Làm thế nào duy trì được trật tự lòng đường, vỉa hè sau những đợt ra quân quyết liệt thời gian qua? Đã có nhiều giải pháp được đề xuất.
|
Cơ chế nào cho vỉa hè cũng cần phải công khai, minh bạch và không lợi ích nhóm. |
Cho thuê có giải quyết được tận gốc?
Bản chất lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong thực hiện? Chuyên gia độc lập - tiến sĩ (TS) Lương Hoài Nam chỉ ra, lâu nay, từ người quản lý tới người dân đều nói: Vỉa hè là phần dành cho người đi bộ. Không đúng, ngoài đi bộ, vỉa hè còn có nhiều công năng khác. Những công năng này nên được pháp luật quy định. Hiện nay, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định công năng vỉa hè dành cho người đi bộ. Chính vì thế, không ai có quyền quy hoạch vỉa hè, không ai có quyền ban hành quy định cho thuê sử dụng vỉa hè.
“Tôi đề xuất, cần thiết thì sửa đổi Luật, cho phép người dân thuê vỉa hè. Tôi đề nghị làm theo thủ tục hành chính, có kẻ ô, có thu phí. Làm như thế mới giải quyết tận gốc. Nếu anh có nhu cầu thì làm đơn ra chính quyền giải quyết. Để quản lý tốt, mỗi khu đất sử dụng phi giao thông phải có hợp đồng giữa hai bên: chính quyền - người dân, mới có thể quản lý được. Và họ có trách nhiệm quản lý phần vỉa hè theo quy định. Nếu không, chắc chắn sẽ thất bại” - TS. Lương Hoài Nam nêu.
Về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, nhu cầu để xe không chỉ dành cho nhà mặt phố, mà đó là nhu cầu chung. Nếu cho nhà mặt phố thuê hết vỉa hè, thì lại không phải vì cái chung. Trên nhiều tuyến phố, cùng 1 biển số nhà có nhiều hộ khác nhau, vậy phân chia vỉa hè đó cho ai? Về nguyên tắc mình phải hài hòa lợi ích chung. Trên từng tuyến phố phải bố trí đỗ xe phù hợp mới đảm bảo bền vững. Hiện nay đỗ xe dưới lòng đường phải thu phí, sẽ tiến tới thu phí tự động để mọi chuyện ngày càng minh bạch.
“Việc sử dụng vỉa hè cho mục đích phi giao thông đã được giao cho các tỉnh, thành phố. Luật không có câu nào quy định vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên. Còn việc này được giao cho chính quyền địa phương tổ chức phù hợp. Điều đó hoàn toàn hợp pháp. Nếu lần này chúng ta không làm rốt ráo, mọi chuyện lại như cũ”.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, cho thuê vỉa hè để kinh doanh là giải pháp tốt sẽ giải quyết triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở các đô thị lớn, TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh phản biện, không nên xem vỉa hè như một nơi kinh doanh buôn bán. Lâu nay, kinh doanh dựa vào vỉa hè đã kích thích một bộ phận lớn dân nhập cư đổ về thành phố kiếm sống. Nếu xem lòng, lề đường như một loại kinh tế để phục vụ cho bộ phận dân cư nào đó, đô thị không còn là đô thị và bất công với những người dân sống ở đó. Không khéo đến một lúc nào đó lại thành nông thôn hóa đô thị.
Bởi vậy, chính quyền, đoàn thể hay bất cứ đơn vị nào cũng không nên đặt mục tiêu cho thuê vỉa hè để lấy tiền. Đừng hiểu kinh tế vỉa hè theo nghĩa biến vỉa hè thành nơi kinh doanh. “Theo tôi, giải quyết buôn bán hàng rong trên vỉa hè phải từ chính sách” - TS. Trần Du Lịch đề xuất.
Công khai, minh bạch và không có lợi ích nhóm
Nghị định 36 nghiêm cấm mọi hình thức cho thuê vỉa hè để kinh doanh buôn bán, nhưng lại được phép sắp xếp một phần vỉa hè, lòng đường ở những nơi thích hợp để kinh doanh, buôn bán, đảm bảo đời sống nhân dân, nhưng không ảnh hưởng đến ATGT. |
Dẹp vỉa hè không phải là vấn đề mới nhưng làm sao để duy trì lâu dài vẫn là bài toán khiến các nhà quản lý đau đầu. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần hiểu đúng quy định pháp luật, cần truyền thông tốt hơn nữa tới người dân, đó là: Vỉa hè có công năng chính dành cho người đi bộ, ngoài ra, nơi nào có thể, địa phương quyết định bố trí không gian phục vụ cho những công năng khác nữa. Trách nhiệm của nhà làm luật phải quy hoạch những công năng đó trên từng lô vỉa hè cho phù hợp với từng địa phương. Nếu đã có luật phải mở rộng hành lang pháp lý theo hướng đưa ra quy chế: cho thuê sử dụng vỉa hè. Nếu không làm theo hướng này, chỉ sau mấy tháng dẹp loạn, vỉa hè sẽ quay lại như cũ.
Với với trò là cơ quan quản lý, ông Vũ Văn Viện nêu thêm: Việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), duy trì công tác ATGT gắn với quản lý lòng đường, vỉa hè thực ra chúng ta đã làm rất nhiều năm nay. Từ năm 1995 đã có Nghị định 36 của Chính phủ về đảm bảo trật tự ATGT, các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhưng tôi vẫn còn mâu thuẫn ngay trong Nghị định. Cụ thể, Nghị định 36 nghiêm cấm mọi hình thức cho thuê vỉa hè để kinh doanh buôn bán, nhưng lại được phép sắp xếp một phần vỉa hè, lòng đường ở những nơi thích hợp để kinh doanh, buôn bán, đảm bảo đời sống nhân dân, nhưng không ảnh hưởng đến ATGT. Những mâu thuẫn này cần sớm được sửa đổi. Không phải bây giờ chúng ta mới làm việc này, một số tỉnh, thành phố đã làm từ lâu, nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là cơ chế duy trì. Trên vỉa hè cũng thế, có nhiều đối tượng khác nhau nên ứng xử của chúng ta phải tuỳ trường hợp cụ thể và không làm máy móc.
TS. Trần Du Lịch một lần nữa khẳng định, chắc chắn rằng vỉa hè không phải là để kinh doanh. Nhưng chúng ta không tuyệt đối hóa mà vẫn tổ chức ở những nơi có vỉa hè rộng cho người dân mua bán. Chúng ta chống và không nhân nhượng với những nhà mặt phố lấn chiếm vỉa hè, biến vỉa hè làm nơi buôn bán, ăn nhậu. Không khoan nhượng với loại bảo kê thu phí. Nếu tạo được nhiều khoảng trống để thực hiện buôn bán rong như mô hình TP. HCM đưa ra thì quá tốt. Nhưng tất cả phải công khai, minh bạch và không có lợi ích nhóm ở đây.
Một chuyên gia cho rằng: Để giữ được vỉa hè thông thoáng, lại có thể kinh doanh, các cơ quan chức năng hãy đề ra những quy định chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên. Như vậy, chúng ta đã “dán tem” cho vỉa hè./.