Vụ lùm xùm ở Trường Đại học Hùng Vương nhìn từ góc độ pháp lý
VOV.VN -Nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin Trường Đại học Hùng Vương sẽ thanh lý hợp đồng lao động với 105 cán bộ, giảng viên vào tháng 4 tới.
Trước việc HĐQT Trường Đại học Hùng Vương mới đây gửi văn bản thông báo tới 26 cán bộ, giảng viên nhà trường không đồng ý thỏa thuận tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động về việc sẽ thanh lý hợp đồng lao động với họ từ ngày 5/4 tới, Thạc sĩ Hồ Thị Đỗ Quyên - giảng viên nhà trường tỏ ra vô cùng bức xúc.
Bà Quyên cho rằng, việc nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động trong giai đoạn HĐQT đã kết thúc nhiệm kỳ là không đúng luật.
Bà Quyên lý giải nguyên nhân khiến bà và 25 đồng nghiệp còn lại không tán thành quyết định này: “Tôi thấy ông Tâm (Đặng Thành Tâm-PV) ký không đúng thẩm quyền vì thời hạn làm Chủ tịch HĐQT của ông Tâm đã quá hạn tới 8 tháng. Bây giờ trường làm thế nào phải bầu cho được HĐQT chính thức chứ người không có thẩm quyền ký những văn bản này là không hợp pháp”.
Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Trường ĐH Hùng Vương với cán bộ, giảng viên nhà trường. |
Ông Lam trình bày: “Trong trường hợp này trường đã rất thận trọng trong việc tiến hành lập phương án sử dụng lao động và xin ý kiến công đoàn. Cái thuận lợi nhất của trường là thỏa thuận được với đa số người lao động. Mà theo luật nếu thỏa thuận được thì không cần làm phương án nữa. Và những người không thỏa thuận thì tất nhiên xem như họ không có nhu cầu. Như vậy nhà trường đành cho nghỉ chứ cổ đông cũng đã tạo điều kiện rồi, nhà trường cũng đã làm tất cả mọi thứ”.
Đứng ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, trong trường hợp này, HĐQT và ban giám hiệu Trường Đại học Hùng Vương đã thực hiện đúng chức năng của mình.
Điều 44 Bộ Luật Lao động có quy định: Trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động.
Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện cho tập thể lao động tại cơ sở.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Tính đến thời điểm này, Trường Đại học Hùng Vương đã thực hiện đầy đủ các trình tự. Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích: “Đối chiếu với những quy định này, chúng tôi thấy rằng Trường Đại học Hùng Vương có quyền thỏa thuận với người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Luật Lao động. Bên cạnh đó, chúng ta có luật chuyên ngành đó là Luật Giáo dục Đại học năm 2012. Luật Giáo dục và các quy định pháp luật có liên quan quy định trường đại học tư thục cũng là một dạng doanh nghiệp nhưng phải tuân thủ những quy định riêng đặc thù trong lĩnh vực giáo dục. Theo điều 17 của luật này, HĐQT là tổ chức đại diện duy nhất cho chủ sở hữu của nhà trường. HĐQT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong đó có quyền quyết nghị những vấn đề về tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản và phương hướng đầu tư của nhà trường”.
Vụ lùm xùm tại trường Đại học Hùng Vương: Đâu là lối thoát?
Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định, sau khi hết nhiệm kỳ, HĐQT của nhiệm kỳ kết thúc tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐQT mới được bầu và tiếp quản công việc.
Mặt khác, do Trường Đại học Hùng Vương hiện vẫn chưa đủ điều kiện để tổ chức đại hội đồng cổ đông bầu HĐQT mới, nên ông Đặng Thành Tâm vẫn tiếp tục là Chủ tịch HĐQT của nhà trường.
Về thắc mắc liệu ông Đặng Thành Tâm có đủ thẩm quyền thay mặt cho Trường Đại học Hùng Vương chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ, giảng viên nhà trường hay không, Luật sư Nguyễn Văn Hậu lý giải: Trong trường hợp này, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Hùng Vương sẽ theo quy định trong Điều lệ Quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường.
Nếu Điều lệ quy chế không quy định thì áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo đó, ông Tâm có quyền chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người mà HĐQT bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng lao động vì hiện tại Trường Đại học Hùng Vương không có hiệu trưởng.
Điều mà dư luận quan tâm nhất hiện nay là khi mọi việc được phân tích cặn kẽ theo nhiều góc độ, liệu những mâu thuẫn, tranh cãi trong nội bộ Trường Đại học Hùng Vương có được giải quyết ổn thỏa? Nếu các “cuộc chiến ngầm” cứ dai dẳng thì nguy cơ nhà trường đứng trước bờ vực giải thể là rất lớn./.