GS.NGND Vũ Ngọc Lộ: Sắt son một con đường
(VOV) - Dù ở tuổi 90, nhưng ông vẫn không ngừng nghiên cứu, để lại cho đời những cuốn sách quý trong lĩnh vực Y Dược...
“Cả cuộc đời này, tôi luôn phấn đấu theo một con đường là cống hiến cho cách mạng, cho ngành Dược liệu. Tôi vẫn tiếp tục sự nghiệp đào tạo, giảng dạy cho nghiên cứu sinh, đào tạo Tiến sĩ. Còn chút sức khỏe, tôi vẫn đóng góp, thực hiện phương châm sống của người cao tuổi: sống vui, sống khỏe, sống có ích” – Thầy giáo già 90 tuổi có 47 năm công tác, 62 năm tuổi Đảng khẳng định chắc nịch khi nói chuyện với tôi.
GS.NGND Vũ Ngọc Lộ |
Cũng có lẽ luôn mang ý chí son sắt như vậy, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, GS.NGND Vũ Ngọc Lộ, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu, trường Đại học Dược Hà Nội vẫn không ngừng nghỉ công việc mà ông đã theo đuổi cả cuộc đời: Đào tạo các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh và viết sách.
47 năm công tác trong ngành Dược, ông đã góp phần trong việc đào tạo hơn 6.000 dược sĩ Đại học, hướng dẫn thành công 8 luận án Tiến sĩ Dược học, các chuyên khoa cấp 1, cấp 2, thạc sĩ Dược học. Trong số này có các Tiến sĩ Dược học là người nước ngoài như TS Boun Hoong (Lào) sau này được đề bạt là Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Lào... TS Nang Sothy (Campuchia) viết và bảo vệ luận án TS bằng tiếng Pháp, là sự kiện đáng nhớ trong lịch sử ngành Dược học Việt Nam ở thời điểm năm 1989...
Không ai có thể ngờ, sau khi nghỉ hưu, dù tuổi đã cao nhưng người thầy có vóc dáng nhỏ bé lại có thể cho ra đời nhiều sách đến như vậy. Tính đến nay, ông và các bạn đồng nghiệp đã cho xuất bản hàng chục đầu sách, trong đó có nhiều cuốn dày đến hàng nghìn trang. Đặc biệt, bộ sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” gồm 3 tập, như một kho tư liệu quý do ông cùng nhiều đồng nghiệp biên soạn về 1.265 loài thuốc và động vật làm thuốc ở nước ta. Bộ sách đã đoạt giải đoạt giải Nhất toàn quốc trong số các sách khoa học kỹ thuật xuất bản năm 2006.
Hàng ngày, trong căn phòng nhỏ ở phố Tặng Bạt Hổ, Hà Nội, ông vẫn miệt mài viết sách. Trong phòng làm việc của ông, phần lớn diện tích dành cho 2 giá sách và chiếc bàn làm việc. Sách vở được ông xếp ngay ngắn, cẩn thận và được ông giữ gìn, nâng niu như những tài sản vô cùng quý giá.
Khoảng vài năm trước đây, ông vẫn tự đạp xe đến Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương… để đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Nhưng gần đây, sức khỏe giảm sút nhiều, không thể tự đạp xe đến thư viện, ông phải nhờ con, cả xe ôm chở đi để thường xuyên được cập nhật thêm những thông tin mới. Nay đôi chân ngày càng yếu, việc đi lại khó khăn hơn, ông lại nhờ con cháu dạy sử dụng máy tính, cách vào mạng internet để tra thông tin-một công việc mà giờ đây ông mới bắt đầu làm quen.
GS.NGND Vũ Ngọc Lộ tâm sự, sau nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy trong ngành Dược liệu, ông đã thu thập được nhiều kinh nghiệm thực tế để viết sách về các loài dược liệu quý ở Việt Nam. Ông muốn gửi gắm lại những gì đã tích lũy được cho các thế hệ mai sau qua những trang sách.
Theo ông, để có được sự minh mẫn ở lứa tuổi xưa nay hiếm, cũng một phần là do việc ông không để cho bộ não nghỉ ngơi. Ông liên tục làm việc, vừa để thỏa mãn đam mê nghiên cứu chuyên ngành Dược liệu, vừa là cách “tập thể dục” để bộ não luôn khỏe mạnh.
Một lòng sắt son theo cách mạng
Khi tiếp xúc với GS.NGND Vũ Ngọc Lộ, sự hiền lành, chân chất, giản dị và cách nói chuyện khiêm nhường của ông, ít ai có thể ngờ rằng, đã có thời, ông từng là một “cậu ấm” trong một gia đình giàu có ở Hà Nội.
