Hậu Giang vượt qua mùa hạn mặn
VOV.VN - Năm nay tại ĐBSCL hạn, mặn xâm nhập khốc liệt. Trong khi nhiều địa phương trong vùng thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thì tại tỉnh Hậu Giang nhờ sự linh hoạt, chủ động trong ứng phó của chính quyền, nhạy bén trong chuyển đổi mô hình sản xuất, liên kết sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân nên đến nay địa phương này chưa có thiệt hại do hạn, mặn gây ra
Hơn 1 tháng qua, Hậu Giang bước vào đỉnh điểm của khô, hạn. Mặc dù nắng gay gắt, mực nước trên nhiều kênh, rạch xuống thấp, hơn 6 công dưa hấu của ông Nguyễn Chí Dũng ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vẫn xanh mơn mởn không hề héo úa do thiếu nước và đang ở giai đoạn dưỡng trái.
Ông Dũng cho biết, với kinh nghiệm đúc kết được qua hơn 10 năm trồng dưa hấu, những năm gần đây ông đã áp dụng và thành công với mô hình trồng dưa hấu dùng màng phủ nông nghiệp. Với mô hình này, thì dù hạn, mặn có khốc liệt đến cỡ nào ông cũng không lo vì cả vụ dưa từ khi trồng cho đến thu hoạch khoảng 60 ngày, ông chỉ tưới nước chưa được 10 lần. Bởi lẽ, khi dùng màng phủ đậy trên bề mặt các liếp dưa sẽ luôn tạo độ ẩm cho đất. Bên cạnh việc giúp nhà nông tiết kiệm nguồn nước và giảm công sức đi tưới dưa mỗi ngày vào mùa khô hạn thì mô hình dùng màng phủ nông nghiệp trong canh tác dưa hấu còn nhẹ phân, ít sâu bệnh, ít phải làm cỏ, bộ lá bền nên đến khi thu hoạch dây dưa vẫn xanh tốt. Nhờ vậy, dinh dưỡng nuôi trái cao dù trong mùa khô hạn như hiện nay, từ đó kết quả trái dưa đạt theo yêu cầu khoảng 90%”.
“Một năm thì trồng 3-4 vụ nhưng tưới thì ít lắm. Lúc mình mới xuống giống tưới 3-4 ngày là xong. Nếu không có màng phủ thì tưới suốt, mỗi ngày mỗi tưới, chứ không bỏ được, bỏ là chết bị nó đâu giữ ẩm được đâu, giữ ẩm không được thì nó khô rễ nó chết, còn có màng phủ nó giữ ẩm hoài vậy đó, nó đạt với lại tiết kiệm nước"- ông Dũng nói.
Bên cạnh chuyển đổi sang các mô hình sản xuất thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, sinh thái mới, áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, nông dân Hậu Giang còn liên kết trong trữ nước, bơm tát… để phục vụ tốt việc sản xuất.
Ở vụ lúa Hè thu năm nay, nông dân tại nhiều cánh đồng thuộc ở huyện Vị Thủy cũng vô cùng phấn khởi vì đã cùng nhau liên kết và với sự hỗ trợ của địa phương đã xây dựng được nhiều Trạm bơm điện để phục vụ sản xuất lúa được thuận lợi nhiều mặt, đặc biệt là ngay vào thời điểm khô hạn như lúc này.
Anh Nguyễn Văn Toàn ở ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy cho biết, trước đây vào thời điểm khô hạn, mỗi khi muốn bơm nước từ dưới kênh vào ruộng để diệt mầm cỏ dại hay bón phân thì bà con ở đây phải thức khuya, dậy sớm để canh con nước lớn bơm vào ruộng lúa, có khi phải canh 2-3 ngày mới bơm đủ lượng nước mình cần vào ruộng. Còn bây giờ, có Trạm bơm điện đưa nước vào đầy ruộng, bà con không phải lo lắng và tốn nhiều công sức vào mùa khô hạn. Khi đến cuối vụ, bà con chỉ trả 150.000 đồng/công tiền bơm nước cho đơn vị quản lý Trạm bơm thay vì phải tốn hơn 200.000 đồng/công mà còn cực hơn rất nhiều khi phải tự bơm bằng máy của gia đình như trước đây. Hiện đang cao điểm của mùa khô nhưng cánh đồng lúa rộng hơn 80ha của nông dân nơi đây đã gieo sạ lúa Hè thu được gần 1 tháng luôn đầy ắp nước, phát triển xanh tốt.
“Lúc chưa có Trạm bơm này thì mạnh ai nấy đem máy bơm tự bơm. Khô hạn thì đường nước vô trong ruộng có nhiều hộ quá nên khi bơm ở ngoài có nước ở trong không có nước, thì phải chờ ở ngoài bơm rồi ở trong mới bơm được. Từ lúc có Trạm bơm này thì nước bơm lên rất đầy đủ, đầy hết trơn các ruộng, tràn bờ luôn, nông dân đỡ cực, người ta chỉ ra người ta khai thôi, rồi chiều ra đắp lại, còn không có nông dân phải vác máy đi vô ruộng bơm, rồi chầu chực, nắng nôi”- anh Toàn nói.
Theo ông Ngô Minh Long- Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, ngay từ khi bước vào mùa khô 2023-2024, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tăng cường công tác dự báo dài hạn để có các phương án phòng tránh hạn, mặn; thông tin, truyền thông xuống cộng đồng để người dân chuẩn bị trữ nước ngọt. Đồng thời, có biện pháp điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô để chủ động các giải pháp ứng phó; có kế hoạch nạo vét các tuyến kênh, rạch nội đồng, trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy, không làm ô nhiễm các tuyến kênh, rạch đảm bảo khả năng trữ nước tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các đơn vị, cơ quan hữu quan trong việc quan trắc độ mặn; vận hành, điều tiết các cống đầu mối hợp lý đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước bên trong nội đồng để phục vụ sản xuất, đồng thời có các giải pháp tốt nhất thực hiện ngăn mặn bảo vệ sản xuất. Toàn tỉnh đã đóng 59 cống tròn và cống hở để ngăn mặn, trong đó tập trung tại huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.
“Hiện nay, mặn ngoài các cửa sông đang bao vây. Hậu Giang vận hành đóng cống thì đang phát huy hiệu quả các công trình này. Tuy nhiên nước trong nội đồng đang xuống rất là thấp, nếu hạn, mặn kéo dài thêm một thời gian nữa thì nguy cơ thiếu nước cục bộ trong nội đồng. Sở cũng đã chủ động có giải pháp công trình là nạo vét một số tuyến kênh để cấp nước ngọt về khu vực sản xuất này.”- ông Long nói.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng gay gắt, nhất là từ tháng 4 đến nay, tuy nhiên, với sự chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với hạn, mặn hiệu quả của chính quyền các cấp và nông dân trong tỉnh nên đến thời điểm này tỉnh Hậu Giang chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất do hạn, mặn gây ra, đặc biệt trên cây trồng chủ lực của tỉnh là lúa.
Những ngày qua tại ĐBSCL đã xuất hiện mưa rải rác vài nơi. Theo dự báo của ngành chức năng, hạn hán ở Nam Bộ có thể chấm dứt vào nửa cuối tháng 5 này. Với sự chủ động đề ra những giải pháp ứng phó, chủ yếu theo hướng “thuận thiên”, Hậu Giang đã vượt qua mùa hạn, mặn khốc liệt năm nay.