GS. Đào Trọng Thi: Giỏi là do học sinh, chắc gì do thầy, do trường?
VOV.VN -Trường chất lượng cao không có nghĩa cứ tuyển các em giỏi vào, khi ra trường học sinh cũng sẽ giỏi.
Năm nay, theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo là không tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Theo đó, với số lượng lớn học sinh giỏi (trên 90%), nhiều trường THCS chất lượng cao có lượng hồ sơ dự xét tuyển gấp nhiều lần so với chỉ tiêu, gây không ít khó khăn cho các trường này.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, Giáo sư Đào Trọng Thi, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tư duy cũ khi vẫn quan niệm đầu vào phải là học sinh giỏi. Tại sao lại cho phép một số trường có quyền đi chọn học sinh giỏi?
Giáo sư Đào Trọng Thi (Ảnh: Lại Thìn) |
PV: Thưa Giáo sư, tình trạng có quá nhiều học sinh giỏi phải chăng xuất phát từ việc nhà trường “nương tay” trong đánh giá học sinh để các em dễ được xét tuyển vào lớp 6?
GS. Đào Trọng Thi: Chúng ta chuyển từ hình thức đánh giá học sinh theo điểm số sang đánh giá bằng nhận xét. Theo lý thuyết thì đánh giá bằng nhận xét có thể xác đáng, chính xác hơn; phù hợp hơn với năng lực, trình độ của học sinh. Thế nhưng, việc có quá nhiều học sinh giỏi, không có sự phân biệt giữa các em thì chắc chắn là hệ thống đánh giá chưa tốt. Mà chưa tốt tôi nghĩ cũng không có gì khó hiểu, vì chúng ta chuyển sang một hệ thống đánh giá hoàn toàn mới, không quen thuộc, không thông thường đối với giáo viên.
Cũng phải nói là chúng ta chuẩn bị không tốt khi chuyển sang kiểu đánh giá mới. Đáng ra phải chuẩn bị rất kỹ, thậm chí phải thí điểm, phải xem như thế nào rồi đúc rút kinh nghiệm sau đó mới phổ biến rộng rãi. Như thế sẽ không xảy ra tình trạng này.
Từ điểm này mà nói chúng ta có nên quay lại với hình thức đánh giá cũ hay không, tôi nghĩ không cần thiết. Cái thiếu của chúng ta là không có bước chuẩn bị cẩn thận cho một hệ thống đánh giá mới, do đó phải bổ sung. Nếu mà nhiều học sinh giỏi quá và không có sự phân biệt giữa các học sinh thì sẽ khó cho các nhà trường khi dựa trên một kết quả như vậy để tuyển chọn học sinh.
Tại sao cho phép một số trường đi chọn học sinh giỏi?
PV: Để xét tuyển vào lớp 6, nhiều trường vẫn chọn tiêu chí đầu tiên là học sinh giỏi, như vậy sẽ mất đi cơ hội của nhiều em khác. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
GS. Đào Trọng Thi: Tôi thấy chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tư duy cũ. Tại sao cứ phải tuyển đầu vào là học sinh giỏi, mà không phải là khá, trung bình? Chúng ta có phân biệt các em đâu? Lứa tuổi học sinh vào lớp 6 là tuổi phổ cập, phải đảm bảo chỗ học cho tất cả các em ở trong lứa tuổi này. Đã là phổ cập thì không những các em được đảm bảo chỗ học tập, mà gia đình còn phải có trách nhiệm nữa. Đấy là nghĩa vụ và quyền lợi.
Tôi nghĩ, ở đây cần phải làm rõ khái niệm trường chuyên. Đó là trường được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên đội ngũ giáo viên để bồi dưỡng học sinh năng khiếu, chuẩn bị nguồn nhân tài cho đất nước. Những trường hợp đó, đương nhiên phải chọn những em có năng khiếu và giỏi, để tạo nguồn, đào tạo nhân tài.
Chủ trương của chúng ta là ở cấp THCS không có trường chuyên. Còn tất cả những lớp chọn, lớp điểm là “biến tướng” của trường chuyên ở THCS và tôi phải nói đó là làm chui, không có chủ trương nào hết.
Tại sao chúng ta lại cho phép một số trường có quyền đi chọn học sinh giỏi, hút hết học sinh giỏi? Tại sao các trường khi tuyển sinh không lấy các tiêu chí khác đảm bảo sự công bằng cho các em hơn, đảm bảo sự phát triển toàn diện, hài hòa hơn, mà chỉ lấy mỗi tiêu chí học sinh giỏi?
Nếu chúng ta lấy tiêu chí học sinh giỏi thì chọn rất khó, nhưng không phải cứ bám vào tiêu chí đó mà còn nhiều tiêu chí khác. Tôi lấy ví dụ có thể chọn theo nơi cư trú, ưu tiên những em ở gần trường. Như vậy rất tốt, vì ở lứa tuổi này phải tạo điều kiện gần gũi, đỡ phải đưa đi đưa lại, rất có lợi hơn cho các em trong quá trình học tập.
Theo ông Đào Trọng Thi, cái giá phụ huynh phải trả cho nhà trường chi phí cao chính là chất lượng đào tạo (Ảnh có tính chất minh họa) |
Trong trường hợp chúng ta không quy định một trường nào được giao nhiệm vụ, được ưu tiên chọn học sinh giỏi để đào tạo nhân tài cho đất nước, thì không có lý gì lại cho phép các trường này tự cho mình quyền chọn học sinh giỏi. Tại sao chúng ta cứ bám vào cái điều không nhất thiết phải có như thế?
Chúng ta cũng cần làm rõ khái niệm trường “chất lượng cao”. Trường chất lượng cao là tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, đội ngũ giáo viên tốt để các em có được môi trường học tập tốt hơn, với điều kiện gia đình phải đảm bảo được tài chính và tự nguyện chi trả phần chênh lệch trong chi phí đào tạo. Ở đây là gia đình tự nguyện cho con vào học và đảm bảo sự công bằng cho các em.
Tôi nghĩ đó là công bằng trong xã hội, vì thu nhập giữa người dân còn không đồng đều, do đó người có thu nhập cao thì chấp nhận chi phí cao. Chúng ta đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp và bộ phận nhân dân khác nhau, nhưng trên tinh thần tự nguyện.
Học sinh giỏi chắc gì đã do thầy?
PV: Thực tế số phụ huynh đồng ý cho con học trường chất lượng cao rất lớn, gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh khiến các trường lúng túng, điều này giải quyết thế nào, thưa ông?
GS. Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ không có gì lúng túng cả. “Chất lượng cao” ở đây phải hiểu là trường có điều kiện để con em học tập tốt hơn và có thể đạt kết quả cao hơn, chứ không phải các em giỏi rồi thì nói vào học rồi ra trường cũng sẽ giỏi. Ở đây nên hiểu không phải là tiêu chí học sinh giỏi, quan trọng là các em có điều kiện theo học hay không.
Tôi đã từng ở ĐHQG, thấy rằng các em học sinh chuyên ở đây không có đào tạo, bồi dưỡng gì các em vẫn cứ giỏi. Giỏi là do học sinh, chắc gì do thầy, do trường? Thế còn ở đây các trường thu tiền cao thì giá trị chênh lệch, giá trị tăng thêm của các em khi học ở trường này phải cao. Đó mới là cái giá phụ huynh phải trả cho nhà trường chi phí cao.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./.