“Tôi tự hào khi làm kinh doanh giáo dục”
VOV.VN -Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Kinh doanh giáo dục không được chạy theo lợi nhuận tối đa mà phải luôn đặt chữ “tâm" lên hàng đầu".
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) vừa được vinh danh là 1 trong 10 công dân ưu tú Thủ đô. Vượt qua những sóng gió trong cuộc sống riêng và sự nghiệp, đến nay nữ nhà giáo 70 tuổi đời có thể tự hào nói về mình với hai chữ “Thành công”. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, phóng viên VOV trò chuyện cùng bà.
PV: Thưa bà, xuất phát là một giáo viên và trở thành Hiệu trưởng của một trường ngoài công lập, một mô hình rất mới ở Việt Nam thời gian trước, quá trình để bà gây dựng lên một ngôi trường có uy tín với phụ huynh học sinh như thế nào?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền: Trước khi nhận trường, tôi chỉ là một giáo viên tiếng Nga, nhưng có điều may mắn là tôi hoạt động công đoàn nhiều năm, tổ chức nhiều hoạt động cho công đoàn viên, đặc biệt cho chị em phụ nữ, đó là một trong những yếu tố giúp cho việc quản lý nhân sự sau này.
Lúc đó, hành trang quản lý trường là con số không, nhưng tôi nghĩ không phải ai sinh ra cũng để làm quản lý nên phải học hỏi. Tôi cũng cắp sách đi học các thầy cô hiệu trưởng của quận Cầu Giấy, học lớp quản lý. Trên hết tôi nghĩ người lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm.
Thời gian đầu rất nhiều khó khăn, dân thì chưa tin mà hành trang quản lý không có gì. Nhưng với bản chất của người lính, được đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ nên những khó khăn đó cũng dần được khắc phục.
PV: Xã hội hiện vẫn “dị ứng” với cụm từ “kinh doanh giáo dục”, là hiệu trưởng một trường ngoài công lập, dù là trường rất có uy tín, bà có chạnh lòng không?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền: Tôi có thể tự hào mà nói rằng tôi đang làm kinh doanh giáo dục. Một xã hội có nhiều người kinh doanh lành mạnh, nộp nhiều thuế cho nhà nước thì xã hội đó phát triển.
Tôi nhận làm kinh doanh giáo dục vì có thu tiền của phụ huynh, có chi tiền có nộp thuế cho nhà nước, nộp thuế thu nhập cá nhân.
Nhưng rõ ràng kinh doanh giáo dục là loại hình kinh doanh khác. Trong khi sản phẩm của các loại hình kinh doanh khác là vật vô tri vô giác, thì sản phẩm của giáo dục là con người, là thế hệ tương lai của đất nước.
Để làm tốt điều đó thì phải ưu tiên, tính toán, đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Sau đó mới quan tâm đến quyền lợi giáo viên, sau cùng là quyền lợi của các cổ đông.
Theo tôi, đã kinh doanh thì phải nghĩ đến lợi nhuận. Nhưng kinh doanh giáo dục không được chạy theo lợi nhuận tối đa. Tôi là một nhà giáo, lúc nào tôi cũng đặt chữ tâm lên hàng đầu.
PV: Bà quan niệm thế nào về sự thành đạt của người phụ nữ?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền: Phụ nữ thành đạt khó hơn nam giới vì họ còn gánh trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, người bà. Nên đánh giá về một phụ nữ thành đạt thì không chỉ xét về công việc mà còn gia đình nữa, vì đó là nền tảng và động lực cho bất cứ người phụ nữ nào cống hiến cho xã hội.
PV: Bà làm thế nào để cân bằng giữa công việc, gia đình và xã hội?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền: Lúc nhận quản lý trường được 8 tháng thì con gái tôi mất, lúc đó gia đình còn 3 người. Nếu tôi gục ngã thì không biết gia đình sẽ thế nào. Nên tôi lao vào công việc, cũng là để quên đi nỗi buồn riêng và cũng không vì nỗi niềm riêng mà quên đi công việc, sự nghiệp của mình.
Hiện ra đình tôi sống chung 3 thế hệ và rất vui vẻ.
PV: Được biết bà đã phải chiến đấu với bệnh tật một thời gian dài. Vậy đâu là động lực để bà vượt qua?.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền: Cách đây 17 năm con gái tôi mất, cách đây 8 năm tôi bị xương khớp, 2 năm sau đó tôi bị ung thư. Song tôi nghĩ, những nỗi đau đó là thử thách mà tôi phải vượt qua.
May mắn hơn, sau đó tôi có điều kiện đi chữa bệnh ở nước ngoài. Tôi luôn tìm trong cái rủi điều may mắn để vượt qua mọi thử thách.
PV: Là một Nhà giáo ưu tú, bà có nhắn gửi gì tới những nữ đồng nghiệp?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền: Tháng nào trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng họp hội đồng giáo viên, sau khi họp chuyên môn tôi dành 15-20 phút trò chuyện với giáo viên về nghề dạy học.
Tôi chia sẻ với đồng nghiệp về cái tâm với nghề dạy học. Bởi làm nhà giáo mà không có tâm với nghề thì không thể làm tốt được. Là một cô giáo thì phải có tâm yêu học trò, coi học trò là con, là cháu mình thì mới làm việc tốt được.
Tôi nghĩ thành công của tôi trong lĩnh vực giáo dục xuất phát từ việc luôn coi học trò là con cháu mình, nên phải làm hết trách nhiệm.
PV: Thế còn áp lực đồng tiền, áp lực thời gian, thưa bà?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền: Trách nhiệm thường song hành với quyền lợi. Khi giáo viên đáp ứng được những yêu cầu của công việc thì quyền lợi của họ cũng được đảm bảo.
PV: Trong bối cảnh giáo dục còn nhiều bất cập và đang đổi mới hẳn bà có nhiều tâm tư?
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền: Việt Nam đang trên đường phát triển, giáo dục phải là quốc sách, giáo dục phát triển thì kinh tế xã hội mới phát triển theo. Chúng ta đang gặp khó khăn vì buộc phải phát triển giáo dục theo kịp các nước tiên tiến trong thời gian ngắn nhất.
Làm trong lĩnh vực giáo dục ngoài công lập nên tôi mong muốn chủ trương xã hội hóa của Đảng và Chính phủ quan tâm hơn nữa. Ngoài ra phải tập trung đào tạo đội ngũ nhà giáo vì bất kì lĩnh vực nào, quyết định vẫn là con người. Chính vì vậy phải quan tâm tới đội ngũ giáo viên giỏi về nghề, có trách nhiệm thì mới tiến kịp nền giáo dục của các nước…
PV: Xin cảm ơn Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền./.