Trường ngoài công lập đồng loạt tăng học phí

Học phí và vô vàn khoản phí khác mỗi năm ở các trường ngoài công lập cứ tăng, còn phụ huynh thì cứ “è cổ” ra mà nộp

Đầu năm học này, ở khối các trường ngoài công lập từ cấp học mầm non cho đến trung học hầu hết đều tăng các khoản phí. Không có khung học phí, cũng không có quy định cụ thể về tiền trường ngoài công lập, thế nên, nhiều phụ huynh giật mình thon thót với những khoản “phí” đóng đầu năm hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. 

Tăng trung bình 30%!

Năm học 2011-2012, nhiều trường dân lập đã đồng loạt thông báo mức học phí cho năm học mới với mức tăng trung bình là 30% so với năm trước. Tại Trường tiểu học quốc tế Việt Úc (Hà Nội), học phí năm học trước là 55.400.000 đồng thì nay đã lên tới 61.950.000 đồng (tăng hơn 6 triệu đồng), tiền hỗ trợ phát triển trường cũng tăng thêm khoảng 2 triệu đồng (từ 5.540.000 đồng/năm học lên 7.227.500 đồng/năm học); tiền ăn từ 11.460.000 đồng/năm học lên hơn 14 triệu đồng với cấp tiểu học và hơn 18 triệu đồng cấp THCS và THPT, tiền xe buýt cũng tăng trên 1 triệu đồng so với trước… Cộng tất cả các khoản phải đóng đầu năm học của 1 học sinh cũng ngót nghét cả trăm triệu đồng.

Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội) cũng thông báo mức thu học phí năm học này tăng từ 180USD lên 200USD/tháng (khoảng 4 triệu đồng); lệ phí nhập học một lần cho tất cả các cấp học là 100USD, quỹ hỗ trợ phát triển trường là 70USD/năm. Học phí của trường dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nhảy vọt từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 3 triệu đồng/tháng trong năm học này.

Vẫn biết, cho con học trường dân lập đồng nghĩa với việc phụ huynh phải chấp nhận tình trạng học phí sẽ tăng dần đều qua các năm, nhưng với mức học phí tăng vọt như hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn bị “sốc”. Anh Đ.A, một phụ huynh ở Từ Liêm cho biết: “Khi xin học, nhà trường nói chi phí thu theo thỏa thuận. Giá thị trường lên thì học phí lên. Giá giảm thì học phí xuống. Nhưng từ khi cho con học trường dân lập tới giờ, tôi chỉ thấy học phí mỗi năm một lên, chứ chưa bao giờ thấy xuống”. Vì thương con, không muốn con phải chuyển trường khác nên vị phụ huynh này chỉ biết “bấm bụng” làm theo.

Không chỉ tăng học phí mà nhiều trường dân lập còn thu gộp các khoản thu 3 tháng một lần hoặc thu cả học kỳ, khiến tổng số tiền phụ huynh  phải đóng đầu năm rất lớn. Có con học lớp 1 ở trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, ngay đầu năm học mới, chị N đã phải nộp 3 tháng tiền học phí, tiền ăn, tiền xe buýt, rồi cả tiền đồng phục... tổng cộng hơn 17 triệu đồng. Chị không được hỏi ý kiến về hình thức thu (theo tháng hay theo quý) mà chỉ biết có thông báo nộp là nộp.

Một số phụ huynh ở Trường tiểu học Brendon (Hà Nội) cho biết, trường có quy định thu học phí theo học kỳ và phụ huynh phải nộp tiền trong vòng 10 ngày trước khi vào đầu kỳ học với số tiền 20 triệu đồng, chưa kể một số khoản được lưu ý là “sẽ tính theo phát sinh thực tế”. Trường Quốc tế ACG Việt Nam (TP. HCM) năm học 2011-2012, mức thu học phí tăng theo độ tuổi: 3 - 4 tuổi: 9.000USD/năm; 16 tuổi là 15.950USD/năm. Bên cạnh đó, phụ huynh sẽ phải nộp thêm nhiều loại phí như: Phí nộp đơn 150USD; phí cơ sở vật chất 1.500USD; phí đặt cọc 1.500USD (được hoàn lại với điều kiện học sinh thông báo ngưng học trước 6 tuần hoặc khi học sinh tốt nghiệp) phí xe buýt  950-1.470USD, phí tiếng Anh hỗ trợ 2.750USD…

Phụ huynh “bấm bụng”

Theo luật, không có khung học phí áp dụng cho trường ngoài công lập mà học phí trường ngoài công lập do nhà trường và phụ huynh tự thỏa thuận. Nhà trường có trách nhiệm công khai mức học phí, công khai các khoản thu chi và cam kết về chất lượng. Thế nhưng, thực tế nhiều phụ huynh cho rằng, làm gì có trao đổi hay thỏa thuận, khi trường đưa danh sách các khoản thu thì cứ thế mà nộp, nếu không, chỉ có cách chuyển con ra khỏi trường.

Nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Academy Hà Nội nhiều ngày trời đeo đẳng để được giải thích về những khoản tiền phi lý, nhưng cũng không có được lời giải đáp. Một phụ huynh có con học lớp 3 trường này cho biết, phản ứng về các khoản tiền vô lý, một số phụ huynh xin chuyển trường cho con nhưng đã bị giữ học bạ vì “phải đóng nốt tiền trước khi đi”.

Một phụ huynh có con học Trường Tiểu học K.L (Hà Nội), thấy lớp học quá tải do đông học sinh nên cho con chuyển sang trường dân lập để có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, chị không chịu nổi mức đóng góp trên trời của trường này nên đành “dứt áo ra đi” và chạy cho con về lại trường cũ…

Hai vợ chồng anh Thành (Hoàng Cầu, Hà Nội), có mức thu nhập vài chục triệu đồng/tháng. Sau 2 năm gồng mình cho con học Trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương, đầu năm học vừa qua, “cực chẳng đã” anh phải rút hồ sơ chuyển trường cho con bởi không thể gánh nổi khoản tiền lên tới gần 100 triệu đồng/năm cho đứa con học lớp 8. Nhưng cũng có nhiều phụ huynh ở các khu đô thị như Mỹ Đình - Mễ Trì, Trung Hòa Nhân Chính, Văn Quán, Định Công (Hà Nội) dù không muốn nhưng vì “trắng” trường công lập nên đành “cắn răng” gửi con vào trường ngoài công lập. Việc tăng học phí không theo một khung nào khiến cho phụ huynh cứ tới đầu năm học là như “ngồi trên đống lửa”.

Học phí và vô vàn khoản phí khác mỗi năm ở các trường ngoài công lập cứ tăng, còn phụ huynh thì cứ “è cổ” ra mà nộp. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có một cơ quan nào giám sát cam kết của nhà trường đối với phụ huynh về sự minh bạch, hợp lý của các khoản thu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên