Hiện hữu nỗi đau da cam
VOV.VN - Chất độc da cam/đioxin làm cho các nạn nhân đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và gây hậu quả nặng nề cho xã hội.
Ngày 10/08/1961, đế quốc Mỹ rải chất độc da cam/đioxin xuống chiến trường miền Nam- Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học tàn bạo kéo dài trong suốt 10 năm từ 1961 đến 1971. 59 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên kinh hoàng đó, nhưng đến nay, hậu quả của chất độc da cam vẫn còn hiện hữu, đau đớn trong hàng vạn gia đình trên cả nước.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Gia Hiển xuất ngũ trở về phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội với giấc mơ đoàn tụ, xum họp gia đình và gây dựng hạnh phúc riêng. Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì cả 2 đứa con trai khôi ngô của ông bà liên tục đau ốm, cứ qua tuổi lên 10 là la hét, đập phá.
Đến nay các cháu đã ở cái tuổi mà lẽ ra đã là chỗ dựa cho bố mẹ lúc tuổi cao sức yếu, thì cả hai anh em không ai có thể tự lập được đều trông chờ vào sự chăm lo của bố mẹ. Đằng đẵng 7 năm (từ năm 1968 – 1974) chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, ở nhiều địa bàn bị rải chất độc da cam, ông Hiển không ngờ thứ hóa chất chết người đó không chỉ tàn phá cơ thể khiến ông đau ốm triền miên mà còn phát tác ở các con, vậy nhưng với bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ, ông Hiển vẫn kiên cường đối diện với thực tế.
“Hai cháu, một cháu sinh năm 1979, một cháu sinh năm 1981. Các cháu cứ ốm đau, bệnh tật như thế thì làm sao lập được gia đình, ở nhà còn quậy phá. Các cháu không làm được gì cả, suốt ngày chỉ chòng chọi, đánh nhau, quậy phá. Thôi thì chiến tranh nó phải như thế”, ông Nguyễn Gia Hiển nói.
Cũng trong tình cảnh của ông Hiển, vợ chồng ông Nguyễn Bá Tứ ở nhà 74, ngõ 173, Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội đã dành hàng chục năm tuổi trẻ để đưa cô con gái đi chữa trị từ viện nọ tới viện kia, mong con biết đi, biết nói. Nhưng đến nay đã hơn 40 tuổi, con gái của ông bà vẫn chỉ như một đứa trẻ, chân tay co quắp, mất hoàn toàn khả năng lao động…
Bản thân ông Tứ cũng hàng ngày bị các cơn đau hành hạ, bị ung thư thanh quản và mất hoàn toàn tiếng nói. Với khoản trợ cấp chất độc da cam ít ỏi, gia đình ông trông chờ cả vào quán hàng ăn sáng của bà.
Nhắc đến chồng, con, vợ ông Tứ, bà Nguyễn Thị Mùi nghẹn ngào nói: “Nhưng mà cô vẫn bằng lòng vẫn vui. Vui, tự hào vì chồng mình cũng đi nghĩa vụ đóng góp cho đất nước. Vui là mình vẫn có chồng con, bên cạnh. Vui vì cô vẫn được làm mẹ, có người nhiễm chất độc da cam còn không có quyền làm mẹ”.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, số người trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường miền Nam nơi bị rải chất độc điôxin rất lớn, vì vậy khả năng bị phơi nhiễm chất độc da cam cũng rất cao.
“Hiện nay chúng ta có khoảng 4,8 triệu người phơi nhiễm. Trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân. Qua điều tra của Hội nạn nhân chất độc da cam/ điôxin Việt Nam thì số người có công, tham gia kháng chiến trong miền nam trong cuộc chiến tranh đó ta có khoảng 10 triệu người. Cho nên số người trực tiếp phơi nhiễm đến bây giờ cũng chưa thống kê hết được”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.
Cuộc chiến tranh hóa học tàn bạo của Đế quốc Mỹ đã để lại hậu quả nghiêm trọng với môi trường và sức khỏe con người. Trong 10 năm từ 1961 – 1971 đã có 80 triệu lít chất diệt cỏ rải xuống ¼ diện tích toàn miền Nam Việt Nam.
Đến nay ước tính khoảng 28 địa điểm vẫn còn khả năng nhiễm điôxin. Chất độc hóa học đã và đang gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm có tính di truyền. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta đã có hàng nghìn trường hợp là thế hệ thứ 2 bị tàn tật vì loại chất độc này. Có những trường hợp đã phát tác ở thế hệ thứ 3, thứ 4.
Chất độc da cam/đioxin vẫn đang khiến cho các nạn nhân tàn tật, đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và gây hậu quả nặng nề cho xã hội./.