Quy định giảng viên có nơi làm việc 10m2: Bộ GD-ĐT nói không rõ nghĩa?
VOV.VN - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD-ĐT.
Theo đó, dự thảo thông tư có quy định mỗi cơ sở đào tạo phải có tối thiểu một hội trường với quy mô từ 250, 200, 100 chỗ trở lên. Số phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở giáo dục đó.
Mỗi trường phải có tối thiểu một thư viện, một ký túc xá và có khu hoạt động thể chất với diện tích chuyên dùng cho các hạng mục công trình thể thao được xác định theo tiêu chuẩn hiện hành cho từng môn. Có tối thiểu một nhà thể thao đa năng.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư quy định về phòng làm việc riêng cho GS, PGS, giảng viên. (Ảnh minh họa, KT) |
Đặc biệt, dự thảo thông tư cũng quy định về diện tích làm việc của giáo sư là 24m2, PGS là 18m2, giảng viên là 10m2. Ngoài ra các trường phải có phòng nghỉ cho giảng viên. 20 phòng học phải có 1 phòng nghỉ với diện tích chuyên dùng là 3m2/giảng viên, diện tích không nhỏ hơn 24m2/phòng.
Thông tư áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ; trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên trong hệ thống giáo dục quốc dân và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan.
Mức tối đa, hay tối thiểu?
Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho biết, dự thảo thông tư này nhằm thực hiện Nghị quyết số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
“Tinh thần của Nghị quyết này nhằm tránh lãng phí, nếu làm phòng riêng cho giáo sư không được quá 24m2, phòng riêng của PGS không quá 18m2 và phòng riêng cho giảng viên không quá 10m2/người. Quy định này áp dụng cho các trường công sử dụng ngân sách nhằm tiết kiệm, tránh lãng phí, còn thực hiện ra sao tùy vào điều kiện từng trường, những trường nào vượt quá mức trên sẽ bị xử lý. Đây nên hiểu là định mức tối đa, chứ không phải tối thiểu”.
TS Lê Trường Tùng cho rằng, dự thảo thông tư của Bộ chỉ nêu căn cứ theo Nghị định Chính phủ, nhưng phần nội dung lại không nói rõ là hạn mức tối đa hay tối thiểu, nên dễ dẫn đến cách hiểu sai rằng, các trường phải có phòng cho GS đạt 24m2, PGS là 18m2 và giảng viên là 10m2.
“Trong thông tư chính thức, Bộ GD-ĐT cần sửa lại nội dung này cho rõ nghĩa hơn. Còn nếu đọc dự thảo thông tư của Bộ, hầu hết mọi người đều hiểu các trường buộc phải đảm bảo mức diện tích làm việc trên”, TS Lê Trường Tùng nói.
Theo Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, việc có không gian làm việc riêng cho đội ngũ GS, PGS, giảng viên trong các trường đại học là cần thiết, song không phải cứ muốn là làm được. “Muốn là một chuyện, nhưng hiện nay khi ngân sách có hạn, các trường tiến tới tự chủ, mọi khoản suy cho cùng đều đổ lên đầu sinh viên, nên cần hết sức cân nhắc. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng là không gian làm việc chung để tăng cường sự tiếp xúc. Không phải lúc nào các GS, PGS, giảng viên cũng ở trường. Do đó, không cần thiết có phòng làm việc riêng mà nên xây dựng các phòng làm việc chung để tăng sự giao tiếp với nhau.
Giáo dục, y tế là những ngành đặc biệt, cần đối xử một cách đặc biệt, nhưng chất lượng làm việc của giáo sư thế nào không nằm ở phòng làm việc chung hay riêng, mà ở chuyện họ được đầu tư cho nghiên cứu khoa học thế nào, giao lưu quốc tế ra sao”, TS Tùng nhấn mạnh.
GS Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, nếu các trường có thể xây dựng phòng làm việc cho các GS, PGS, giảng viên thì rất tốt, nhưng thực tế số trường có thể thực hiện được điều này chỉ đếm trên đầu ngón tay: “Quy định này hơi khó, bởi tiềm lực các trường có hạn. Nếu đã quy định như vậy thì phải quy định thêm nhiều thứ khác như chức năng, quyền hạn rõ ràng, và đặc biệt là đầu tư đến đâu, làm gì cũng phải có kinh phí”, GS Phong nói.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng: “Vệc quy định về xây dựng phòng làm việc riêng cho các GS, PGS, giảng viên là cần thiết. Tuy nhiên, các GS thường gắn với công tác nghiên cứu, các phòng thí nghiệm...Tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, nếu để tất cả các GS, PGS đều có phòng làm việc riêng, trường cũng khó tuân thủ theo. Những năm qua, chúng tôi cũng đã phải co kéo, quy hoạch, nhưng cũng chỉ đảm bảo mỗi giảng viên có chỗ làm việc khoảng 3m2. Đây là quy định để hướng tới thực hiện, cần có lộ trình, còn nếu áp dụng ngay sẽ rất khó khăn cho các trường”, thầy Tớp nhấn mạnh./.