Góc tối Mà Sa Phìn: Cúi xuống nhặt được vàng và con đường đến cái chết
VOV.VN - Ở Mà Sa Phìn đâu đâu cũng có vàng, chỉ cần cúi xuống là nhặt được vàng nhưng cũng từ đó mà vùng đất này trở nên tang tóc, đau thương.
Trên con đường gian nan để vào bãi vàng Mà Sa Phìn của Lào Cai để xác minh số người chết do mưa lũ làm sạt lở đất vùi lấp, chúng tôi được người dân và đám phu vàng kể về những góc tối của rốn vàng lớn nhất Lào Cai, nơi người ta chỉ cần cúi xuống là nhặt được vàng, nơi mạng người bị coi rẻ và nhiều cái chết bị chôn vùi trong sự im lặng của người sống, nơi luật pháp nằm trong tay các “tướng” mỏ vàng và nơi người ta sống và chết trong làn khói trắng ma túy.
Giật mình số người chết
Sau khi cơn bão số 3 đi qua, bản báo cáo thiệt hại của các địa phương chịu ảnh hưởng từ bão khiến nhân dân cả nước thở phào vì con số thiệt hại về người và của nhỏ hơn so với dự đoán. Trong bản báo cáo ấy, Lào Cai là địa phương bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng vì có lũ quét, sạt lở ở nhiều nơi, thông báo có 2 người tử vong, 4 người bị thương. Có thể sẽ chẳng ai để ý đến con số ấy nếu không có những thông tin trái ngược hẳn với báo cáo.
Cây cầu từ trung tâm xã đi vào bãi vàng bị lũ cuốn trôi, từ đây phải lội bộ hơn 25 km mới vào đến Mà Sa Phìn |
Một ngày sau khi bão đi qua, PV VTC News nhận được thông tin từ người dân địa phương: “Sao lại chỉ có 2 người chết, có cả chục người chết, cả trăm người bị nước cuốn trôi đây này. Riêng một lán trại có hơn 20 phu vàng thì lũ cuốn trôi đi cả, hàng chục lán trại khác cũng bị đất đá vùi lấp, chết nhiều lắm”.
Những "lán trại" họ nhắc đến chính là lán trại của công nhân đào vàng ở rốn vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, Lào Cai.
Dân địa phương vẫn bảo rằng, Mà Sa Phìn là mỏ vàng lớn nhất của tỉnh Lào Cai. Ở đó, nhìn đâu cũng thấy vàng, đào đâu cũng có vàng. Có thời điểm, người dân địa phương tự đi đãi vàng bằng phương pháp thủ công mà cũng thu được cả cân vàng cám.
Trên đường tìm đến Mà Sa Phìn để xác minh thông tin số người tử vong bị "vênh" so với báo cáo của tỉnh như nêu trên, chúng tôi liên lạc với nhiều người dân xã Nậm Xây và ai cũng đều nói rằng "nhiều người chết lắm".
Rất nhiều người sống dọc con đường độc đạo dẫn vào bãi vàng khẳng định: “Ngay sau hôm bão, tôi tận mắt thấy hơn 10 thi thể được người ta khiêng qua đây (qua nhà qua bản của người dân - PV)”.
Ngày 23/8, chúng tôi có mặt tại Văn Bàn, từ trung tâm huyện vào xã Nậm Xây khoảng 35km. Đường vào xã men theo con suối Nậm Xây Luông vàng đục màu của lũ. Có lẽ nước mang màu như vậy vì có chứa cả tỷ hạt vàng sa khoáng quyện với bùn đất, phù sa của miền biên viễn.
Suốt dọc đường đi, chúng tôi được chứng kiến sức mạnh của mẹ thiên nhiên, mức độ tàn khốc của cơn lũ quét qua Nậm Xây khiến ông Hoàng Xuân Phủ - Chủ tịch xã phải thốt lên: “Từ bé, chưa bao giờ tôi thấy trận nào khủng khiếp đến thế”.
