Hầm bộ hành ở Hà Nội: Đầu tư nhiều, hiệu quả thấp

Cách đây hơn chục năm, vào những năm 2007-2008, UBND TP.Hà Nội chính thức đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ với chi phí xây dựng hàng chục tỉ đồng. Mặc dù được đầu tư nhiều nhưng nhiều hầm đi bộ vẫn rất ít người sử dụng, có thời điểm chỉ lác đác một vài người.

Hầm bộ hành chỉ lác đác vài người qua lại

Cách đây hơn 10 năm, 23 hầm đi bộ được UBND TP.Hà Nội đưa vào hoạt động, cụ thể: Đường Vành đai 3 có 17 hầm đi bộ, nút giao đường 32 với đường 70 có 4 hầm đi bộ, 2 hầm đi bộ ở nội thành là Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt. Cùng với quá trình phát triển, một số hầm đi bộ tại các khu vực khác đã được hình thành. Mặc dù được đầu tư với nguồn kinh phí không nhỏ nhưng hiện nay, tình trạng sử dụng hầm đi bộ vẫn chưa thực sự hiệu quả, nhiều người dân vẫn thờ ơ với những công trình này.

Một trong những hầm đi bộ khá đồ sộ, được đầu tư công phu như hầm bộ hành Ngã Tư Sở dài gần 500m đi theo vòng tròn với 12 cửa đặt 4 góc đường Tây Sơn - Láng, Láng - Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi - Trường Chinh, Trường Chinh - Tây Sơn, mỗi cửa đều có 3 lối lên xuống dành cho người đi bộ, xe đạp. Hầm được chia thành 2 làn: Đi bộ và đạp xe, được giữ vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, theo ghi nhận vào thời điểm 8h-10h ngày 26/3, lượng người đi bộ dưới hầm đi bộ hàng tỉ đồng này rất thưa thớt, chỉ lác đác vài người đang tập thể dục.

Tương tự, tại hầm đường bộ trên đường Khuất Duy Tiến, đường Phạm Hùng cũng chỉ lác đác một vài người, chủ yếu là sinh viên qua đường. Ghi nhận vào lúc 12h trưa - thời điểm bến xe Mỹ Đình khá đông đúc - bên trong hầm đi bộ có một vài người đang qua đường. Nhiều người dân băng qua đường, không sử dụng hầm đi bộ.

Một số hầm đi bộ khác trên đường Khuất Duy Tiến có dấu hiệu xuống cấp, phía bên ngoài có những tảng, miếng betong gồ ghề, nứt toác.

Cũng theo ghi nhận tại hầm đi bộ trên đường Phạm Văn Đồng, tại đây luôn có người túc trực để lau dọn vệ sinh, hầm khá thông thoáng, đèn điện, quạt thông gió bên trong được trang bị đầy đủ. Vì xung quanh tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng nên người sử dụng hầm chủ yếu là sinh viên, tuy nhiên số lượng vẫn chưa nhiều.

"Tôi thỉnh thoảng đi qua hầm và thấy ở đây khá sạch sẽ, an toàn. Tuy nhiên tôi vẫn có cảm giác sợ nếu phải xuống đây một mình", em Nguyễn Thị Tâm, sinh viên trường Đại học Luật chia sẻ.

Đường Hoàng Sa và Trường Sa dài hơn 12km (Quốc lộ 5 kéo dài) thuộc địa phận huyện Đông Anh, khánh thành cuối năm 2015. Hai tuyến đường này có 10 hầm đi bộ (đường Hoàng Sa 5 hầm, đường Trường Sa 5 hầm).

Tuy nhiên, theo ghi nhận ngày 26/3, có đến 6/10 hầm tại khu vực này vẫn "cửa đóng then cài", cây cỏ mọc xung quanh, nhiều hầm có mùi hôi thối do một số người thiếu ý thức vứt rác, tiểu tiện bên ngoài... Trong khi đó, 4/10 hầm được mở cả ngày, nhưng rất hiếm người qua lại.

"Dân cư xung quanh chưa nhiều nên khu vực này khá vắng người qua lại, một số hầm mở và có người lau dọn vệ sinh thường xuyên nhưng chỉ đầu giờ sáng khi công nhân đi làm mới có người xuống, còn những thời điểm khác gần như là không có người", một người dân bán hàng gần hầm đi bộ trên đường Trường Sa cho hay.

