Hạn, mặn: Nỗi lo của người dân vùng ĐBSCL
VOV.VN - Theo Bộ NN-PTNT, đến nay khu vực ĐBSCL có 160.000 ha lúa bị thiệt hại, phần lớn trong đó không có thu hoạch. Nếu
Nếu tính bình quân năng suất 5 tấn/ha, tức có 800.000 tấn lúa bị mất. Mỗi gia đình có 0,5 ha thì sẽ có gần 300 nghìn hộ gia đình trong những tháng qua không có thu nhập, tức khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ cây lúa.
Ông Lâm Nghiên ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng năm nay sản xuất 5,5ha lúa đông xuân. Do mặn xâm nhập dẫn đến thiếu nước ngọt tưới tiêu làm diện tích lúa của ông bị thiệt hại hoàn toàn. Ông Nghiên cho biết, vốn đầu tư cho vụ này cũng đã lên đến hàng chục triệu đồng, giờ không biết lấy gì để trả nợ, trang trải cuộc sống và vốn đầu tư sản xuất cho vụ sau.
Hạn mặn ảnh hưởng nặng đến đời sống nông dân ĐBSCL. |
Ông Nghiên lo lắng: “Vụ trước đó thì nó đỡ, chứ vụ sau này thì chết hết không còn gì cả. Trước nhất lo lắng nhất đó tiền phân, thứ hai nữa là không biết lấy gì để ăn nữa tại mình chủ yếu là dựa vào làm ruộng. Làm rẫy thì trồng bắp cũng không có nước tưới luôn. Bây giờ nó thất trắng luôn không còn cái gì đâu”.
Thống kê của tỉnh Sóc Trăng, hạn hán và mặn xâm nhập đến thời điểm đã ảnh hưởng và thiệt hại khoảng 20 nghìn ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đã có gần 13 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng nặng, trong đó, có khoảng 8 nghìn ha diện tích lúa thiệt hại ở mức từ 30% trở lên đến mất trắng hoàn toàn.
Không chỉ cây lúa, hiện vùng trồng mía nguyên liệu huyện Cù Lao Dung gần như toàn bộ diện tích hơn 6.500 ha đã bị mặn bao vây. Có 700 ha diện tích mía bị thiệt hại từ 50% trở lên và hơn 1.200ha ha bị thiệt hại từ 30 – 50%. Ngoài ra, nhiều vườn cây ăn trái và diện tích nuôi trồng thủy sản của các huyện trong tỉnh cũng đang bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.
Tại tỉnh Trà Vinh độ mặn trên các sông ở mức khoảng 7%o đã bao vây toàn bộ diện tích dất nông nghiệp của tỉnh. Trong khi đó mực nước dự trữ trong nội đồng xuống thấp chỉ còn từ 0,2 đến 0,5 mét làm diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn từ 45-80 ngày tuổi bị thiếu nước nên số diện tích lúa này bị thiệt hại ngày gia tăng. Toàn tỉnh có 18.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn, trong này có gần 4.000 ha lúa bị thiệt hại 100%.
Ông Trương Văn Giảng, Trưởng ban nhân dân ấp Trung Tiến, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần cho biết khi lúa bị nhiễm mặn, hạt lúa giảm chất lượng nên rất khó tiêu thụ.
“Lúa rất tệ, hạt lúa bị lửng, có nhiều chỗ thương lái xuống mua khi thấy lúa rồi chạy bỏ cọc. Tính vốn đầu tư rất khó gỡ vì chi phí bơm tưới và chi phí phân thuốc đầu tư rất cao”.
Trước tình hình khô hạn gay gắt, chính quyền địa phương và nông dân các tỉnh ĐBSCL triển khai nhiều giải pháp cứu lúa như: túc trực điều tiết nước, khai thông dòng chảy, đắp đập tạm, sắm máy bơm tát nước. Tuy nhiên, các giải pháp trên đều không hiệu quả vì nước mặn hiện bao vây trên sông nên các cống đầu mối buộc phải đóng kín, khiến nguồn nước trong đê bao bị cạn kiệt và ô nhiễm cục bộ.
