Hà Nội thiếu quỹ đất xây trường học
VOV.VN - Năm học 2022-2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM.
Tại Hội nghị trực tiếp toàn quốc tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, năm học 2022-2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nêu vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM.
Hà Nội thiếu quỹ đất xây trường
Hiện nay, Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Trong đó, mỗi năm, tăng từ 50.000-60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30-40 trường học. Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà đã nêu vấn đề khó khăn của ngành giáo dục thủ đô và kiến nghị những giải pháp cho thành phố có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Theo lãnh đạo Hà Nội, năm học 2022-2023, toàn thành phố có khoảng 2.870 trường mầm non, phổ thông và Trung tâm GD Thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh.
“Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, đề nghị các cấp xem xét cho phép Thành phố sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khói nhà xây dựng. Đồng thời, cho phép Hà Nội xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả”, bà Vũ Thu Hà nói.
Hà Nội đang có đầy đủ loại hình trường nhiều cấp học, trường chuyên, trọng điểm quốc gia với quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, tại Nghị định 120 quy định mỗi đơn vị có không quá 2 cấp phó khiến khó khăn trong công tác quản lý cho các trường có quy mô lớn, đặc thù. Do đó, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 120 cho phù hợp thực tế. Lãnh đạo Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa SGK và sử dụng SGK điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.
Với TP.HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục. Trong đó, năm học 2023-2024 sắp tới, ngành giáo dục TP.HCM sẽ đề ra các giải pháp cụ để tiếp tục thực hiện trọng tâm xây dựng TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, GD-ĐT, khoa học - công nghệ. Cùng với đó là tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục tăng cường ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ hiện đại vào mọi hoạt động giáo dục, đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT.
“Ngành giáo dục TP.HCM đã đăng ký 3 công trình mà trọng tâm là công trình Đầu tư, chuẩn hóa và hiện đại cơ sở vật chất, góp phần thực hiện thành công chương trình GDPT 2018, nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới…”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Bài toán thiếu giáo viên
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương nêu nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến thiếu giáo viên, thiếu cơ sở hạ tầng, mạng lưới internet, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, địa phương đang thiếu thốn cơ sở vật chất, lớp học bán trú còn thấp; học 2 buổi/ngày còn ít; trường lớp còn nhỏ lẻ, tạm bợ... Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều nhưng không có nguồn tuyển; nhất là giáo viên các môn học Chương trình mới. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường còn thấp.
Ông Nguyễn Minh Luân kiến nghị Bộ GD-ĐT, các bộ ngành Trung ương quan tâm đầu tư chương trình Sóng và máy tính cho em vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; Xem xét tháo gỡ khó khăn quy định khung vị trí việc làm cho giáo dục mầm non ở vị trí phục vụ, bảo vệ, y tế đang gặp khó; Cần có các chương trình kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là nhà công vụ cho giáo viên để giáo viên yên tâm, gắn bó dạy học và công tác.
Cùng kiến nghị giải quyết những khó khăn này, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện ưu tiên cho các trường phổ thông dân tộc nội trú; phổ thông dân tộc bán trú; trường phổ thông có học sinh bán trú (gồm 70/359 trường). Nhưng các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn theo Quyết định số 1609 của Thủ tướng Chính phủ và các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chưa thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình. Vì vậy, tỉnh Kon Tum rất mong Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm mở rộng đối tượng thụ hưởng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo bà Y Ngọc, tỉnh Kon Tum còn thiếu 836 giáo viên, đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn. Do địa bàn rộng, dân cư phân tán, đặc biệt là ở 4 huyện biên giới nên mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ, nhiều lớp ghép… Hạ tầng công nghệ thông tin còn khó khăn và chưa đồng bộ; có nhiều điểm lõm về sóng viễn thông, internet hoặc chất lượng đường truyền không đảm bảo.
Một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bán trú… còn thiếu tính bền vững do số xã đặc biệt khó khăn ngày càng giảm.
“Cần cơ chế, chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... Có cơ chế chuyển tiếp, duy trì các chính sách an sinh trên lĩnh vực giáo dục y tế từ 2-3 năm sau khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí học tập…). Đồng thời ban hành mới các chính sách đối với trường nội trú, bán trú, trường có đông học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn, như: hỗ trợ chế độ ăn trưa, chi phí học tập, đào tạo nghề…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói.