Hà Nội: Thiếu trầm trọng trường học tại các khu đô thị
VOV.VN - Theo đại biểu Trần Thế Cương một số khu đô thị thiếu hạ tầng xã hội, đặc biệt là thiếu trường học.
Tại phiên chất vấn ngày 5/7, một trong những vấn đề được các đại biểu HĐND TP Hà Nội đưa ra là tình trạng thiếu trường học trong các khu đô thị. Số liệu điều tra cho thấy, năm học 2017 - 2018, toàn TP có 150.000 trẻ trong độ tuổi vào lớp mẫu giáo 5 tuổi (tăng 11.000 trẻ so với năm học trước); 142.000 học sinh vào lớp 1 (tăng 14.000 học sinh); 110.000 học sinh vào lớp 6 (tăng 3.300 học sinh).
Riêng cấp THPT, số học sinh vào lớp 10 cũng tăng hơn 2.700 học sinh. So với năm học trước, các nhà trường phải chuẩn bị thêm 31.000 chỗ ngồi cho học sinh các cấp học. Những quận, huyện có lượng học sinh tăng nhiều là Hà Đông (2.200 học sinh), Nam Từ Liêm (1.900 học sinh), Bắc Từ Liêm (1.700 học sinh), Đông Anh (1.500 học sinh), Chương Mỹ (1.400 học sinh)...
Trường học thiếu trường THPT gây áp lực cho học sinh thi vào lớp 10. |
Theo quy hoạch mạng lưới trường học do UBND TP phê duyệt, trong giai đoạn 2012- 2020, TP cần xây mới 635 trường học. Tính đến năm 2015 đã có 763 dự án được triển khai, vượt xa so với chỉ tiêu, nhưng, quy mô học sinh phát triển mạnh, mạng lưới trường lớp vẫn chưa kịp đáp ứng nhu cầu, nên tình trạng thiếu chỗ học vẫn thường trực.
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (tổ Ứng Hòa), qua khảo sát, quỹ đất cho xây dựng trường học chưa được hiệu quả, còn có dự án trùng vào khu đất nghĩa trang, đất quy hoạch. Đại biểu đề nghị UBND TP cho biết trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân và giải pháp giải quyết?
Cũng liên quan tới vấn đề trường học, đại biểu Trần Thế Cương (tổ Bắc Từ Liêm) cho biết, qua giám sát và qua các buổi tiếp xúc cử tri cho thấy ở một số khu đô thị thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, sân chơi và đặc biệt là thiếu các trường học các cấp dẫn tới việc các trường học đều quá tải.
“Có những lớp mà số lượng học sinh lên tới 50-60 học sinh/lớp, thậm chí đông hơn. Một số khu đô thị qua giám sát có sự điều chỉnh công năng từ tòa nhà thương mại sang khu nhà ở nên số lượng căn hộ tăng mạnh. Cá biệt có khu đô thị mới hình thành có hơn 5.000 căn hộ, tương đương khoảng 20.000 dân, hình thành đủ 1 phường nhưng không có các thiết chế liên quan, nhất là trường học”, đại biểu Trần Thế Cương nêu.
Đại biểu Trần Thế Cương nêu câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, yêu cầu Sở này giải trình trách nhiệm của mình trong việc tham mưu để phê duyệt các quy hoạch về hạ tầng xã hội và quy hoạch đất để xây dựng trường học trong các khu đô thị?
Về vấn đề này, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, vấn đề đưa trường học vào vị trí khó giải phóng mặt bằng Sở phát hiện có việc này và điều chỉnh.
Với việc thiếu các thiết chế như trường học tại khu đô thị, ông Lê Vinh cho biết, đối với các khu đô thị, trong quy hoạch phải thiết kế đầy đủ các thiết chế hạ tầng xã hội. Việc xảy ra thiếu có nguyên nhân là do trong quá trình triển khai thực hiện. Thường các chủ đầu tư xây nhà trước, xây hạ tầng xã hội sau. Khi phát triển đô thị, tỷ lên xây dựng các trường mẫu giáo trong các khu đô thị rất thiếu, nhất là những khu đô thị phát triển mới như ở Cầu Giấy, Long Biên...
Về hướng giải quyết, Giám đốc Sở Quy hoạch, Kiến trúc cho rằng, ở khu đô thị mới yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng nhà trẻ, trường học; ở khâu cấp phép phải có chế tài ngay, yêu cầu xây dựng đầy đủ... Đợt tới, cải tạo chung cư cũ, Sở tham mưu UBND yêu cầu các chủ đầu tư tính toán đầy đủ hạn tầng kỹ thuật../.