Gói hỗ trợ an sinh xã hội Đà Nẵng chi hỗ trợ đến hơn 80.000 đối tượng
VOV.VN - Tính đến ngày 13/5, thành phố Đà Nẵng đã chi hỗ trợ cho 80.000 đối tượng thuộc 3 nhóm với kinh phí gần 90 tỷ đồng.
Ngày 14/5, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về tình hình triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tính đến ngày 13/5, thành phố Đà Nẵng đã chi hỗ trợ cho 80.000 đối tượng thuộc 3 nhóm gồm: người có công cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí gần 90 tỷ đồng, hiện còn hơn 15.000 đối tượng đang tiếp tục chi trả.
Các địa phương ở Đà Nẵng cũng tạm tính khoảng 61.000 đối tượng hộ kinh doanh cá thể tạm ngừng kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương...
Hiện, các địa phương đã tổ chức tập huấn, triển khai đến các xã, phường và tổ chức tiếp nhận hồ sơ từ ngày 12/5. Dự kiến cuối tháng 5 này sẽ tiến hành chi trả cho người lao động, hộ kinh doanh. Riêng đối với các đối tượng đặc thù của thành phố, sẽ xin ý kiến vào kỳ họp HĐND thành phố bất thường vào ngày 22/5 tới.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-&XH TP Đà Nẵng cho biết: "Hiện nay chúng tôi chuẩn bị danh sách cụ thể để trình HĐND quyết hỗ trợ cho những đối tượng này. Ví dụ như người tham gia kháng chiến mà chưa đủ thời gian được Thủ tướng quyết định được hưởng. Như là Công an, Quân đội tham gia trước năm 1975 nhưng chưa đủ 20 năm họ đã phục viên, xuất ngũ Nghị quyết của Chính phủ không có đối tượng này thì chúng tôi trình HĐND TP hỗ trợ. Đối tượng bảo trợ xã hội cũng thể. Có những đối tượng không thuộc diện Nghị định 136 thì phải dùng ngân sách địa phương hỗ trợ".
Đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp, hướng dẫn chậm; các biểu mẫu, thủ tục, hồ sơ chậm, không thống nhất; thông tin trả lời trên các trang của Bộ chưa nhất quán… gây áp lực rất lớn cho các địa phương.
Tại buổi làm việc, các địa phương ở TP Đà Nẵng nêu một số vướng mắc, bất cập nhất là trong việc xác định các đối tượng lao động tự do bị mất việc, các hộ kinh doanh tự do. Liên quan đến kiến nghị của TP Đà Nẵng về khó khăn trong việc rà soát các đối tượng để tiến hành chi trả hỗ trợ, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ kiểm tra lại để tạo nhất quán trong thực hiện.
Ông Thanh cho biết, nguyên tắc cơ bản là hỗ trợ người mất việc, giảm sâu thu nhập. Tuỳ vào từng địa phương, nếu sẵn nguồn lực trong khả năng thì có thể mở rộng các nhóm hỗ trợ. Ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh về sự công khai minh bạch, tránh bị lợi dụng và xử lý nghiêm hành vi trục lợi khi triển khai gói hỗ trợ này./.