Vụ đổ keo 502: Ông A Vương phải chịu trách nhiệm hình sự?
Nếu xác minh ông A Vương trực tiếp đổ keo vào tay nạn nhân gây tỷ lệ thương tích trên 12%, thì ông này sẽ bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”…
Như tin đã đưa về vụ vị quản lý Trung Quốc đổ keo vào tay công nhân Nguyễn Thị Phương, dư luận cho rằng, cứ cho là việc chị Phương, mắc sai phạm quy chế khi đem keo 502 vào trong xưởng, thì việc ông chủ Trung Quốc “lấy độc trị độc” bằng hành vi vô cùng hung hãn và hết sức tàn bạo là không thể chấp nhận được. Vụ việc trên đã khiến hàng nghìn công nhân KCN Hoàng Long bức xúc, phẫn nộ, nhiều người bàng hoàng trước hành vi tàn bạo của “ông chủ” A Vương.
Trả lời trên báo, TS. Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định, những trường hợp người sử dụng lao động vi phạm, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, đánh người, cần căn cứ vào luật hình sự xử lý. Không thể bỏ qua hành vi hành hung với người lao động.
Nạn nhân Nguyễn Thị Phương tại bệnh viện |
Hiện, các cơ quan chức năng của huyện Hoằng Hoá và tỉnh Thanh Hoá đã vào cuộc, song dư luận e ngại về sự cả nể hay “ngoại giao” nào đó mà vụ việc sẽ bị “lái” sang hướng khác. Bởi đã xuất hiện thông tin “lạ”, có tính trái chiều từ phía ông A Vương và nạn nhân.
Chị Nguyễn Thị Phương cho rằng, chính “ông chủ” đã dùng keo 502 đổ lên tay chị, sau đó bắt phải ép hai bàn tay lại với nhau khiến nạn nhân ngất lịm, phải nhập viện cấp cứu và các bác sĩ phải… tách hai bàn ta ra. Nhiều nhân chứng cũng đã chứng kiến vụ việc, thậm chí còn thấy ông ta quát tháo “xì xồ” với thái độ vô cùng hung hăng.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ cán bộ được cử xuống làm việc tại Công ty giày Hong Fu, thì do cá nhân ông A Vương đi kiểm tra và phát hiện công nhân dùng keo 502 nên ông này có ý kiến. Nhưng do bất đồng về ngôn ngữ, hai bên “giằng co” nên… keo 502 đã bị đổ ra ngoài khiến hai bàn tay chị Phương bị dính vào nhau?!
Để rộng đường dư luận, PV VOV Online có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Đắc Hải, Công ty Luật Hà Trần (Hà Nội), về vấn đề này.
PV: Thưa Luật sư, việc ông A Vương đổ keo vào tay chị Nguyễn Thị Phương (nếu có) có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
LS. Hà Đắc Hải: Trước hết, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành lấy lời khai từ các bên để xác định xem đây là hành vi cố ý hay vô ý gây thương tích. Trường hợp chị Phương được giám định thương tật ở mức tổn hại trên 12% sức khoẻ, và xác định ông A Vương trực tiếp đổ keo vào tay nạn nhân, thì ông A Vương sẽ bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”, theo điều 104 Bộ luật Hình sự. Nếu là hành vi vô ý, sẽ xử lý theo điều 108 về tội Vô ý gây thương tích.
Cơ quan điều tra cần xác định đúng lỗi bắt nguồn từ đâu. Hiện thông tin đang có tính trái chiều nên chưa xác định bên nào sai.
PV: Được biết, quan điểm của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá là “sẽ xử lý nghiêm”. Theo ông, hướng xử lý như thế nào để bảo đảm quyền lợi cho người lao động?
LS. Hà Đắc Hải: Đương nhiên phải tiến hành hoà giải giữa đôi bên, giữa người lao động (ở đây là chị Phương-PV) và chủ lao động (ông A Vương-PV), buộc chủ lao động phải xin lỗi người lao động, nếu ông ta có lỗi. Nếu tỷ lệ thương tích trên 12% xác định do cố ý, thì không những phải truy cứu trách nhiệm hình sự, ông A Vương cần phải chính thức công khai xin lỗi người lao động trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc trên 3 số báo liên tiếp.
PV: Còn chuyện trục xuất thì như thế nào, thưa Luật sư?
LS. Hà Đắc Hải: Chuyện trục xuất ông A Vương ra khỏi nước Việt Nam hay không còn do Cục Xuất nhập cảnh có cho phép hay không cho phép. Vấn đề này có luật quy định riêng.
PV: Xin cảm ơn Luật sư./.
Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau: 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình e) Có tổ chức g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân |