Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Trường tư đang tự tạo "luật chơi" riêng?
VOV.VN - Tăng điểm chuẩn theo giờ, tặng điểm, nộp trước các khoản phí, nếu rút hồ sơ không hoàn trả… là luật chơi riêng của nhiều trường THPT ngoài công lập.
Ngày nay, bên cạnh hệ thống giáo dục công lập do nhà nước làm chủ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư vào giáo dục, đem lại sự thay đổi, đa dạng trong lựa chọn cho các bậc phụ huynh. Theo Luật Giáo dục năm 2005 và Nghị định 86 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các trường ngoài công lập, bao gồm cả đại học lẫn phổ thông đều được tự xác định.
Các trường ngoài công lập được tự quyết mọi vấn đề bao gồm cả thu chi và tuyển sinh. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, các trường ngoài công lập cũng được quyền tự quyết mọi vấn đề, trong đó có tuyển sinh.
Tuy nhiên, cũng chính vẫn đề này đang gây ra những khó khăn cho các phụ huynh và học sinh.
Tăng điểm theo giờ, điểm chuẩn biến động như sàn chứng khoán, khuyến mại thêm điểm nếu ghi danh, nộp hồ sơ sớm, nộp lệ phí như "đặt cọc" ngay khi nộp hồ sơ, nếu rút hồ sơ sẽ không hoàn lại tiền…là những luật chơi mới mà một số trường THPT ngoài công lập đã áp dụng trong mùa tuyển sinh năm nay.
Thậm chí có trường còn yêu cầu phụ huynh cam kết sẽ học tại trường trong 3 năm, nếu rút hồ sơ sau khi đã nộp sẽ không hoàn trả lại bất cứ khoản tiền nào.
Tùy theo từng trường, mức đóng khi nộp hồ sơ có nơi là 3 triệu đồng, có trường lại lên tới 6-7 triệu đồng.
Nếu so sánh với những năm trước có thể thấy điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập năm nay giảm sâu. Do đó, có những trường hợp phụ huynh vì lo con trượt trường công lập, nên đã vội ghi danh vào những trường ngoài công lập. Đến khi điểm chuẩn giảm, lại nháo nhào đi rút hồ sơ để nộp vào trường công lập đủ điểm.
“Con tôi có học lực rất khá, nên gia đình kỳ vọng, đăng ký cho con vào trường THPT Việt Đức. Nhưng đến khi biết điểm, gia đình thực sự sốc khi điểm của con không như mong đợi. Lo con trượt vì Việt Đức là trường lấy điểm khá cao nên tôi đã nộp hồ sơ cho cháu vào trường dân lập. Đến giờ muốn rút lại hồ sơ để cho con vào trường công lập đã đỗ thì phải chấp nhận khoản tiền đã đóng”, một phụ huynh cho biết.
Thực tế nhiều phụ huynh đang gặp phải những vấn đề tương tự khi nhà trường yêu cầu đóng trước các khoản đóng góp như một khoản tiền “cọc” mang tính ràng buộc học sinh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: "Các trường ngoài công lập được tự thỏa thuận với phụ huynh về vấn đề đóng góp và học phí. Sở không có quyền can thiệp vào vấn đề này. Họ hoạt động theo luật doanh nghiệp, đặt ra các khoản thu thỏa thuận với người học. Còn đối với những trường công lập, chúng tôi đã cấm tuyệt đối, nhà trường không được thu bất kỳ khoản phí nào”.
Ông Cẩn cho biết thêm, hàng năm, các trường ngoài công lập chỉ phải nộp về Sở Giáo dục và Đào tạo duy nhất báo cáo tài chính.
Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, Luật Giáo dục nên có điều chỉnh bổ sung để các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương như Sở GD-ĐT các tỉnh được giám sát việc thu chi học phí của các trường tư đóng trên địa bàn. “Phải tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập hoạt động, tuy nhiên, vẫn phải có cơ chế giám sát chặt chẽ”, ông Cẩn cho biết.
Trong khi đó, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng: “Cần phân biệt rõ ràng giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Trong khi các trường công lập chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà nước trong các khoản thu chi, bao gồm cả học phí, thì luật cho phép các trường ngoài công lập được tự quyết định thu dựa trên thỏa thuận với phụ huynh. Tuy nhiên, mọi khoản đều cần được thỏa thuận và công khai, minh bạch".
Còn theo GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, việc quy định các trường THPT ngoài công lập được hoạt động theo cả luật doanh nghiệp là có thật, nhưng đến nay chưa có luật nào biến nhà trường thành doanh nghiệp. Ngay cả khi bàn về việc áp dụng luật doanh nghiệp cho các cơ quan nghiên cứu Nhà nước vẫn còn gặp nhiều đắn đo.
“Đáng ra, ở cấp phổ thông, Nhà nước phải chăm lo đầy đủ về mặt vật chất, kỹ thuật, nếu không đáp ứng được, cho phép mở trường tư thì vẫn phải có sự giám sát, chặt chẽ. Các trường ngoài công lập được tự chủ hoàn toàn, trong đó có cả tự chủ về mặt tài chính. Nhưng tự chủ ở đây không có nghĩa là sân chơi của anh, anh thích làm gì cũng được. Đồng ý là thuận mua, vừa bán, nhưng giáo dục là loại hàng hóa đặc biệt, không thể áp dụng nguyên cơ chế thị trường”.
Về việc có trường đưa ra yêu cầu “lắt léo’ bắt phụ huynh cam kết cho con học trong cả 3 năm học tại trường sau khi nộp hồ sơ, GS Phạm Tất Dong cho rằng, về nguyên tắc là cơ sở thỏa thuận giữa 2 bên, song có vẻ như quyền chủ động đang nghiêng nhiều hơn về phía các trường. Khách hàng – người học không còn là thượng đế mà đang bị đưa vào thế chỉ có thể lựa chọn có hoặc không.
“Nếu sau này nhà trường đào tạo kém, chất lượng giáo dục không đảm bảo, thì học sinh cũng đành cam chịu”? GS Dong đặt câu hỏi.
Chuyên gia giáo dục này cho rằng, nếu các trường đã muốn người học đóng một khoản tiền “cọc” đảm bảo sẽ học và theo học suốt 3 năm, thì ngược lại phía nhà trường cũng cần có cam kết rõ ràng về chất lượng cho người học ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, GS Dong cũng cho rằng các trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh được rút, nộp hồ sơ theo nguyện vọng.
Nói thêm về luật chơi lạ, tăng điểm số như sàn chứng khoán của trường THPT Tạ Quang Bửu, GS Phạm Tất Dong cho rằng đây là “chiêu” riêng của các trường ngoài công lập để tuyển được học sinh khá hơn. Nhưng cách làm này dễ biến những học sinh vốn có thể đỗ thành trượt chỉ trong vài giờ đồng hồ, gây ra khó khăn, tâm lý hoang mang cho học sinh và phụ huynh.
GS Dong cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần có sự can thiệp trong công tác tuyển sinh đầu cấp tại các trường THPT ngoài công lập, đảm bảo quyền lợi cho học sinh và phụ huynh thay vì "thả xổng" như hiện nay./.
Hà Nội: Phụ huynh quay cuồng nộp hồ sơ vào 10, như chơi chứng khoán
Thi THPT quốc gia: Phụ huỵnh đội mưa tầm tã đợi con thi buổi cuối
Kết quả tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
Thi Toán vào lớp 10 ở Hà Nội: Đề "dễ thở", tăng áp lực tuyển sinh