"Vội vàng đóng cửa trường học khi phát hiện một vài ca F0 là cách làm cực đoan"
VOV.VN - TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0 là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ ngày 7/2-16/2, cả nước đã có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp.
Đối với cấp THCS, 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp.
Đối với cấp THPT, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học,100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.
Như vậy, tính đến hết ngày 16/2, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp ở bậc mầm non là 85,71%, bậc tiểu học là 93,65%, bậc THCS là 94,41%, bậc THPT là 99,0%.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học trực tiếp hiện nay còn gặp một số khó khăn như dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.
Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết. Các chuyên gia y tế, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và có yếu tố dịch tễ, không cần xét nghiệm 100% học sinh, đặc biệt không cần thiết xét nghiệm với trẻ em mầm non.
TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0. Đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.
Theo TS Dương Chí Nam, nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh nghi mắc Covid-19, nhà trường cần thông báo cho Ban chỉ đạo hoặc Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh, đồng thời thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời.
Học sinh nghi mắc Covid-19 sẽ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng. Sau đó, nhà trường khai thác các tiền sử tiếp xúc của học sinh này, thông báo phụ huynh và tham vấn ý kiến y tế địa phương.
Học sinh nghi mắc Covid-19 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Trường hợp phát hiện ca mắc Covid-19 ngay trong trường, thầy cô cần chuyển em này xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để ngay lập tức cùng xử lý.
Ông Nam lưu ý tất cả cơ sở giáo dục cần phải trao đổi, liên hệ thường xuyên với trạm y tế cấp xã/phường và cơ sở y tế để khi có tình huống phát sinh có thể được hỗ trợ nhanh.
Đối với lớp có F0, tất cả học sinh ngồi tại chỗ, tổ chức xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Toàn bộ học sinh của lớp được test kháng nguyên nhanh, mẫu gộp. Sau đó, trường cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ phòng học.
Những học sinh không phải là F1, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.
Trường hợp học sinh được xác định là F1, các em được ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine là không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính, các em được đi học trở lại.
Học sinh F1 chưa được tiêm vaccine cũng cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13.
"Về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD-ĐT. Có thể, chúng tôi điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả đối tượng học sinh F1, kể cả đã tiêm vaccine hay chưa", TS Dương Chí Nam nói.
Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng yêu cầu các trường ứng phó khi có F0 trong trường học linh hoạt, ổn định về mặt tâm lý và không hoang mang. Công tác tiêm chủng cho học sinh các lứa tuổi cần có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Công tác truyền thông giữa nhà trường và cha mẹ học sinh cần chú trọng. Phương án dạy học cần được tính đến theo hướng đa dạng, chủ động để có thể áp dụng trong bất cứ tình huống nào.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cũng nhấn mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cần được đặc biệt chú ý. Đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất phải được đồng bộ. Công tác tiêm vaccine cho học sinh phải được tiến hành nghiêm túc theo hướng dẫn của ngành y tế. Trong bối cảnh vừa học tập, vừa chống dịch, các trường cần đẩy mạnh tập huấn cho các thầy cô tại trường về chuyên môn cũng như công tác truy vết, khoanh vùng khi có F0, F1. Việc test đại trà với học sinh không nên áp dụng cứng nhắc và xem xét đối tượng nào cần test mới thực hiện. Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với chính quyền địa phương phải thắt chặt để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ./.