Tâm sự của các nhà giáo Đại biểu Quốc hội
VOV.VN - Nhà giáo ưu tú Hoàng Văn Cường: Bí quyết để học sinh quý mến là phải tâm huyết, truyền đạt hết những kiến thức quý giá cho các em.
** PGS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, ĐBQH đoàn TP HCM: Mãi mãi tâm huyết với nghề giáo của mình
Trong đến giờ phút nay, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề thầy giáo - nghề cao quý và có nhiều đóng góp ý nghĩa cho xã hội.
Trong nhiều năm qua, tuy đời sống của thầy cô giáo còn khó khăn nhưng các thầy cô không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, mong muốn truyền đạt được những kiến thức tốt nhất, có ý nghĩa nhất cho thế hệ trẻ và cũng tiếp nối truyền thống hiếu học của người Việt Nam.
Thầy giáo Trần Hoàng Ngân |
Do đó, tôi nghĩ rằng, thầy cô giáo từ xưa đến nay luôn luôn được xã hội tôn trọng. Tuy nhiên, bản thân các thầy cô giáo cũng cố gắng sống làm sao để xứng đáng với vai trò, trách nhiệm đó.
Tôi đã có 31 năm trong nghề. Ngoài việc giảng dạy, từ trước đến nay tôi luôn tìm ra những sân chơi để cho các em sinh viên thực hành. Ví dụ tôi là người đã đưa ra sàn giao dịch chứng khoán ảo đầu tiên Việt Nam. Sàn này được tổ chức Guinness của Việt Nam ghi nhận. Tôi cũng là thành viên trong Ban tổ chức cuộc thi dynamic sinh viên – nhà doanh nghiệp tương lai để gắn lý thuyết với thực hành.
Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã liên kết với các doanh nghiệp để có những tài trợ học bổng cho sinh viên. Nói chung, chúng tôi đã cháy hết mình với việc đào tạo trồng người.
Trong quá trình làm nghề giáo viên, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Nhiều lúc bị bệnh, các em sinh viên đến bệnh viện để chở tôi đi dạy; tham gia các chiến dịch mùa hè xanh cùng các em sinh viên; thực hiện các giao dịch ảo về thị trường chứng khoán; suốt đêm cùng với sinh viên để sắp xếp bàn ghế rồi đi xin việc cùng với các em,… Những kỷ niệm đẹp đó cho tôi một kinh nghiệm là khi chúng ta sống hết lòng vì mọi người thì cuộc sống sẽ cho ta tất cả. Đây chính là câu nói mà tôi thường xuyên nói với các em.
Những năm tôi bị bệnh, phải truyền máu, các em sinh viên đã xếp hàng rất dài để tiếp máu cho tôi, trong con người tôi hiện nay đã có 4 bịch máu của sinh viên. Điều đó để thể hiện rằng, dòng máu sinh viên trong con người tôi vẫn còn chảy. Do đó, trách nhiệm của tôi là làm hết sức mình để đóng góp vào sự nghiệp đào tạo của ngành giáo dục hiện nay và mãi mãi sau này tôi vẫn còn tâm huyết với nghề giáo của mình.
Có rất nhiều người thầy cô đã có nhiều ảnh hưởng đối với tôi, tất cả các thầy cô đều là những người mà tôi luôn luôn tôn trọng và ghi nhớ, kể cả những thầy cô từ hồi cấp 1, cấp 2 đến những người thầy hướng dẫn tôi trong công tác đoàn cũng luôn luôn tạo cho tôi niềm tin. Có người thầy vĩ đại nhất mà tôi không được học trực tiếp, đó chính là Bác Hồ. Thông qua cuộc đời, hoạt động của Bác đã luôn tạo cho tôi sức mạnh, niềm tin và tôi luôn cố gắng sống, học tập và lao động theo gương Bác.
Điều trăn trở nhất của tôi hiện nay là vấn đề bạo lực học đường. Chúng ta phải làm sao để các em học sinh, sinh viên yêu thương bạn bè của mình hơn. Yêu quê hương, yêu đất nước phải được cụ thể hóa ngay từ việc yêu thương bạn bè, yêu gia đình của mình. Những tình thương đó sẽ giảm đi lỗi lầm của các em ở lứa tuổi còn trẻ và sẽ làm giảm nhanh nhất tình trạng bạo lực học đường hiện nay.
** Nhà giáo ưu tú Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH KTQD Hà Nội, ĐBQH đoàn Hà Nội: Những thế hệ học trò trưởng thành là phần thưởng vô cùng lớn đối với tôi
Nghề giáo là nghề luôn được xã hội đánh giá cao và tôn vinh. Nghề đầu tiên tôi chọn lại không phải là nghề giáo viên nhưng càng ngày càng thấy số phận đã đưa tôi vào nghề cao quý này. Tôi thấy thực sự may mắn. Nếu được chọn lại, chắc chắn tôi sẽ không do dự gì và sẽ chọn ngay nghề giáo viên. Những thế hệ học trò trưởng thành là phần thưởng vô cùng lớn đối với tôi.