Những cây cầu bê tông cốt thép chắc chắn bị lũ làm xiêu vẹo hoặc đánh sập. Những vệt nước vấy bẩn, in hằn lên chân các dãy đồi nơi nó chảy qua, nước dâng đến đâu khiến những đám cây bên bờ đổ rạp theo chiều nước đến đó.
Vết tích mà cơn lũ để lại như muốn khẳng định với con người về sức mạnh của mẹ thiên nhiên là vô địch, như trút giận vào cái cách mà con người đã đối xử tàn bạo với thiên nhiên.
Lũ cuốn trôi làm hỏng hết đường |
Cây cầu ngầm Nậm Xây Luông bắc qua suối Nậm Xây bằng bê tông cũng bị cơn lũ cuốn bay chỉ còn trơ lại 1 bên trụ cầu. Để qua được suối, chính quyền địa phương phải bắc cầu tạm bằng mấy cây tre ghép lại.
Hai bên bờ sông, người dân đứng xem làm cầu, đứng vớt gỗ, củi rất đông. Họ nhìn chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi từ hôm mưa lũ, họ chỉ thấy dân phu vàng lũ lượt tháo chạy từ trong Mà Sa Phìn ra ngoài chứ ai lại chui đầu vào chỗ chết.
Để vào được đến mỏ vàng phải đi hơn 25 km đường đất, dốc cao lầy lội, nhiều đoạn bị sạt lở. Cánh thanh niên ở bản Phiêng Đóong ngay sát bên bờ suối mời mọc chúng tôi ngồi xe máy để họ chở vào, giá mỗi người là 200 nghìn đồng. Cuối cùng, chúng tôi chọn lái xe là một người đàn ông trung niên.
Dù biết trước đường vào sẽ gian nan, nhưng chúng tôi không tưởng tượng nổi nó lại nhọc nhằn đến vậy. Hơn 25 km đường đất uốn lượn, nằm vắt ngang những quả đồi cao tít đỉnh trời. Đường thì sình lầy nhão nhoét như cháo, có đoạn ngập đến nửa bánh xe phải xuống nhấc đầu đít xe lên mới qua được.
Nhiều đoạn dốc gần như thẳng đứng, 2 chúng tôi phải nhảy xuống đi bộ để lái xe một mình bò số 1 mới leo được. Suốt đường đi, một bên là ta luy dương vắt ngang núi, còn một bên là vực sâu thăm thẳm mà phía dưới là con suối Nậm Xây Luông hung dữ, gầm rú không ngừng như muốn nuốt chửng mọi thứ.
Người đang "nắm trong tay sinh mạng" chúng tôi là ông Triệu Phúc Lý (người Dao, 55 tuổi, thôn Phiêng Đóong, xã Nậm Xây). Ông bảo, con đường này là đường độc đạo dẫn vào Mà Sa Phìn. Thế nên, từ sau hôm xảy ra sạt lở, người ta khiêng xác chết ra ngoài này người dân đều nhìn thấy.
Ông Lý nhẩm: “Chú nhìn thấy thì cũng phải tầm 20 cái khiêng (cho người bị chết hoặc bị thương vào võng hoặc chăn rồi buộc vào cây khiêng ra)”.
Suốt dọc đường vào, chúng tôi gặp nhiều tốp phu vàng từ 5 – 7 người, có tốp hơn 10 người đi bộ từ trong Mà Sa Phìn ra ngoài. Người thì đeo tay nải, ba lô, người thì trên mình chỉ có đúng bộ quần áo, thậm chí có người chỉ mặc mỗi cái quần đùi… hớt hải đi nhanh về hướng trung tâm huyện.
Đất lở xuống khiến đường lầy lội, bùn nhão nhoét |
Những người này chủ yếu từ các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Lai Châu, Thanh Hóa… lên Mà Sa Phìn làm thuê trong hầm vàng. Họ vội vàng đến mức không dừng nổi chân dăm ba phút để trao đổi. Ai cũng hối hả nhanh chân muốn thoát thật nhanh khỏi mảnh đất Văn Bàn, nơi họ vừa tận mắt chứng kiến cảnh tượng mẹ thiên nhiên “nuốt sống” con người hết sức thảm thiết.