Xét tuyển đại học 2015: Kết cục của sự vội vàng
VOV.VN -Một kỳ xét tuyển đại học không trọn vẹn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Đến khi nào việc thi cử ở nước ta mới thực sự nhẹ nhàng?
Đợt xét tuyển nguyện vọng 1 kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015 đã khép lại trong sự lo lắng, băn khoăn của dư luận xã hội. Đến cả những phút cuối cùng, hàng ngàn thí sinh và gia đình vẫn chưa thể an tâm với kết quả đạt được trong kỳ thi có quá nhiều biến động.
Kết thúc kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015, dư luận xã hội thở phào nhẹ nhõm khi năm nay thí sinh và gia đình vừa tiết kiệm được chi phí vừa đỡ di chuyển nhiều. Bên cạnh đó, đề thi cũng không quá khó nên tâm lý thí sinh khá thoải mái. Thế nhưng, từ sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố điểm, mọi việc bắt đầu rối ren.
Không những thí sinh, người nhà cũng cảm thấy vô cùng căng thẳng và mệt mỏi suốt những ngày xét tuyển đại học |
Có thể thấy, do không lường trước được những đổi mới của quy trình xét tuyển năm nay, cả Bộ, các trường lẫn thí sinh đều tỏ ra bối rối. Khó khăn lớn nhất với các thí sinh là việc lọc tỷ lệ thí sinh ảo để xác định chính xác thứ hạng của mình khi nộp hồ sơ xét tuyển.
Bởi năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho chọn tới 4 ngành trong một trường khi xét nguyện vọng 1. Những thay đổi, bổ sung liên quan cộng điểm ưu tiên cũng khiến không ít thí sinh bức xúc. Từ ngày 1/8 - 20/8, thí sinh và phụ huynh phải suốt ngày cập nhật thông tin trên Internet, di chuyển nhiều để rút, nộp hồ sơ, rất tốn kém và vất vả.
Ngoài ra, cũng còn nhiều bất cập khác theo như chia sẻ của một vài thí sinh:
- Thời gian xét tuyển dài quá, tới 20 ngày khiến tâm trạng thí sinh thêm lo lắng rồi việc nộp, rút hồ sơ làm mọi thứ xáo trộn.
- Thi cử năm nay như chơi chứng khoán. Thí sinh này những ngày đầu đang ở tốp an toàn thì vào những ngày cuối chỉ ngủ một đêm thôi thì bỗng tụt hạng và văng ra khỏi tốp an toàn.
Thí sinh và phụ huynh đã thật sự "đứng ngồi không yên" trong suốt quá trình xét tuyển. Đây là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh:
- Năm nay tôi thấy chuyện thi cử phiền hà nhiều đến phụ huynh. Phụ huynh cũng phải theo dõi như thí sinh. Cũng phải đi tới các trường rồi công ăn việc làm không ổn định vì cứ phải hồi hộp, lo lắng.
- Từ khi con thi xong đến giờ không có ngày nào tôi ngủ ngon hết. Cứ phải đi hỏi người này, người kia hoài.
Những đổi mới trong việc xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay cũng khiến các trường đau đầu. Là đơn vị tổ chức xét tuyển để chọn sinh viên vào học nhưng đa phần các trường đều phải phụ thuộc vào phần mềm tuyển sinh của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Thí sinh tất bật với việc nộp - rút hồ sơ |
Ngay trong những ngày đầu của đợt xét tuyển, phần mềm này đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn do phải gánh lượng truy cập khổng lồ. Ngoài ra, các trường còn phải đầu tư thêm về nhân sự, máy móc và thời gian để hoàn thành công đoạn nhập, chuyển thông tin hồ sơ xét tuyển nhiều lần theo hình thức thủ công. Công việc này càng về những ngày cuối càng nặng nề hơn.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi cho rằng, nếu như việc phân cấp và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về cho các cơ sở giáo dục – đào tạo được quan tâm nhiều hơn thì sẽ không có những khó khăn như thời gian vừa qua. Rút kinh nghiệm của năm nay, để kỳ thi những năm sau tốt hơn, Bộ cần có những điều chỉnh, bổ sung, thậm chí là những thay đổi rất lớn để những văn bản pháp quy được xuyên suốt, thống nhất ngay từ đầu, tránh việc thay đổi, bổ sung giữa chừng”.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh lại nhận định về kỳ thi “2 chung” theo khía cạnh khác: “Việc nhập 3, 4 kỳ thi trong 1 của Bộ Giáo dục – Đào tạo là một ưu điểm cực kỳ lớn vì tiết kiệm. Nhưng Bộ lại không lường trước được khâu xét tuyển. Không ngờ khâu xét tuyển lại rối loạn. Các thí sinh phải nộp rồi rút hồ sơ, nhiều em rút ra nộp vào cả chục lần. Điều này gây tốn kém và đặc biệt là không công bằng cho những thí sinh ở nông thôn, ở xa”.
Mặc dù Bộ Giáo dục – Đào tạo đã liên tục có những điều chỉnh trong suốt giai đoạn xét tuyển nguyện vọng 1, thế nhưng tình hình càng rối hơn. Việc bổ sung đối tượng ưu tiên hay ban hành công văn 4079 đã phần nào nói lên điều này.
Ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng – Giám đốc Cơ quan đại diện của Bộ Giáo dục – Đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Như Bộ trưởng đã nói, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ rút kinh nghiệm để khắc phục những gì chưa phù hợp hoặc điều chỉnh những điều còn bất cập, làm sao cho kỳ thi và đợt xét tuyển năm sau hoặc ngay đợt thứ 2 này sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn. Các em học sinh cũng cần phải điều chỉnh để nộp hồ sơ ngay từ đầu, đánh giá đúng năng lực, khả năng của mình để nộp vào trường đúng với thực lực”.
Vẫn biết mọi đổi mới đều cần có thời gian thích nghi. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia giáo dục, nếu Bộ Giáo dục – Đào tạo không quá vội vàng thay đổi mọi thứ như trong năm nay, mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn./.