Tăng lương tối thiểu vùng: Cần lộ trình và cơ chế giám sát chặt chẽ
VOV.VN - Hội đồng Tiền lương Quốc gia yêu cầu các bộ phận kỹ thuật trong năm 2015-2016 chuẩn bị lại các số liệu tính toán để xác định lại mặt bằng mới.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa chốt phương án tăng lương tối thiểu cho năm 2016 là 12,4%. Phương án này thấp hơn mức 14,3% của năm 2015, nhưng xét về con số tuyệt đối, mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016 bằng với mức tăng của năm 2015.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội- Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân |
PV: Thưa ông, với việc tăng 12,4%, mức lương năm 2016 sẽ đáp ứng được bao nhiêu phần trăm mức sống tối thiểu vùng?
Ông Phạm Minh Huân: Đáp ứng bao nhiêu phần trăm nhu cầu thì bộ phận kỹ thuật sẽ tính toán nhưng tôi nghĩ nó sẽ đáp ứng được khoảng trên 80% nhu cầu. Khi lương tối thiểu tăng thì lương trung bình tác động như thế nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế thương lượng. Đây là phương pháp tiếp cận từ mức lương trung bình, còn mức lương tối thiểu thì chúng ta phải tính toán để làm sao giữa trung bình và tối thiểu có một khoảng cách để tăng tính thỏa thuận, tính thương lượng giữa chủ và thợ.
PV: Xin ông cho biết việc thực thi lương tối thiểu vùng và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ được tiến hành như thế nào trong thời gian tới?
Ông Phạm Minh Huân: Hiện nay, việc trả lương cho người lao động đã theo nguyên tắc thị trường. Còn việc Chính phủ quyết định lương tối thiểu và đây là quyết định mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận, không được thấp hơn, không được vi phạm, chứ không phải lấy mức lương tối thiểu để trả cho người lao động. Trên thực tế các doanh nghiệp đều phải trả cho người lao động theo đúng công việc, đúng mặt bằng tiền công trên thị trường. Nếu không, người lao động có quyền tự dịch chuyển, trả lương thấp thì sẽ chuyển việc khác. Nếu điều kiện lao động không thuận lợi thì người ta sẽ chọn nơi có điều kiện lao động tốt hơn. Vấn đề bảo hiểm xã hội, hiện nay mức lương hưu tỷ lệ đóng rất cao nhưng chúng ta đang đóng trên nền lương thấp nên Quốc hội đã quyết định vấn đề này, chúng ta phải điều chỉnh dần dần, tiến tới chi phí đóng bảo hiểm xã hội phải đóng trên tổng thu nhập.
PV: Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ có lộ trình tăng lương như thế nào để việc thực hiện lương tối thiểu vùng có hiệu quả?
Ông Phạm Minh Huân: Về lộ trình lương tối thiểu, Bộ Lao động nghiên cứu vấn đề này, lộ trình 3 năm, 2016, 2017, 2018 để làm cho phù hợp. Nếu trong trường hợp doanh nghiệp sức ép quá lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp sử dụng đông lao động thì các cơ quan của Chính phủ cũng như Tổng liên đoàn, bản thân giới chủ cũng phải đánh giá xem xét để có kiến nghị làm sao chúng ta vừa thực hiện được chính sách điều chỉnh lương tối thiểu tăng lên để đảm bảo đúng luật. Hiện nay, theo kiến nghị của các thành viên hội đồng, chúng tôi sẽ chỉ đạo các bộ phận kỹ thuật trong cuối năm 2015, đầu năm 2016 sẽ chuẩn bị lại các số liệu tính toán, kể cả nền nhu cầu. Chúng ta tính toán nhu cầu cũng như các yếu tố để xác định lại mặt bằng mới để bắt đầu thực hiện từ năm 2017 và cũng phải tính cả lộ trình các năm về sau.
PV: Dự kiến đến khi nào mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động?
Ông Phạm Minh Huân: Kinh nghiệm của Tổ chức lao động quốc tế thì mức lương tối thiểu bằng khoảng 40-60% mức lương trung bình, nếu quy định mức lương tối thiểu quá cao, sát với lương trung bình thì gần như không có cơ chế thương lượng, lúc đó chủ và thợ chỉ thấy mức lương tối thiểu đó mà áp vào. Chúng ta sẽ xây dựng mức lương tối thiểu sao cho đạt 60% lương trung bình, tỉ lệ còn lại dành để thỏa thuận, thương lượng.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!