Hệ lụy khó lường từ thuốc diệt cỏ: công cụ để tự tử
VOV.VN - Số người uống thuốc diệt cỏ để tự tử ở tỉnh Sơn La ngày càng tăng tới mức báo động.
Những năm qua, nông dân tỉnh Sơn La đã quen sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng thuốc diệt cỏ để sản xuất nông nghiệp, một thực tế đáng báo động hiện nay là người dân đã dùng chính loại thuốc này để tự tử khi bản thân có chuyện buồn hay vướng mắc chuyện gia đình. Số người uống thuốc diệt cỏ để tự tử ở tỉnh Sơn La ngày càng tăng tới mức báo động.
Bệnh nhân Quàng Thị Kiên vẫn rất mệt mỏi sau nhiều ngày điều trị.
Cứ đến vụ mùa, hầu như hộ nông dân nào cũng đi mua thuốc diệt cỏ, vì đây là loại thuốc có hiệu quả rất tốt trong diệt cỏ, đỡ tốn nhiều công khi làm nương rẫy. Song, ngoài công dụng để diệt cỏ, thì việc dùng thuốc diệt cỏ để hủy hoại bản thân khi có chuyện buồn, vướng mắc đã và đang diễn ra khá phổ biến.
Điển hình như trường hợp chị Quàng Thị Kiên 26 tuổi, cư trú tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La, vì mâu thuẫn gia đình đã uống thuốc diệt cỏ, nằm viện điều trị từ 10 ngày nay, nhưng sức khỏe chưa thể hồi phục.
Ông Cà Văn Châu, người nhà chị Quàng Thị Kiên cho biết: “Thuốc diệt cỏ ai cũng biết, cả trẻ con. Gia đình có mong muốn là cháu khỏi về nhà thôi”.
Trường hợp chị Quàng Thị Kiên chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp vì mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn cá nhân mà tìm đến thuốc diệt cỏ để tự tử. Chỉ từ đầu năm tới nay, bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã tiếp nhận gần 100 trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ, chưa kể tới hàng trăm người điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện, hoặc các trường hợp không được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Thạc sỹ, Bác sĩ Mè Thị Xuân, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, uống một ngụm nhỏ thuốc diệt cỏ, từ 10 tới 20 ml mà không được điều trị kịp thời sẽ gây tử vong. Còn nếu đưa vào viện kịp thời thì quy trình điều trị cũng rất phức tạp và tốn kém.
Bác sĩ Xuân nói: “Nếu bệnh nhân đến sớm trong 6 giờ đầu, mà ngộ độc loại thuốc diệt cỏ paraquat là loại cháy nhanh, thì hiện tại chúng tôi có triển khai kỹ thuật là lọc máu hấp phụ. Tuy nhiên phương pháp này thứ nhất là kỹ thuật mới, bảo hiểm chưa có chi trả trong danh mục vì thế hầu hết gia đình phải tự túc trong vấn đề lọc máu, và chi phí cũng tốn kém”.
Thuốc diệt cỏ được để ngay gần với các vật dụng khác. |
Ở Sơn La hiện nay, bất cứ ai cũng rất dễ dàng mua được thuốc diệt cỏ, với giá dao động từ 50 - 100 ngàn đồng/1 chai 900 ml. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, trong năm 2015 đã bán ra hơn 150.000 kg thuốc diệt cỏ và tới nay toàn tỉnh có trên 450 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó còn hàng trăm cơ sở kinh doanh thuốc lén lút, không đủ điều kiện vẫn diễn ra, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là một trong những cái khó khăn về công tác quản lý của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: “Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, lén lút ấy thì theo mùa vụ. Những trường hợp ấy là chúng tôi xử lý ngay, trong trường hợp bắt được còn trường hợp không bắt được thì rất là khó. Đấy là cái mà đối với sức của chúng tôi thì cực kỳ khó khăn, vài người mà cả địa bàn rộng lớn thế này, đến mùa vụ người ta chỉ làm ít một”.
Việc sử dụng thuốc diệt cỏ giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian, cũng như công sức dọn cỏ trước mỗi vụ mùa. Tuy nhiên, sử dụng thuốc diệt cỏ không đúng mục đích đã gây ra hệ lụy khó lường. Vì vậy, các ngành chức năng cần thắt chặt hơn nữa công tác quản lý, để người nông dân sử dụng thuốc diệt cỏ một cách hợp lý, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra./.