Ông Hồ Công Quẩn, cán bộ nông nghiệp xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần nói: “Năm nay mặn sớm và kéo dài nên lúa bị thiệt hại rất nhiều. Tôi cũng mong nhà nước hỗ trợ ít kinh phí để bà con giảm bớt khó khăn. Còn về lâu về dài, tình hạn mặn càng ngày càng phức tạp thì nên chỉ làm 2 vụ để có thời gian tránh mùa mặn”.
Không chỉ tác động đến sản xuất nông nghiệp, mặn xâm nhập còn làm hơn 200.000 hộ gia đình với khoảng 1 triệu người không có nước ngọt để sinh hoạt.
Tại tỉnh Sóc Trăng, khu vực ảnh hưởng nặng nhất là xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề. Toàn xã hiện có khoảng 300 hộ không còn nước sạch, nước hợp vệ sinh để sử dụng. Hiện khu vực này mạch nước ngầm bị nhiễm mặn, người dân phải sử dụng nguồn nước tại các kênh, mương không đảm bảo vệ sinh hoặc từ dùng nguồn nước mưa dự trữ để sinh hoạt.
Ông Nguyễn Kiến Quốc, ở ấp Nam Chánh cho biết, những năm trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt chỉ diễn ra 1 – 2 tháng mùa khô thì năm nay, tình trạng này đã kéo dài lên gấp đôi, gấp ba thời gian khiến người dân tại khu vực này hết sức khó khăn: “Thật sự thì hết sức khó khăn ba cái khoản nước này nè. Hàng ngày phải đi đổi nước từ ngoài chợ về để sử dụng sinh hoạt, nhưng mà kênh mương hiện giờ cũng đã khô cạn hết rồi đổi nước cũng khó khăn lắm, mà giá cả cũng mắt lắm chứ không phải rẻ. Một đôi nước khoảng 20 lít mà tới mấy ngàn đồng. Hoàn toàn đổi nước không, chứ nước sông giờ đâu còn sài được nữa được đâu”.
Hiện các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp trước mắt cũng như là dài hạn để ổn định cuộc sống, sản xuất cho bà con. Trong đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình chống xâm nhập mặn, giữ ngọt để cung cấp nguồn nước tưới, tiêu. Nguồn vốn cần đầu tư để hoàn chỉnh đê biển, hệ thống thủy lợi phân ranh mặn – ngọt khoảng 500 tỷ đồng.
Để thực hiện giải pháp này ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị: “Trung ương cũng cần hỗ trợ địa phương vốn khẩn cấp, để làm sao nạo vét các con kênh lớn, kênh tạo nguồn để làm sao phục vụ cho bà con sản xuất, trong đó có kế hoạch trữ nước. Hiện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ứng ngân sách ra vừa thiết kế, vừa thi công, nhưng mà khả năng ngân sách của địa phương rất giới hạn”.
Theo Bộ NN- PTNT cảnh báo, đây không chỉ là El Nino mà còn là biểu hiện của biến đổi khí hậu và sẽ diễn biến nặng nề hơn. Vì vậy, không chỉ thực hiện ứng phó trước mắt, các địa phương cũng thực hiện ngay những biện pháp trung hạn và dài hạn: hướng dẫn nhân dân điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chuyển sang chăn nuôi hoặc các nghề phi nông nghiệp; xây dựng công trình... Đồng bằng sông Cửu Long không có chỗ làm hồ chứa nên sẽ phải làm những cống ở các cửa sông để biến kênh đó thành hồ chứa nước ngọt. Không chỉ ven biển mà ngay trong nội đồng cũng phải làm để chủ động sản xuất, xây dựng hệ thống cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân./.