Hà Nội xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống trị giá 5.000 tỷ đồng
VOV.VN - Nhà máy nước mặt sông Đuống có số vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công nghệ hiện đại, nước có thể uống ngay tại vòi, thi công 18 tháng.
Sáng 9/3, tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; ngài Saif Hilal Al-Mahrouqi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ô Man tại Việt Nam; bà Kgomotso Ruth Magau Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam cùng đại diện các bộ ngành Trung ương đã bấm nút khởi công dự án nhà máy nước mặt sông Đuống.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và các đại biểu đã bấm nút khởi công dự án nhà máy nước mặt sông Đuống. |
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống với quy mô theo quy hoạch đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Công trình được quy hoạch trên diện tích đất khoảng 62,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (tương đương 225 triệu USD).
Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho địa bàn 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực phía Đông Bắc và phía Nam thành phố Hà Nội, các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179 và một số vùng phụ cận như tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên…; góp phần xây dựng một hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định, lâu dài cho Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.
Nhà máy nước mặt sông Đuống có số vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công nghệ hiện đại, nước có thể uống ngay tại vòi, thi công 18 tháng. |
Tại lễ khởi công, bà Đỗ Kim Liên, Chủ tịch HĐQT nhà máy nước mặt Sông Đuống – chủ đầu tư cho biết: Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ có 2 giai đoạn: giai đoạn I có công suất 300.000m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành năm 2020 với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 225 triệu USD). Định hướng đến năm 2030 sẽ đạt 600.000 m3/ngày đêm và đến 2050 đạt 900.000 m3/ngày đêm.
Phối cảnh nhà máy |
Hệ thống đường ống truyền tải nước sạch của dự án có chiều dài 76km, với 2 đoạn qua lòng sông Hồng và sông Đuống, nhiều đoạn qua đường sắt, đường quốc lộ, tỉnh lộ. Về mặt kỹ thuật, dự án được đánh giá không chỉ có quy mô lớn nhất trong xử lý nước sạch mà còn đòi hỏi các giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhất cũng như năng lực thực thi và năng lực triển khai của các đơn vị thi công và tư vấn hàng đầu thế giới.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại lễ phát động khởi công |
Dự án cũng sẽ mở ra một hướng mới về đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong sản xuất và kinh doanh nước sạch; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động; thúc đẩy quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trong việc hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phối hợp chặt chẽ với Nhà đầu tư, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc để Nhà đầu tư sớm có mặt bằng triển khai Dự án.
"Với sự ủng hộ của người dân trong khu vực và những lợi ích thiết thực, tôi đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1 của dự án, phấn đấu hoàn thành trong 18 tháng, giai đoạn 2 trong năm 2019, thành phố cam kết sẽ đồng hành để đẩy nhanh tiến độ dự án", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.
Bà Đỗ Thị Kim Liên đại diện Công ty CP nước mặt sông Đuống trao tặng huyện Gia Lâm 12 tỷ đồng. |
Hà Nội thông xe cầu vượt trăm tỷ Cổ Linh giảm ùn tắc giao thông