Tuyển sinh Đại học: Thí sinh điểm cao “ém” hồ sơ, chờ ngày “ra tay”?
VOV.VN -Tuyển sinh ĐH 2015 vào giai đoạn nước rút, nhiều thí sinh “điểm khủng” bây giờ mới nộp hồ sơ, đánh bật nhiều thí sinh ra khỏi danh sách an toàn.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ còn gần 10 ngày nữa để nộp và rút hồ sơ kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) đợt 1. Đến nay, nhiều thí sinh đạt điểm cao vẫn “bình chân như vại” tiếp tục nghe ngóng thông tin, trong khi thí sinh có mức điểm thấp hơn lại lo đi rút hồ sơ.
Đứng ngồi không yên với hồ sơ
Thí sinh Ngô Thị Bình ở Triệu Sơn, Thanh Hóa cho biết, em được 25,5 điểm khối A, có nguyện vọng nộp hồ sơ vào ĐH Sư phạm Hà Nội khoa Sư phạm Toán. Sau 10 ngày mở xét tuyển đợt 1, Bình liên tục cập nhật thông tin trên trang web của trường, xem thứ tự điểm rồi những ngày cuối mới quyết định ra Hà Nội nộp.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH 2015 |
Thí sinh này cho biết: “Tính đến ngày 9/8 thì đã có rất nhiều thí sinh điểm cao nộp vào khoa Sư phạm Toán. Khoa này năm nay tuyển 140 người, qua theo dõi em thấy số thứ tự 140 trong danh sách đã là 25 điểm, như vậy em vẫn còn cơ hội.
Để chắc ăn, em chờ thêm vài ngày nữa, nếu danh sách trên ổn định thì em nộp, còn thấy có sự xáo trộn khi các bạn điểm cao nộp vào thì em sẽ tính kiểu khác hoặc xét nguyện vọng 2 ở ngành có điểm thấp hơn. Em được biết có rất nhiều bạn điểm cao vẫn chưa nộp hồ sơ và nhiều bạn dù điểm cao vẫn tụt hạng theo từng đợt công bố”.
Theo các chuyên gia, tính toán để nộp hồ sơ như thí sinh trên là rất rủi may. Theo đó, đợt 1 các trường tuyển được phần lớn các chỉ tiêu, tới hơn 70%. Cho nên nếu thí sinh trượt đợt 1 thì sang đợt 2 số lượng hồ sơ ảo rất lớn, vì các em có tới 3 giấy báo kết quả thi và có thể nộp cùng lúc, như vậy sẽ càng gây hoang mang cho thí sinh hơn.
Bên cạnh những thí sinh “găm” hồ sơ chưa muốn nộp, thì những ngày qua xuất hiện “trào lưu” rút hồ sơ và chuyển nguyện vọng. Thông tin từ ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, đã có hơn 140 thí sinh thay đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ sau khi theo dõi và nhận thấy có nguy cơ rơi vào “danh sách nguy hiểm”.
Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, đây là điều đáng tiếc vì nhiều thí sinh đã hiểu không đúng về danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển của từng ngành. Bởi theo danh sách, mỗi thí sinh có thể xuất hiện ở 4 ngành (1 nguyện vọng 1 và 3 nguyện vọng khác cùng trường).
Như vậy, với con số “ảo” đã khiến thí sinh hiểu là danh sách đăng ký xét tuyển vào trường. Cụ thể đến 17h ngày 6/8 có 2.532 hồ sơ, nhưng danh sách đăng ký xét tuyển của tất cả các ngành cộng lại có 9.500 lượt thí sinh.
Danh sách kết quả trúng tuyển tạm thời của ĐH Kinh tế Quốc dân phần nào "trấn an" thí sinh |
Do đó, ĐH Kinh tế Quốc dân đã đăng thông báo về kết quả trúng tuyển tạm thời để các thí sinh yên tâm. Trường đã công khai các thông tin về kết quả tuyển sinh theo ngành, danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời, danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển được tính toán trên cơ sở các thí sinh đã đăng ký xét tuyển, rút hồ sơ xét tuyển vào trường từ ngày 1/8 đến ngày cập nhật số liệu có ghi trên file.
Thí sinh điểm cao “ra tay” vào những ngày cuối
Theo thống kê của các trường, những ngày qua, lượng thí sinh đạt điểm cao nộp hồ sơ ngày càng nhiều, nhất là vào các trường tốp trên. Điều này chứng tỏ các em vẫn “ém” hồ sơ nghe ngóng những ngày cuối mới quyết định nộp, như vậy sẽ rất rủi ro cho các thí sinh có mức điểm thấp hơn. Do đó có khả năng dẫn đến “trào lưu” đông đảo thí sinh rút hồ sơ và thay đổi nguyện vọng.
Nhìn lại danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào khoa Bác sĩ đa khoa – ĐH Y Hà Nội cho thấy, lượng thí sinh “điểm khủng” những ngày gần đây liên tục xuất hiện, khiến danh sách xáo trộn đáng kể. Theo đó, điểm thấp nhất trong tốp 100 của ngành vào ngày 8/8 là 28,75 thì đến sáng 11/8 đã vọt lên 29 điểm.
Tương tự, ngành Toán học của ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có lượng thí sinh điểm cao nộp vào nhiều hơn trong những ngày gần đây. Cụ thể, theo chỉ tiêu ngành ngày tuyển 140 em và thí sinh xếp thứ 140 tính đến ngày 8/8 là 21 điểm, thì đến sáng 11/8 đã là 25 điểm.
Như vậy, nhiều thí sinh an toàn trước đó đã bị “tụt hạng” thê thảm vào dù được điểm rất cao cũng phải nhanh chóng đi rút hồ sơ vì rõ ràng không còn cơ hội cho mình ở nguyện vọng 1.
Điều này có dẫn đến tình trạng “vỡ trận” rút hồ sơ những ngày cuối hay không, các các trường cũng phải cần tính đến./.
Thí sinh có 2 cách để rút hồ sơ xét tuyển như sau:
1. Thí sinh phải đến trực tiếp trường để rút hồ sơ, thí sinh phải mang theo chứng minh thư nhân dân.
2. Hoặc viết giấy ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ (Người được ủy quyền phải mang theo giấy tờ ủy quyền có xác nhận của ủy ban nhân dân hoặc công an địa phương kèm theo chứng minh nhân dân của mình)
Thí sinh xin rút hồ sơ đăng ký xét tuyển phải nộp đơn xin rút hồ sơ xét tuyển theo mẫu.
Một số giấy tờ cần mang thêm do đặc thù quy định mỗi trường để tránh mất thời gian các em cần chuẩn bị.
- Đối với thí sinh phải nộp tại trường thì đem biên lai đóng lệ phí và giấy biên nhận để rút hồ sơ,
- Đối với thí sinh nộp qua đường bưu điện phải có giấy báo phát (hóa đơn chuyển hồ sơ xét tuyển do bưu điện cung cấp khi gửi hồ sơ) trường mới trả hồ sơ
Vậy nên, đối với các em khi đi nộp hồ sơ trực tiếp tại trường cần giữ lại biên lai đóng lệ phí xét tuyển, những em gửi hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện chuyển phát nhanh phải giữ lại biên lai để nếu trường nào yêu cầu sẽ nộp để rút hồ sơ sang trường khác.