Hà Nội bàn “kịch bản” phát triển KT-XH ứng phó ảnh hưởng của dịch Covid-19
VOV.VN - Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết, Thành phố đang thực hiện nhiệm vụ "kép" là duy trì phát triển kinh tế-xã hội và ngăn chặn dịch Covid-19.
Sáng 12/3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì họp với Ban cán sự đảng UBND Thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020, tập trung đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới phát triển KT-XH Thủ đô và bàn giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2020, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ nêu rõ: TP đang thực hiện nhiệm vụ kép là duy trì đảm bảo phát triển KT-XH và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời có giải pháp bảo đảm ngăn chặn sự suy giảm và duy trì phát triển KT-XH TP đặt ra trong năm 2020, góp phần đạt mục tiêu phát triển của Thủ đô trong nhiệm kỳ theo Nghị quyết đảng bộ TP lần thứ XVI.
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội chỉ chiếm 1/5 diện tích và 8,1% dân số cả nước nhưng đóng góp gần 17% GDP cả nước, 20% tổng thu ngân sách, có vị trí đầu tàu vùng kinh tế Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Vì vậy việc hoàn thành chỉ tiêu KT-XH, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu NSNN không chỉ đảm bảo cho Hà Nội tạo sinh kế, công ăn việc làm của người dân, đảm bảo cân đối về ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chăm lo người có công mà việc duy trì cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách góp phần thực hiện chỉ tiêu KT-XH của cả nước.
Chính vì vậy, ngay khi dịch bệnh xảy ra, Thường trực Thành uỷ đã chỉ đạo Ban cán sự đảng TP xây dựng báo cáo kịch bản đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tình hình KT-XH Thủ đô, đề xuất định hướng, giải pháp thực hiện với mục tiêu duy trì và khôi phục lại mạnh mẽ sau khi dập xong dịch bệnh này.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo: Vừa rồi, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 11 trùng khớp với chỉ đạo của Thành phố. “Trên tinh thần đó, chúng ta sẽ đánh giá những tác động cụ thể của dịch bệnh này với tình hình KT-XH của Thủ đô với các kịch bản khác nhau. Trên cơ sở đó, chúng ta tổ chức thực hiện những nội dung trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng sát thực điều kiện thực tế của Thủ đô. Đồng thời đề xuất chính sách, gói giải pháp thuộc thẩm quyền của TP. Đây là nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn hiên nay.
Ông Vương Đình Huệ đề nghị: "Tại Hội nghị này, cần bàn luận khi rơi vào tình huống khó khăn thì có điều chỉnh các chỉ tiêu hay không? Chúng ta rất cần quyết tâm giữ các chỉ tiêu đặt ra và để giữ các mục tiêu năm 2020, hoàn thành các Nghị quyết của Đảng bộ XVI thì chúng ta phải làm gì?. Thường trực sẽ cho ý kiến về quan điểm, nguyên tắc, khung chính sách lớn. Sau cuộc họp Ban cán sự đảng TP sẽ hoàn chỉnh đề án, ban hành kế hoạch hành động có phân công phân cấp cụ thể cho TP, chính quyền địa phương, sở ban ngành để thực hiện quyết liệt”.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng TP Hà Nội, Đại hội XVI Đảng bộ TP đề ra 16 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu, trong đó có 13 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội, kết quả thực hiện năm 2019 có 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu thời gian sớm, 8 chỉ tiêu còn lại dự kiến hoàn thành năm 2020. Kết quả thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết HĐND Thành phố, có 17 quyết nghị chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu. Đến nay 4 chỉ tiêu đã đạt kế hoạch sớm, 12 chỉ tiêu còn lại dự kiến hoàn thành năm 2020, 1 chỉ tiêu HĐND bổ sung, dự kiến không hoàn thành kế hoạch tỷ lệ đô thị hoá.