Khi ông sinh ra, bố ông đã được thừa hưởng 300 mẫu ruộng và một căn nhà hơn 400m2 ở phố Bắc Ninh (phố Nguyễn Hữu Huân) nằm ở trung tâm Hà Nội. Nhưng khác với vẻ được yêu chiều của các “cậu ấm, cô chiêu” nhà giàu thời bấy giờ, ngay từ bé, ông đã là một cậu bé rất ham học.
Bố mẹ ông đã tôn trọng nguyện vọng của con, tạo điều kiện để cho ông được theo đuổi con đường học hành. Năm 1946, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông học tiếp lên Đại học Dược. Lúc bấy giờ, đất nước có chiến tranh, ông xung phong vào quân đội để vừa học, vừa được góp sức của mình vào giải phóng đất nước.
Chia tay gia đình, chia tay người vợ trẻ mới cưới, ông hăng hái lên đường theo cách mạng: “Lúc đó tôi thấy mình có trách nhiệm với đất nước thì xung phong vào quân đội. Mình còn trẻ, không thể chỉ chuyên tâm việc học hành, hưởng thụ cuộc sống sung sướng trong khi đất nước đang bom đạn. Tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ vô tư lắm, hăng hái lên đường mà chẳng bao giờ so đo tính toán chuyện gì, kể cả ngày về cũng không bao giờ nghĩ tới”.
Trong quân đội, ông được giao nhiệm vụ vừa đi học vừa kiêm luôn giảng viên dạy cho các dược tá, dược sĩ... Điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn, tài liệu, sách vở không có, ông và những đồng nghiệp của mình tự túc in tài liệu bằng đất sét tán mịn cho cho sinh viên học tập...
Học sinh cũ (ảnh trái) đến chúc mừng vợ chồng GS.NGND Vũ Ngọc Lộ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2012 |
Kể về những ngày trong quân ngũ, người thầy giáo già lại bồi hồi, xúc động như đang được trở về với quá khứ tuy đầy gian nan nhưng cũng đầy tự hào của mình. Ông kể, đã nhiều lần ông cận kề với cái chết. Đó là những ông cùng đồng đội hành quân ra khỏi nội thành. Đoàn người ra bờ sông Hồng, đi dọc lên phía Bắc. Khi đi dưới cầu Long Biên, trên cầu rất nhiều lính Pháp đứng canh gác, chỉ cần ai ho hoặc gây ra tiếng động nhỏ là có thể cả đoàn người sẽ bị đạn ở trên cầu nã xuống.
Rồi đến lần địch tấn công lên Việt Bắc năm 1947, nhằm đánh vào cơ sở đầu não của kháng chiến, nhất là 4 tỉnh Bắc Cạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ. Lúc này, ông được phân công ra thị xã Bắc Cạn để sửa chữa một số đèn hàn ống tiêm. Ông bị sa vào vòng vây địch và chỉ cần một chút sơ xuất là sẽ bị địch phát hiện. Ông và người bạn đã bình tĩnh tìm cách thoát ra khỏi vòng vây, bơi qua sông và sau một ngày đêm vượt núi băng rừng, ông mới đến được cơ sở làm việc của mình.
Nhiều lần như vậy, đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, nhưng chàng thanh niên Vũ Ngọc Lộ chưa bao giờ thoái chí. Ông chỉ có một tâm nguyện là cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp của dân tộc: “Chúng tôi thời đó coi thường bom đạn, coi thường cái chết. Khi đã chọn cho mình con đường theo cách mạng, thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ. Tuy sống trong mưa bom, bão đạn nhưng tình đồng chí, đồng đội lúc đó quý lắm, không nghĩ gì cho bản thân, dù là điều nhỏ nhặt nhất”.
Năm 1954, sau chiến thắng ở Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneva, miền Bắc được giải phóng. Sau nhiều năm công tác và dạy học trong quân đội, ông được điều về Kho C (trực thuộc Cục quân Y) làm Phó trưởng kho. Cũng sau ngần ấy năm xa cách, ông với được gặp lại gia đình. “8 năm ngong ngóng chờ đợi. Tôi được về thăm gia đình ít ngày. Tôi không biết dùng lời gì để diễn tả niềm vui mừng trong ngày gặp lại. Xúc động nhất là vợ tôi, sau nhiều năm chăm sóc mẹ tôi bị bệnh, đã trở nên gầy gò và xanh xao rất nhiều”– GS.NGND Vũ Ngọc Lộ rưng rưng nhớ lại.
Son sắt với ngành Dược liệu
Từ năm 1960, ông được chuyển công tác về Bộ môn Dược liệu, trường Đại học Y dược. Được công tác trong một môi trường mới, ông gần như bắt đầu một cuộc sống mới. Toàn bộ thời gian ông dành cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học: “Để thích nghi, tôi phải nỗ lực hết mình để vươn lên, phải bổ sung những kiến thức mình còn thiếu. Cùng với đó, phải tích cực đi thực tế, dần dần làm quen với công việc nghiên cứu khoa học, mới đầu là công trình nhỏ, hướng dẫn các sinh viên làm luận văn từ thấp đến cao”.