Nhà giáo ưu tú Hoàng Văn Cường |
Nếu người thầy không nhận thấy rõ được trọng trách trong công việc của mình thì rất khó để tận tâm cống hiến được cao nhất những trí tuệ, tình cảm của mình dành cho sự nghiệp trồng người.
Điều tôi mong muốn nhất là đất nước tốt đẹp hơn. Đất nước tốt đẹp hơn là do mỗi một con người được dạy dỗ, học hành tiến bộ cao hơn. Điều này phụ thuộc vào sự đóng góp không nhỏ của ngành giáo dục nói chung và người thầy nói riêng. Tôi mong rằng, mỗi thầy cô giáo đều xác định rõ được trách nhiệm của mình, thấy được niềm vinh dự, tự hào của mình để đóng góp tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Bí quyết để được học sinh quý mến là mình phải làm việc tâm huyết, truyền đạt được hết những kiến thức quý giá nhất cho các em. Đối với người thầy, không chỉ giảng dạy, cung cấp các tri thức cho học trò mà còn phải biết chia sẻ với đồng nghiệp. Nếu mình càng chia sẻ với đồng nghiệp, chia sẻ với học trò về tri thức, kiến thức của mình thì những kiến thức đó không cạn đi mà còn giàu lên mãi. Cho nên tôi thấy rằng, tiền bạc nếu chia sẻ có thể cạn nhưng tri thức và trí tuệ càng chia sẻ thì nó càng giàu thêm. Những gì mà tôi đạt ngày hôm nay cũng là vì phương châm, hành động đó.
Điều trăn trở nhất hiện nay là vẫn còn những người thầy đang công tác trong ngành giáo dục có lẽ chưa nhìn rõ vinh dự của người làm thầy và chưa nhìn nhận được trách nhiệm của mình. Cho nên, họ vẫn còn có những hành động, việc làm chưa thực sự mẫu mực để cho thế hệ trẻ noi theo. Bên cạnh đó cũng có một số em học sinh chưa hiểu được những đóng góp của người thầy và cũng có những em đã đi ngược lại mong muốn, khuyên dạy của thầy. Đó là điều mà tôi buồn nhất.
** Luật sư, thầy giáo Nguyễn Chiến, ĐBQH đoàn Hà Nội: tâm huyết để truyền đạt lại kinh nghiệm cho thế hệ học viên
Đất nước của chúng ta đang cải cách giáo dục thì vai trò của giáo viên là nòng cốt để đưa ngành giáo dục phát triển; đào tạo ra những thế hệ nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Ngày nhà giáo việt Nam, mỗi người chúng ta phải ôn lại truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn”. Chúng ta học chữ nhưng chúng ta cũng phải học cách làm người, cần có sự tôn vinh đối với thế hệ đi trước đã tích lũy kiến thức để truyền đạt lại cho những thế hệ tương lai sau này của đất nước.
Thầy giáo Nguyễn Chiến |
Ngay từ những thời điểm cấp 1, cấp 2, cấp 3 đều có những người thầy, cô chủ nhiệm luôn luôn bên cạnh để định hướng, rèn rũa cho tôi có một nghị lực để vượt qua những trở ngại trong học tập cũng như định hướng trong tương lai.
Tôi trưởng thành như ngày hôm nay cũng là nhờ các thầy cô giáo. Tôi xin gửi lời tri ân đến tất cả các thầy cô giáo, đặc biệt là cô Đặng Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm thời cấp 3, cô cũng chính là người định hướng cho tôi vào nghề luật sư hiện nay.
Với vai trò là thầy giáo, tôi cũng cảm nhận được mình đã tâm huyết như thế nào để truyền đạt lại kinh nghiệm cho thế hệ học viên hiện nay.
Trong 15 năm đi giảng dạy, tôi có đầy ắp những kỷ niệm và niềm vui. Bởi vì, mỗi một khóa đào tạo qua đi, chúng tôi lại có may mắn đón những học trò rời ghế nhà trường về với tổ chức hành nghề luật sư để chúng tôi tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng họ trở thành những luật sư chính thức để đóng góp cho sự nghiệp cải cách tư pháp nước nhà.
Cho đến nay, nhiều người đã trưởng thành và trở thành những luật sư có uy tín, trưởng các văn phòng luật sư,… đó là điều rất vui và hành phúc đối với tôi. Bất kể ai muốn trưởng thành và thành công trong cuộc sống, điều đầu tiên là mình phải quyết tâm theo đuổi nghề mình chọn và tích lũy cho mình thật nhiều kiến thức trong nghề.
Từ sự đam mê và tâm huyết với nghề sẽ khám phá ra những thú vị của nghề mà mình phải theo đuổi./.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi thư chúc mừng giáo viên nhân ngày 20/11
Bí thư Đinh La Thăng thăm, chúc mừng nhà giáo nhân dịp 20/11