻ hữu ích.
Đọc sách là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt (ảnh minh họa) |
PV: Thưa ông, từ xưa đến nay, người dân Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Tuy nhiên, tại sao đến giờ chúng ta lại đánh giá là văn hóa đọc sách của người dân còn hạn chế?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Trước đây, người dân học chữ Hán, chữ Nôm. Khi cả một xã có một người đọc chữ Hán, chữ Nôm thì chúng ta nghĩ là người dân đọc sách. Đến khi có chữ Quốc ngữ thì mới có thêm người dân biết đọc.
Cho đến năm 1945, nước ta mới có phong trào diệt giặc dốt nên chú trọng đến việc tập đọc, đọc sách. Điều này cho thấy, trước năm 1945, nước ta không có văn hóa đọc, người dân đọc sách rất ít. Ở các vùng nông thôn ít có sách để đọc. Văn hóa đọc mới được phát triển từ năm 1975 cho tới nay.
Ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách /năm. Các nước trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm.
Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Như vậy, văn hóa đọc sách của người dân còn rất hạn chế. Không chỉ người lớn ít đọc sách mà giới trẻ và đặc biệt là học sinh hiện nay cũng vậy.
PV: Ông có thể giải thích vì sao giới trẻ, đặc biệt là học sinh hiện nay đọc sách rất ít?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ở các nước trên thế giới, trên máy bay, tại các bến tàu, bến xe hay những lúc chờ đợi nhau, đi du lịch, người dân thường cầm trên tay một cuốn sách để đọc. Còn ở Việt Nam, xu hướng chủ yếu là hiện nay, người dân dùng máy tính thông minh hay vào facebook để đọc thông tin chứ không phải là đọc sách.
Người dân Việt Nam có truyền thống hiếu học và luôn mong muốn con cháu mình chăm chỉ học tập, mở mang tri thức nhưng lại rất ít khi dành thời gian đọc sách cùng con cháu. Các bậc cha mẹ chưa có thói quen cùng con chọn loại sách nào phù hợp để đọc.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do nhiều bậc cha mẹ chưa thực sự yêu thích sách, chưa có thói quen đọc sách cùng con và còn bận nhiều công việc mưu sinh. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện ở các trường học hiện nay ít có sách hay để đọc.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng |
PV: Trước thực trạng, người dân ít đọc sách và văn hóa đọc sách của người dân, đặc biệt là học sinh còn hạn chế, ông có ý kiến hay giải pháp gì để khắc phục bất cập này?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ở Hàn Quốc đã đưa ra quy định, trong 1 tuần, các phụ huynh phải dành 30 phút trong 3 ngày để đọc sách cùng con. Ở một nước khác như Singapore, để khuyến khích học sinh đọc sách, Tổng thống đã ra quy định là học sinh từ cấp Tiểu học đến THPT phải đọc sách 15 phút trước giờ học.
Sách có vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức và giúp con người rèn luyện tính kiên trì, phát triển tư duy ngôn ngữ mà ít phương tiện công nghệ nào có thể làm được. Học sinh thường xuyên đọc sách sẽ có trí nhớ và tư duy khoa học rất tốt. Vì vậy, để khuyến khích giới trẻ, đặc biệt là học sinh đọc sách, Chính phủ cần ban hành Luật Đọc sách. Theo đó, Luật phải được áp dụng bắt buộc rộng rãi ở các cấp học, trường học.
Mặt khác, chúng ta cần phải có chính sách khuyến khích đọc sách từ cấp Trung ương đến từng gia đình để làm sao động viên phụ huynh đọc sách cùng với con.
Hiện nay, phần lớn thời gian học sinh đều học ở trường nên để khuyến khích học sinh đọc sách, các trường cần tạo điều kiện cho mỗi lớp học có một tủ sách để tất cả học sinh trong lớp có thể đọc và truyền sách cho nhau đọc dần.
Ngoài ra, nước ta nên phát triển hệ thống thư viện theo hướng xã hội hóa để khuyến khích toàn dân đọc sách.
Mỗi năm, trên thế giới xuất bản khoảng 129 triệu bản sách mới. Chúng ta không thể đưa hết sách mới vào thư viện. Điều cần làm là chúng ta phải có các thư viện, công ty sách, nhà xuất bản chọn lựa sách hay, bổ ích và hướng dẫn bạn đọc tìm sách phù hợp để đọc.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Văn hóa đọc sách của người Việt Nam thua xa các nước trong khu vực