Thi tốt nghiệp THPT: Những sai lầm thường gặp của học sinh khi ôn theo đề thi tham khảo
VOV.VN - Giáo viên cho rằng học sinh thường có tâm lý ôn theo đúng dạng bài đã xuất hiện trong đề tham khảo, hoặc loại trừ những bài đã gặp. Điều này khiến các em tự thu hẹp và giới hạn kiến thức của bản thân.
Bộ GD-ĐT vừa công bố đề thi tham khảo các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đề tham khảo được công bố nhằm giúp học sinh ôn tập hiệu quả hơn, nắm được cấu trúc đề trước khi bước vào kỳ thi chính thức.
Thầy Lê Bá Trần Phương, giáo viên môn Toán tại Hà Nội cho rằng, những thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không chỉ chịu tác động của dịch Covid-19 của năm nay, mà còn phải học online dài ngày, ngừng đến trường năm học lớp 11. Do đó, tâm lý chung của nhiều thí sinh trên cả nước là đều mong ngóng đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT.
Theo thầy Phương, việc công bố đề tham khảo vô cùng cần thiết, phù hợp trong hoàn cảnh dạy và học hiện nay, giúp giáo viên và học sinh nắm được những phông kiến thức cơ bản, tham chiếu vào hệ thống kiến thức để có cách ôn luyện phù hợp.
So sánh giữa đề thi tham khảo các năm gần đây và đề thi chính thức, thầy Lê Bá Trần Phương cho rằng, trên thực tế, có những năm đề thi chính thức khó hơn đề thi tham khảo, cũng có những năm lại theo chiều hướng ngược lại.
“Có những câu trong đề thi chính thức có, nhưng trong đề thi tham khảo lại không có. Tuy nhiên, những nội dung trong đề chính thức vẫn sẽ nằm trong phông kiến thức của đề tham khảo. Do đó, học sinh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trên thực tế, nhiều em hay dựa vào đề thi tham khảo để loại bỏ những kiến thức không có trong đề, tức không học những nội dung mà đề tham khảo không hỏi tới. Đây là điều các em cần tránh. Bởi có rất nhiều câu hỏi không có trong đề tham khảo nhưng khi thi thật vẫn gặp phải. Để có kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải ôn luyện một cách đầy đủ và toàn diện”, thầy Phương lưu ý.
Cũng theo thầy Lê Bá Trần Phương, đề thi tốt nghiệp THPT về cơ bản sẽ phủ kín kiến thức trong chương trình lớp 12, nên thí sinh cần ôn rất chắc những nội dung này.
Ngoài ra, riêng với môn Toán, sẽ có một phần kiến thức lớp 11. “Các em chỉ cần ôn theo phông kiến thức mà đề thi minh họa của Bộ đã công bố. Nhưng cần lưu ý đây là phông kiến thức chung, nhưng lại có nhiều góc độ khác nhau, do đó học sinh cần chú ý học toàn diện”, thầy Phương nhấn mạnh.
Còn theo cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, đề thi tham khảo sẽ giúp học sinh yên tâm hơn trước khi bước vào các kỳ thi. Nếu hiểu đúng đề tham khảo chỉ để tham khảo, thì mỗi đề sẽ là cơ hội để học sinh và giáo viên ôn luyện hữu ích nhất. Tuy nhiên, hiện nay, do cách hiểu và vận dụng sai, nên nhiều học sinh, giáo viên đã tự giới hạn hẹp lại các kiến thức, kỹ năng cần ôn luyện sau khi Bộ công bố đề thi tham khảo.
Với môn Ngữ văn, cô Tuyết đơn cử ở câu nghị luận văn học, thay vì luyện cho học sinh nhiều kỹ năng khác nhau như phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh… nhưng với tâm lý đề tham khảo là khuôn mẫu, nên nhiều giáo viên ở một số nơi tập trung ôn cho học sinh dạng đề như trong đề tham khảo. Như vậy, vô hình chung, kiến thức của học trò bị thu hẹp lại trong nửa năm còn lại của học kỳ 2 lớp 12.
Ngoài ra, cô Tuyết cũng cho rằng, đề thi tham khảo môn Ngữ văn, mỗi câu đều ứng với một tác phẩm văn học. Trong chương trình lớp 12 chỉ có hơn 10 tác phẩm. Do đó, sau khi có đề thi tham khảo, nhiều người có tâm lý mặc định thi gì học nấy, dạy rất nhẹ nhàng hoặc nhiều khi bỏ qua những bài, tác phẩm đã xuất hiện trong đề tham khảo, cùng những bài đã xuất hiện trong đề thi chính thức của năm trước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu giáo dục toàn diện.
“Một quan niệm sai lầm khác là đề thi tham khảo là khuôn mẫu. Nhưng rõ ràng không có khuôn mẫu nào có thể tạo ra sự hứng thú, vì tất cả đều biết trước. Việc ôn luyện môn Ngữ văn theo những khuôn mẫu có sẵn là cách học khổ ải, nhàm chán, khiến chính các em học sinh mất đi hứng thú khi làm bài”, cô Tuyết lưu ý./.