Sản xuất kinh doanh ảnh hưởng dịch Covid-19
Theo lãnh đạo Thành phố Hà Nội, hoạt động sản xuất kinh doanh 2 tháng đầu năm bị ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội giảm 0,3% đạt 5,8%. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 51.470 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ, đạt 18,5% dự toán năm. Chi ngân sách địa phương 8.891 tỷ đồng, đạt 8,6% dự toán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm 0,007% so với tháng 1, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,66%.
Mặc dù chỉ số công nghiệp (IIP) tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 6,1%). Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như: Bia, rượu (giảm 23,2%); giày, dép giảm 5,5%. Một số sản phẩm chống dịch tăng: Dược phẩm tăng 55,6%; thuốc trừ sâu, sản phẩm hoá chất tăng 46,3%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 5,8%); Tổng mức bán lẻ tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 4,3%). Kim ngạch xuất khẩu giảm 20,7% (cùng kỳ tăng 10,4%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ và vận tải bưu chính chuyển phát giảm 0,9% (cùng kỳ tăng 12,3%).
Khách du lịch giảm mạnh, khách Trung Quốc giảm 95,3%; Hàn Quốc giảm 51,4%, Singapore giảm 42,4%... Khách du lịch nội địa giảm 27%. Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí 0,5%, dịch vụ giáo dục đào tạo giảm 3%...
Riêng sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi hoàn thành thu hoạch cây vụ đông, lúa xuân sinh trưởng tốt. Dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát. Đàn lợn hiện có 1,05 triệu con, giảm 36,8%; đàn gia súc, gia cầm 32,5 triệu con, tăng 16,1%. Cúm A/H5N6 xảy ra cục bộ đang được kiểm soát.
Thành phố đã thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 240 triệu USD, cấp mới 130 dự án với vốn đầu tư đăng ký 60,7 triệu USD, 23 dự án tăng vốn, 250 lượt chấp thuận góp vốn mua cổ phần nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam.
Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vốn ngoài ngân sách 3 dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án, trong đó 3 dự án tăng vốn.
Xây dựng các kịch bản phù hợp với điều kiện dịch
Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và kịch bản tăng trưởng năm 2020, đại diện UBND Thành phố Hà Nội cho biết, du lịch là lĩnh vực ảnh hưởng, 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm 37% khách đến Hà Nội. Sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 15% kim ngạch xuất khẩu, 40% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhóm dệt may, 60% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc; sản xuất máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải hơn 30% phụ thuộc vào Trung Quốc, Hàn Quốc.
Vốn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm khoảng 41,5 tổng vốn FDI của Hà Nội dự báo sẽ bị ảnh hưởng.
Thu ngân sách dự báo sẽ bị ảnh hưởng. Tình huống 1: dịch bệnh kiểm soát trong quý I, thu NSNN giảm khoảng 11.482 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương giảm khoảng 3.700 tỷ đồng.
Tình huống 2: quý 1 hết dịch nhưng tình hình ảnh hưởng lớn đến các quý sau, thu NSNN thu ngân sách trên địa bàn giảm khoảng 15.182 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương giảm khoảng 4.700 tỷ đồng.
Tình huống 3: dịch bệnh được kiểm soát vào quý II và có thể lâu hơn thu NSNS giảm khoảng 19.582 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương giảm khoảng 6.000 tỷ đồng.
Đưa ra các giải pháp đối với các tình huống này, TP Hà Nội có kế hoạch cụ thể ngân sách cấp TP sẽ thực hiện giảm thu bù đắp từ các nguồn, bù đăp từ kết dư ngân sách theo từng từng tình huống. Đối với các quân, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp cắt giảm chi thường xuyên và huy động các nguồn tài chính để bù đắp hụt thu, đảm bảo cân đối ngân sách. Trường hợp không cân đối được ngân sách thành phố xem xét hỗ trợ.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng xây dựng 3 kịch bản trưởng năm 2020 của TP và kết quả tăng trưởng 5 năm 2016-2020./.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp “hiến kế”, đoàn kết chiến thắng Covid-19