Cần thống kê, đánh giá kỹ lưỡng

Liên quan tới vấn đề nhiều hầm đi bộ nhưng số lượng người sử dụng còn chưa tương xứng, trao đổi với PV, KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: Tại nhiều nút giao thông lớn, để tránh xung đột giao thông tốc độ cao và tạo không gian cho người đi bộ thì có nhiều cách trong đó có việc xây dựng hầm đường bộ, cầu vượt trên cao…

“Thực tế, từ cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đã có làm một loạt hầm đường bộ. Tuy nhiên, hiệu quả của những hầm đi bộ này cần có thống kê, đánh giá một cách kỹ lưỡng. Việc quản trị đô thị phải gắn với thống kê, đánh giá có cơ sở khoa học, nghiên cứu bài bản” - KTS Trần Huy Ánh nói và cho biết, chi phí để làm hầm đi bộ rất đắt, đắt hơn nhiều so với làm cầu vượt trên cao. Bên cạnh đó, việc duy tu, bảo dưỡng hầm sẽ phức tạp hơn.

Trước phản ánh của PV về việc chỉ có lác đác người đi bộ sử dụng những hầm này, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, có thể do việc tính toán vị trí đặt hầm chưa phù hợp, tâm lý tiếp nhận của nhiều người về việc sử dụng hầm. Những yếu tố khác như e ngại về an ninh dưới hầm, vấn đề ánh sáng, vấn đề di chuyển lên xuống của người già, người khuyết tật… Chính vì những yếu tố này khi chưa được tính toán một cách kỹ lưỡng sẽ dẫn tới việc vận hành chưa được hiệu quả như ý muốn.

Cùng trao đổi về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để hầm bộ hành hiệu quả hơn trong việc sử dụng cần thân thiện với người sử dụng. Việc xây dựng hầm bộ hành cần tính toán thời điểm xây dựng cho phù hợp. Cần xem xét cả công tác quản lý xem nên giao cho ngành giao thông hay chính quyền địa phương quản lý. Đưa hầm đi bộ vào khai thác, không phải chỉ là hầm đi bộ đơn thuần, mà phải là nơi giao tiếp, thân thiện với người sử dụng.

“Cùng với đó, cũng cần tính toán tới các yếu tố đường dẫn, lối lên xuống dành cho người già, trẻ em, người khuyết tật… để đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng các công trình công cộng” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội lập lại trật tự hầm bộ hành trước 30/9
Hà Nội lập lại trật tự hầm bộ hành trước 30/9

Hiện nay, một số hầm bộ hành trên địa bàn Hà Nội trong tình trạng xuống cấp, mất vệ sinh hay bị chiếm dụng gây mất mỹ quan đô thị và khó khăn cho việc đi lại của người dân.  

Hà Nội lập lại trật tự hầm bộ hành trước 30/9

Hà Nội lập lại trật tự hầm bộ hành trước 30/9

Hiện nay, một số hầm bộ hành trên địa bàn Hà Nội trong tình trạng xuống cấp, mất vệ sinh hay bị chiếm dụng gây mất mỹ quan đô thị và khó khăn cho việc đi lại của người dân.  

Hà Nội: Nhiều người đi xe máy bị ngã ở hầm đường bộ Kim Liên
Hà Nội: Nhiều người đi xe máy bị ngã ở hầm đường bộ Kim Liên

11h30 trưa 6/3, khá nhiều xe máy bất ngờ bị ngã ra đường tại khu vực dốc chuẩn bị vào hầm chui Kim Liên.

Hà Nội: Nhiều người đi xe máy bị ngã ở hầm đường bộ Kim Liên

Hà Nội: Nhiều người đi xe máy bị ngã ở hầm đường bộ Kim Liên

11h30 trưa 6/3, khá nhiều xe máy bất ngờ bị ngã ra đường tại khu vực dốc chuẩn bị vào hầm chui Kim Liên.

Rác thải “bủa vây” hầm đi bộ, chất đống tràn ra khắp đường Nguyễn Xiển
Rác thải “bủa vây” hầm đi bộ, chất đống tràn ra khắp đường Nguyễn Xiển

VOV.VN - Rác thải, phế liệu được đổ bừa bãi, chất đống và tràn ra khắp dọc đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), thậm chí bịt kín cả lối đi vào cửa hầm đi bộ 

Rác thải “bủa vây” hầm đi bộ, chất đống tràn ra khắp đường Nguyễn Xiển

Rác thải “bủa vây” hầm đi bộ, chất đống tràn ra khắp đường Nguyễn Xiển

VOV.VN - Rác thải, phế liệu được đổ bừa bãi, chất đống và tràn ra khắp dọc đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), thậm chí bịt kín cả lối đi vào cửa hầm đi bộ