Gieo chữ trên “cổng trời” Ea Rớt
VOV.VN - Hơn mười năm qua, nhiều thầy cô giáo của Trường Tiểu học Chư Pui 2 vẫn ngày đêm cần mẫn, để đem con chữ đến với đồng bào.
Do địa hình rừng núi cách trở, Trường Tiểu học Chư Pui 2, xã Chư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc có đến 7 điểm trường, trong đó có điểm trường xa nhất trong núi sâu Ea Rớt, cách trung tâm xã hơn 20 km. Để đến được điểm trường này, các giáo viên phải vượt qua rất nhiều dốc cao ven núi, nhất là dốc núi Ea Lang mà mọi người thường gọi là “Cổng trời” vì độ cao và và nguy hiểm. Hơn mười năm qua, nhiều thầy cô giáo của Trường Tiểu học Chư Pui 2 vẫn ngày đêm cần mẫn, bám trụ, vượt bao khó khăn, thiếu thốn để đem con chữ đến với hàng trăm trẻ em nơi thâm sơn cùng cốc này.
Điểm trường ở Ea Rớt. (Ảnh: Thế Thắng)
Vượt qua nhiều đoạn đường quanh co và những dốc dài trơn trượt, hút hút giữa rừng sâu, chúng tôi đã đến được “cổng trời” Ea Rớt. Hình ảnh đầu tiên hiện ra là một điểm trường với 6 căn phòng mới và một căn nhà ở của giáo viên rất tuềnh toàng. Thôn Ea Rớt nằm cách biệt giữa rừng sâu, có hơn 200 hộ, gần 1300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Mông, Mường, Dao di cư vào từ các tỉnh phía Bắc. Năm học này, điểm trường Ea Rớt có 8 lớp tiểu học, gần 200 học sinh.
Thầy giáo Phạm Duy Thắng và 7 cô giáo trẻ đã xung phong vào công tác ở điểm trường này. Tất cả đều rất tâm huyết với nghề. Ngoài buổi đi dạy, các thầy cô còn đến nhà các em học sinh khó khăn, hay nghỉ học để vận động các em đến lớp, dạy thêm miễn phí cho học sinh yếu, tuyên truyền cho phụ huynh không cho con nghỉ học sớm.
Đường đi lại rất khó khăn, thiếu điện, thiếu nước, một lần mua thức ăn dùng cả tuần… Nhưng đêm đêm, các thầy cô vẫn thắp đèn dạy các em học vẽ, dạy hát, tiếng thầy trò phá tan sự tĩnh mịnh chốn thâm sơn này.
Thầy giáo Phạm Duy Thắng cho biết: “Đầu năm nay em và các giáo viên trẻ xung phong vào công tác. Một phần khá khó khăn do thiếu thốn điện, nước sinh hoạt cho giáo viên, điểm trường không có điện, hầu hết trời mưa âm u như thế này thì trong phòng học không đảm bảo ánh sáng"
"Cơ sở vật chất bàn ghế không được tốt. Đời sống bà con đồng bào khá khó khăn, trong đó địa bàn đi lại và cuộc sống khó khăn... Dù điều kiện gian khó nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui và rất thương học sinh trong này nên gắn bó...”
Phia bên kia dãy núi Ea Lang là điểm trường Ea Ô, thuộc Trường Tiểu học Chư Pui 2, cách biệt trung tâm xã. Thế nhưng các thầy cô giáo trẻ vẫn không quản ngại xa xôi, ngày ngày đem con chữ đến với hàng trăm trẻ em. Từ thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, hàng ngày cô giáo Nguyễn Thị Dung vượt hơn 25km để đến với điểm trường này. Nếu không tâm huyết với nghề, không vì tình thương dành con trẻ, thì rất khó gắn bó với vùng đất này.
Cô Dung cho biết: “Khó khăn nhất là lớp 1. Chúng tôi khó khăn vì không hiểu được tiếng địa phương nhưng vẫn chịu khó để rèn các cháu biết đọc biết viết.”
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các thầy cô vẫn cố gắng bám trụ để mang con chữ đến cho học sinh. |
Biết các thầy cô giáo nhà xa, rất thiếu thốn, phụ huynh đồng bào các dân tộc Mông, Mán, Mường… ở thôn Ea Ô, thôn Ea Rớt, xã Chư Pui chỉ biết động viên, chia sẻ bằng nắm rau, mớ khoai, để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ở khu vực này, hầu hết con em đều là dân tộc thiểu số, bất đồng ngôn ngữ, nên nhiều phụ huynh đã tình nguyện làm “phiên dịch viên”, hỗ trợ thầy cô truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Ông Sín Chứ Chơ, ở thôn Ea Ô, xã Chư Pui cho biết: “Đa số ở đây là người Mông ít biết tiếng phổ thông cho nên khó khăn cho các thầy cô. Thầy cô dạy rất nhiệt tình và cố gắng dạy cho các con học. Người Mông rất yêu quý thầy cô.”
Trường tiểu học Chư Pui 2 ở gần trung tâm xã, nhưng có đến 7 điểm trường nằm xa xôi cách trở bởi núi rừng. Trường có 1.535 học sinh, hơn 70% học sinh dân tộc thiểu số và hơn nửa học sinh phải học tại các điểm trường xa trung tâm này. Hiệu trưởng Vũ Đình Tùng cho biết, nhà trường có hơn 80 cán bộ, giáo viên thì gần nửa giáo viên, chủ yếu là những thầy cô giáo trẻ bám trụ ở những điểm trường xa để dạy học.
Thầy Vũ Đình Tùng nhấn mạnh: “Điểm Ea Rơt là điểm xa nhất, đường sá đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây tỉ lệ học sinh mù chữ chiếm trên 80%, nhưng đến nay tỉ lệ học sinh được đến trường gần 97%”.
“Ngoài công việc đi dạy thầy cô thường đi xuống các gia đình khó khăn để vận động các học sinh hay nghỉ học ra lớp. Đồng thời hướng dẫn 1 số em có học lực yếu kém cách học ở nhà và tham gia các nhóm đi làm từ thiện”.
Ngoài chế độ thu hút theo quy định của nhà nước, nhà trường hỗ trợ tiền xăng xe đi lại mỗi khi họp hành hoặc sinh hoạt chuyên môn, mua sắm hệ thống điện năng lượng, giếng nước và hỗ trợ thêm đồ dùng cho thầy cô và thường xuyên vào thăm động viên thầy cô lúc khó khăn…”
Dạy học ở những vùng núi xa xôi nhất, như đến tận “cổng trời” Ea Rớt với biết bao gian khó, nhưng tình yêu học trò và tâm huyết với nghề giáo đã giúp các thầy cô giáo trẻ ở các điểm trường của Trường Tiểu học Chư Pui 2 vượt lên tất cả để gieo những mầm xanh, đem con chữ đến với đồng bào các dân tộc vùng xa xôi này./.