Giữ “kho báu Pơ Mu” hàng trăm tuổi ở Mù Cang Chải
VOV.VN - Pơ Mu là loại gỗ quý trong nhóm A2, mọc ở độ cao trên 1000m ở hầu hết các cánh rừng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Tuy nhiên do tác động của con người mà hiện nay số lượng cây Pơ mu còn lại không nhiều, nhất là những cây cổ thụ.
Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân trên địa bàn tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt loại cây này và đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con. Ghi nhận của PV VOV tại bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt, nơi có đồi cây Pơ mu quý giá hàng trăm năm tuổi, được coi như “kho báu” xanh giữa đại ngàn.
Đồi cây Pơ mu nằm ngay sau khu dân cư của bản Cáng Dông xã Nậm Khắt, có gần 70 cây, chưa kể cây con, được bao thế hệ người Mông ở đây bảo vệ. Ông Giàng Sang Phàng, ngoài 60 tuổi cho biết bản thân không biết tuổi của những cây Pơ mu to trên đồi, chỉ nhớ tuổi thơ của ông và bạn bè cùng trang lứa đã gắn liền với những cây gỗ quý sừng sững trên lưng núi.
"Để bảo vệ số cây này, bản chúng tôi không giao cho hộ gia đình hay cá nhân nào mà quy nó là của chung cho dân bản quản lý, cấm không cho ai chặt hay khai thác, ai vi phạm sẽ phạt nặng nên số cây luôn được bảo vệ và phát triển như hiện nay", ông Phàng nói.
Cùng với nhân dân, những năm qua chính quyền địa phương cũng đã huy động các lực lượng tham gia bảo vệ và phát triển cây Pơ mu. Anh Sùng A Giàng, Bí thư đoàn xã Nậm Khắt cho biết: "Chúng tôi giao cho Chi đoàn bản Cáng Dông thành lập một tổ hợp tác bảo vệ đồi Pơ mu. Chúng tôi cũng đã làm một số công trình như chòi, khèn, làm đường lên đồi Pơ mu. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ bê tông hóa đường rộng 1m từ đầu bản lên đồi Pơ mu với tổng chiều dài gần 1km để du khách đi vào tham quan".
Vừa qua, xã Nặm Khắt cũng đã chỉ đạo các ngành tham gia phối hợp với bản Cáng Dông tập trung phát quang, tu sửa đường đi, lối lại lên đồi cây Pơ mu để việc bảo vệ được thuận lợi và đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Lý A Sấu, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho biết, xã cũng hướng dẫn thôn xây dựng hương ước, quy ước quy định rất rõ về việc bảo vệ và phát triển đồi cây Pơ mu này.
"Tổ chức họp thôn bản, tuyên truyền, quán triệt cho nhân dân về công tác giữ rừng, chúng tôi đã có kế hoạch cho các bản, giao cho các đồng chí cấp ủy phụ trách vào từng thôn bản họp bàn, quán triệt về nội dung giữ rừng Pơ mu này", ông Sầu nói.
Hiện nay, theo kiểm đếm khu vực bản Cáng Dông xã Nặm Khắt có khoảng 70 cây Pơ mu có đường kính trung bình từ 25 đến 50cm. Mặc dù các cây gỗ rất quý, có giá trị kinh tế cao; địa bàn xã Nặm Khắt lại giáp ranh với nhiều xã của huyện và tỉnh Sơn La nhưng chưa từng xảy ra mất mát cây gỗ nào tại đây.
Nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự quyết tâm của bà con nhân dân bản Cáng Dông trong việc bảo vệ và phát triển rừng không chỉ giữ được đồi cây quý mà còn mở ra hướng phát triển du lịch xanh trên địa bàn trong thời gian tới, khi đồi cây quý này đang dần trở thành điểm đến của nhiều du khách.