Những sinh viên học ở trường Đại học Dược lúc bấy giờ đều yêu mến và kính trọng người thầy giáo vô cùng giản dị, cần mẫn và hết lòng vì học sinh. Hình ảnh người thầy với những bộ quần áo giản dị, đạp chiếc xe đạp cà tàng mỗi khi đến lớp, đi thư viện, đưa học sinh đi ngoại khóa và đi học thêm các khóa ngoại ngữ buổi tối đã trở nên quen thuộc với không ít sinh viên trong trường. Khó ai có thể ngờ rằng, thầy giáo Vũ Ngọc Lộ trước kia đã từng là một “cậu ấm” trong một gia đình giàu có ở đất Hà thành.
Sự say mê công việc làm ông như quên đi mọi thứ. Ông có thể ngồi đọc sách, tài liệu cả ngày để tìm hiểu về một thông tin về dược liệu, những cây thuốc mới. Thậm chí, thời sơ tán chống đế quốc Mỹ, nhiều khi từ cuối huyện Lục Ngạn nơi trường Đại học Dược sơ tán về thăm gia đình ở cách đó 120 km, mỗi khi đưa các con đi chơi, trong chùm chìa khóa của ông bao giờ cũng có chiếc kính lúp mini. Trong khi các con chơi đùa, thấy loại cây mới, ông lại tha thẩn soi, tìm hiểu xem thuộc loài cây nào, rồi đem về tra lại tên khoa học của nó là gì, tác dụng ra sao... Ông có thể nắm vững tên dân gian, tên Latin cũng như công dụng của các làm cây làm thuốc chính ở Việt Nam.
Bộ sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” mà GS Vũ Ngọc Lộ và đồng nghiệp biên soạn đoạt giải Nhất toàn quốc trong số các sách khoa học kỹ thuật xuất bản năm 2006. |
Ông quan niệm rằng, kể cả người làm thầy và cả học trò, muốn thành công phải có sự đam mê. Mà đam mê là do chính mỗi con người tự tạo ra cho mình. Vì thế đối với các học trò, ông luôn tạo cho họ thói quen phải tự trau dồi, tự học là chính. Cũng có lẽ vì thế, sinh viên của ông hiện nay có rất nhiều người thành đạt, có người là GS, PGS, TS và giữ các chức vụ quan trọng không chỉ trong và ngoài nước...
Với những cống hiến không mệt mỏi của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giảng dạy, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân chương, Bằng khen và các danh hiệu cao quý khác. Trong số đó, có 3 vinh danh không thể quên đối với ông là: được phong Giáo sư (năm 1992); tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 2008) và bộ sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” đoạt giải Nhất toàn quốc trong số các sách khoa học kỹ thuật xuất bản năm 2006 mà ông là một trong các tác giả của bộ sách.
Khi kể về những thành công của mình, ông luôn dành tình cảm yêu thương, trân trọng cho người vợ - cũng là một nhà giáo đã lo lắng cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ, có công lớn trong việc chăm sóc, nuôi dạy các con nên người.
Giờ đây, nhìn hai ông bà đều ở cái tuổi xưa nay hiếm, sống đầm ấm bên các con cháu đều thành đạt và có địa vị trong xã hội, tôi lại cũng thầm ao ước, sẽ có một tuổi già viên mãn như vậy./.
Một số sách đã xuất bản của Gs Vũ Ngọc Lộ:
1- Kỹ thuật bảo quản dược phẩm (nhiều tác giả), 1962, NXB Y học.
2- Những tinh dầu lấy từ cây thuốc Việt Nam (chủ trì), 1971, Trường đại học Dược.
3- Thực hành dược khoa (nhiều tác giả), 1971, NXB Y học.
4- Bài giảng dược liệu (nhiều tác giả), 1980, 1981, NXB Y học.
5- Giáo trình dược liệu cho sinh viên dược Phnompenh (nhiều tác giả), 1981, Trường đại học Y dược Phnompenh.
6- Những cây tinh dầu quý (nhiều tác giả), 1977, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
7- Tài nguyên cây thuốc (nhiều tác giả), 1993, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
8- Plant resources of South-East Asia (nhiều tác giả), 1999, Backhuys Publishers Leiden.
9- Từ điển Bách khoa dược học (nhiều tác giả), 1999, NXB Từ điển Bách khoa.
10- Selected medicinal plants in Vietnam (nhiều tác giả), 1999, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
11- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (nhiều tác giả), 2004, NXB Khoa học và Kỹ thuật.