Quản lý dạy thêm, học thêm cần thêm sự quyết liệt
VOV.VN - Điều dư luận băn khoăn là làm thế nào để quản lý tốt việc dạy, thêm học thêm khi mà nhu cầu học thêm hiện nay là khá lớn.
Sở GD-ĐT TP HCM đã có công văn gửi các đơn vị, cơ sở giáo dục, chủ tịch UBND 24 quận, huyện của thành phố về việc phải chấm dứt dạy thêm, học thêm trong trường học từ năm học mới 2016 - 2017 này. Điều dư luận băn khoăn là làm thế nào để quản lý tốt việc dạy, thêm học thêm khi mà nhu cầu học thêm hiện nay là khá lớn.
Quản lý thế nào cho tốt việc dạy thêm, học thêm.
Bắt đầu học thêm từ năm lớp 4, Phạm Thị Thùy Trang, học sinh lớp 11A12, Trường THPT tư thục Hồng Đức, TP HCM cho rằng, học thêm đã giúp ích rất nhiều trong suốt quá trình học ở nhà trường. Thùy Trang khẳng định, ngoài giờ học trên lớp, những kiến thức chưa hiểu rõ hoặc cần được nâng cao phần lớn đều được đáp ứng qua những tiết học thêm: “Trên lớp nhiều tiết học thầy cô giảng rất nhanh nên nhiều khi chúng em chưa nắm bắt được kiến thức. Nên em cần thêm thời gian học thêm buổi tối, để những vấn đề chưa hiểu có thể hỏi thêm giáo viên, giáo viên sẽ chỉ dạy nhiều hơn”.
Có thể thấy nhu cầu học thêm hiện nay của học sinh là khá lớn. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM, hiện có khoảng 290 ngàn học sinh các cấp đang học thêm văn hóa ngoài giờ và 30 nghìn học sinh học tập tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, học thêm dạy thêm cần được hiểu như thế nào cho đúng và quản lý ra sao đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
Bà Phạm Ngô Bảo Thy, giáo viên Trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm, Quận 9, TP HCM cho rằng, cấm dạy thêm và học thêm là chủ trương đúng, thể hiện cái nhìn sâu và muốn thay đổi toàn cục về giáo dục. Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng và rõ về dạy thêm và học thêm. Nếu dạy thêm và ép học thêm để có thêm thu nhập và gây ra những tiêu cực thì đó là việc rất đáng để lên án. Ngược lại, nếu đó là nhu cầu chính đáng thì cần được khuyến khích. Chẳng hạn, mỗi học sinh có trình độ nhận thức khác nhau, có người nhanh, có người chậm, có người giỏi có người dở. Học sinh giỏi được bồi dưỡng thêm, học sinh yếu thì cần được bổ sung kiến thức. Vì vậy, dạy thêm và học thêm trở thành nhu cầu rất cần thiết, cần được ủng hộ và tạo điều kiện phát huy.
“Giáo viên hiểu rất rõ học sinh của mình thiếu cái gì, cần cái gì. Bây giờ nếu mở ra trung tâm hoặc hình thức gia sư, liệu chúng ta có sâu sát được toàn bộ trình độ học sinh hay không. Như vậy chúng ta vô hình chung sẽ dạy theo kiểu công nghiệp, dạy chung chung và dạy bổ sung. Cơ sở vật chất cũng không đảm bảo đáp ứng được điều học sinh và phụ huynh cần”. Bà Phạm Ngô Bảo Thy nói.
Nhiều giáo viên và nhà quản lý giáo dục cho rằng, cần có biện pháp và chế tài thật nặng đối với những trường hợp tiêu cực của dạy thêm - học thêm. Riêng những ưu điểm của dạy thêm, học thêm thì cần phát huy, nhất là trong bối cảnh như hiện nay: nếu học sinh không học thêm rất khó đậu vào đại học.
Tiến sĩ Phạm Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức, TP HCM cho biết, nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng việc học thêm để nâng cao kiến thức cho học sinh. Đối với nước ta, chương trình học hiện nay khá nặng cho học sinh, khiến việc tiếp thu trở nên quá tải và cần có sự kèm cặp thêm của thầy cô giáo. Nếu việc dạy thêm và học thêm vẫn được diễn ra ở bên ngoài nhà trường thì công tác quản lý cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo Tiến sĩ Phạm Thanh Tâm, chỉ cấm trong nhà trường, không cấm ở trung tâm bên ngoài, ở gia đình, ở trung tâm sẽ gây nên những khó khăn cho xã hội, cho học sinh có nhu cầu thực sự, chứ không làm giảm áp lực cho họ. Cấm dạy và học thêm trong nhà trường sẽ chỉ là chuyển hình thức từ chính quy sang đánh du kích thôi. Cấm ngả này chạy ngả khác. Cách dạy sẽ biến tướng, tản mát và khó quản lý hơn so với trước đây.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, Quận 5, TP HCM cho rằng, trường học là nơi đảm bảo đủ cơ sở vật chất để giảng dạy, nếu không cho dạy thêm trong trường, học sinh sẽ phải học thêm bên ngoài sẽ gây khó khăn trong quản lý và học sinh tốn kém nhiều hơn: “Cơ sở vật chất của trường học công rất tốt, có những trường đầu tư cả trăm tỷ như phòng ốc, máy móc, đèn chiếu, ánh sáng và nhiều đồ dùng hiện đại khác… Nếu như cho dạy thêm sao không cho dạy thêm trong trường mà cho dạy thêm ngoài trung tâm. Những trung tâm bên ngoài hầu như là chắp vá, cơ sở vật chất tồn tại thì khâu an toàn, cháy nổ, an ninh trật tự là không đảm bảo như trong trường học được”.
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, để đảm bảo quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, Sở sẽ triển khai quyết liệt 5 giải pháp, đó là: Không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh đang học chính khóa trong bất cứ trường hợp trong hay ngoài nhà trường và mức xử lý cao nhất là đuổi việc nếu giáo viên vi phạm. Các giải pháp tiếp theo là nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc xử lý dạy thêm của giáo viên.
Hiệu trưởng chịu mức kỷ luật cao nếu để xảy ra việc ép buộc học sinh tham gia học thêm của giáo viên. Về lâu dài, Sở tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, đổi mới cách đánh giá, ra đề kiểm tra, đề thi, chấm dứt việc ra đề theo hướng học thuộc.
Ông Lê Hồng Sơn nói: “Quy định là phải làm theo. Nên bây giờ giáo viên chỉ có thể dạy cho các đơn vị bên ngoài tổ chức. Còn tất cả các vụ việc bên ngoài, chúng tôi sẽ cùng chính quyền địa phương, phòng giáo dục đào tạo quận, huyện phối hợp quản lý. Sẽ có những chiều hướng phức tạp hơn trong công tác quản lý nhưng trách nhiệm của chúng tôi vẫn phải quản lý như thường”.
Việc quản lý dạy thêm, học thêm ở TP HCM đang rất cần những giải pháp mang tính đồng bộ, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới mục tiêu dạy thật, học thật, nhất là cải thiện đời sống giáo viên để họ yên tâm đứng lớp, dành trọn tâm huyết với nghề./.