Hàng ngàn hộ dân miền Trung tiếp tục hứng chịu đợt lũ thứ 3
VOV.VN -Dự báo, trong đêm nay lũ trên các sông ở Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Tình trạng ngập lụt sâu xảy ra trên diện rộng.
Sáng nay (7/12), trên địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định trời đã ngớt mưa. Nước trên các sông đã đạt đỉnh và xuống chậm. Tình trạng ngập lụt, chia cắt cục bộ xảy ra ở nhiều nơi.
Mưa lũ từ ngày 30/11 đến nay tại miền Trung đã làm 17 người chết, 1 người mất tích. Chính quyền và người dân miền Trung chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ.
Nhiều xã tại Quảng Ngãi bị chia cắt |
Mưa lớn đã làm nhiều khu dân cư vùng trũng, ven các con sông tiếp tục chìm sâu trong nước. Tại huyện Tư Nghĩa, hơn 450 hộ dân bị cô lập và 200 ngôi nhà thuộc các xã Nghĩa Phương, Nghĩa Trung, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Điền bị ngập sâu.
Bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Bách Mỹ, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa cho biết, do mưa lớn, cộng với việc xả lũ các hồ thủy điện, nước lũ tràn vô nhà rất nhanh.
Nước ngập trong khu dân cư huyện Tuy Phước (Bình Định) |
Mưa lớn khiến mực nước sông Vệ tiếp tục lên cao trên mức báo động 3. Nhiều hộ dân trồng hoa Tết ở huyện Tư Nghĩa sống dọc con sông này phải vất vả chống chọi với lũ. Người dân ven sông Vệ tất bật đưa gia súc, gia cầm chạy lũ.
Ngay sau khi nhận được thông tin hồ thủy điện ĐăkĐrinh và hồ Nước Trong xả lũ, các địa phương vùng hạ du vận động người dân có kế hoạch chống lũ. Ông Lê Tùng, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi cho biết, địa phương huy động lực lượng xung kích giúp dân vùng trũng di dời đồ đạc lên cao, bảo đảm an toàn về người.
Dự báo, trong đêm nay, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Tình trạng ngập lụt sâu xảy ra trên diện rộng, đặc biệt tại các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Bình Sơn.
Ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, địa phương luôn theo dõi diễn biến mưa lũ và có biện pháp ứng phó kịp thời; đặc biệt đưa người già, trẻ em đến những vùng cao hơn.
Đường về các xã bị chia cắt do nước ngập qua tràn |
Mưa lũ tại Quảng Ngãi đã làm 7 người chết, 1 người mất tích; hơn 2.000 ngôi nhà, gần 3.000ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm và 100.000 chậu hoa cảnh bị ngập, hư hỏng; hơn 3.000 con gia súc, gia cầm bị chết, nước cuốn trôi; gần 90ha đất bị sa bồi thủy phá; hàng chục cầu, cống, đường giao thông và gần 25km kênh mương bị sạt lở; 3 chiếc tàu, thuyền thúng của ngư dân bị sóng đánh chìm...
Còn tại tỉnh Bình Định, hôm qua, trên thượng nguồn có mưa lớn, cộng thêm các hồ Định Bình, đập dâng Vân Phong điều tiết xả nước đã gây tình trạng ngập và chia cắt cục bộ 7 xã khu đông của huyện Tuy Phước.
Đến sáng nay, đường từ trung tâm huyện Tuy Phước về các xã khu đông huyện như: Phước Nghĩa, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thắng… không thể qua lại do nước còn ngập sâu. Mưa lũ gây chia cắt cục bộ khoảng 7.000 hộ dân ở huyện Tuy Phước.
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: “Hiện tại mưa lũ ảnh hưởng tới khoảng 7.000 hộ, khoảng 2.500 ngôi nhà bị ngập nước. Các địa phương đã cảnh báo những vùng nước chảy xiết”.
Chiều tối qua và sáng nay (6-7/12), đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đã đến kiểm tra tình hình mưa lũ và chỉ đạo các biện pháp ứng phó với thiên tai tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi./. Dân trồng mai ở Bình Định khóc ròng vì lũ đổ về