“Giấy thông hành” âm tính với SARS-CoV-2 làm khổ người dân
VOV.VN - Những ngày qua, những bất cập trong việc test nhanh Covid-19 và cấp giấy chứng nhận âm tính cho người dân đi qua các chốt kiểm dịch liên tỉnh, đã khiến nhiều người dân tại Đắk Lắk rơi vào tình trạng "khóc dở mếu dở". Cuộc sống, công việc theo đó cũng bị đảo lộn.
Buông tiếng thở dài sau khi bước ra từ khu khai báo y tế của Bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chị Trần Thị Tuyết, ở Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngày 5/7 chị và bạn chạy xe máy đến Gia Lai để thăm người quen. Khi chị quay lại Đắk Lắk để về Lâm Đồng thì biết tin tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tất cả mọi người vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 kết quả âm tính. Chị vội vã tìm đến bệnh viện thành phố để làm test nhanh nhưng khi đến nơi lại nhận được câu trả lời là bệnh viện tạm dừng dịch vụ này. Không làm được xét nghiệm, không có “giấy thông hành” đoạn đường trở về nhà của chị Tuyết đành phải kéo dài thêm.
“Chúng tôi đang bị mắc kẹt và không biết phải làm như thế nào để vào được Lâm Đồng. Nếu như bây giờ đi ngược lên trên Pleiku xét nghiệm xong đi ngược lại, chạy xe phải mất ít nhất 15-16 tiếng vậy thì quá cực cho người dân. Rất mong ban ngành hỗ trợ như thế nào đấy để được di chuyển tiện lợi hơn một chút”.
Còn anh Trần Anh Kiệt, lái xe tải tuyến Buôn Ma Thuột - Thành phố Hồ Chí Minh đành phải quay đầu xe về nhà, chấp nhận nghỉ chạy xe một thời gian vì cũng không tìm được nơi làm dịch vụ test nhanh Covid-19.
“Mấy bữa trước tôi đã test nhưng nay giấy hết hạn, cơ quan chức năng thông báo phải test thì mới đi được, không có giấy đó thì mình không đi đâu được, xuống đó người ta cũng bắt quay về”, anh Kiệt nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, do nhu cầu làm test nhanh Covid-19 của người dân tăng đột biến trong khi dụng cụ xét nghiệm nhanh của bệnh viện có hạn, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân nên Bệnh viện phải tạm dừng dịch vụ này.
“Bây giờ phải xin ý kiến của Sở, một là mua đúng theo quy định tức là phải đấu thầu, hai là xin chỉ định thầu với số lượng bao nhiêu theo dự đoán số lượng người đến mình xin chỉ định thầu. Bây giờ nhu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp quá cao”, ông Nguyễn Ngọc Thịnh cho hay.
Cùng với Bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn có 2 đơn vị nữa thực hiện dịch vụ test nhanh Covid-19, đó là bệnh viện Nhi Đức Tâm và phòng khám Đa khoa Hoàn Hảo. Tuy nhiên, do chưa được sự cho phép của Sở y tế, nên sau 2 ngày treo biển thông báo làm xét nghiệm nhanh Covid-19, hai đơn vị này cũng đã tạm dừng dịch vụ này.
Như vậy, đến thời điểm này, Đắk Lắk vẫn trống dịch vụ xét nghiệm nhanh Covid-19. Người dân muốn đến những địa phương yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 đành phải ngồi chờ. Cuộc sống, công việc đành phải nương theo tờ giấy xét nghiệm.
Theo ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, giấy kết quả xét nghiệm test nhanh Covid-19 chỉ có thể chứng nhận một người có hoặc không nhiễm virus tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm. Nó không có giá trị lâu dài, cũng không đảm bảo người này không bị nhiễm trong tương lai. Do vậy cần phải tính toán lại việc xem xét phiếu kết quả xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 như “giấy thông hành” để đi lại và làm việc, vì điều này tạo áp lực về mặt chi phí và nguồn lực, trong khi hiệu quả không cao.
“Cần tổ chức làm sao để người dân về người dân đến trạm y tế để khai báo còn nắm được tình hình. Nếu bây giờ đi xét nghiệm test nhanh chỉ đối với lái taxi, xe tải đường dài thì làm miễn phí cho họ, tạo điều kiện cho người dân, tạo điều kiện để chống dịch”, ông Trịnh Quang Trí cho biết.
Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở y tế tỉnh Đắk Lắk, nếu một người đang ủ bệnh, làm xét nghiệm cho kết quả âm tính, nhưng sau đó bất cứ lúc nào họ cũng có thể phát virus lây cho người khác. Vì thế về mặt khoa học, kết quả xét nghiệm âm tính để đi lại các địa phương không có giá trị nhiều dù giấy này có hiệu lực từ 2 - 3 ngày. Điều này có nghĩa, chứng nhận xét nghiệm âm tính không có nhiều giá trị trong phòng, chống Covid-19, nhưng lại đang gây nhiều khó khăn cho ngành y tế và người dân, làm chậm lưu thông hàng hóa, tạo thêm áp lực cho kinh tế cho các địa phương./.