Hồ đập thủy lợi xuống cấp, nỗi lo mất an toàn mùa lũ
VOV.VN - Nhiều công trình hồ, đập thủy lợi ở tỉnh Quảng Trị xuống cấp hư hỏng nặng. Thế nhưng, việc đánh giá an toàn công trình trước mùa mưa lũ hằng năm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm quản lý. Nguy cơ rủi ro xảy ra đối với công trình thủy lợi khi mùa mưa bão đang đến là điều đáng lo ngại.
Công trình thủy lợi Trúc Kinh tại xã Linh Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị được xây dựng cách đây 32 năm, phục vụ tưới cho 2.350 hécta lúa, hoa màu và điều tiết lũ cho các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Việt, Gio Hải của huyện Gio Linh, xã Thanh An, Cam Thủy, huyện Cam Lộ và các phường Đông Giang, Đông Thanh, thành phố Đông Hà. Sau thời gian dài đưa vào khai thác, hiện nay, một số hạng mục đập tràn, cửa van cùng tràn xả lũ của công trình thủy lợi này bị rỉ rét. Cửa van và trụ bê tông bị hở, không đóng kín nước.
Ông Trần Hồng Hạnh, Phó Cụm trưởng Cụm Thủy nông Trúc Kinh, Xí nghiệp thủy nông Gio Cam Hà cho biết, dù đã được gia cố những vị trí bị thủng nhưng nước vẫn rò rỉ qua cửa van, nguy cơ mất an toàn công trình: “Nguy cơ xảy ra sự cố là rất cao. Hệ thống bê tông xây dựng đã lâu, có khả năng bị phong hóa, mục, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của công trình. Nghiêm trọng nhất là 3 cửa van và tràn xả lũ không đảm bảo an toàn. Cánh cửa bị rò rỉ mạnh. Với những hư hỏng hiện tại thì chưa có nguy cơ vỡ đập, nếu không kịp thời sửa chữa thì lâu dài gây mất an toàn”
Đập ngăn mặn Vĩnh Phước trên sông Vĩnh Phước nối thành phố Đông Hà và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được xây dựng cách đây 35 năm cùng trong tình trạng mất an toàn. Công trình có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một số phường của thành phố Đông Hà và một số xã của huyện Triệu Phong. Đập ngăn mặn này còn tạo nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Tân Lương, cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đông Hà với công suất 20.000 m3/ngày đêm.
Công trình này đã qua 2 lần nâng cấp, sửa chữa nhưng trong quá trình vận hành, khai thác và do ảnh hưởng mưa lũ nên phần đập tràn tự do bị hư hỏng nghiêm trọng, bê tông mặt tràn và mái thượng lưu bị gãy sập, thân đập bị biến dạng, sụt lún. Phần thân đập bị hư hỏng nặng, nước rò rỉ nhiều, nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Do bị hư hỏng, nên việc ngăn mặn, giữ ngọt và tạo nguồn cấp nước tưới vụ Hè Thu và cấp nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 gặp nhiều trở ngại. Ông Nguyễn Gia Khánh, người quản lý đập ngăn mặn Vĩnh Phước thuộc Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho biết, đơn vị đã khắc phục tạm bằng cách đắp đất, đóng cọc tre. “Hiện tại, lũ xói vào bên trong. Nước mặn xâm lấn, không đảm bảo, chảy ngược lên trên, gây nguy cơ nhiễm mặn cho nhà máy nước. Nếu không được sửa chữa thì nước mặn ở phía thượng lưu tràn về phía hạ lưu, đầu tiên ảnh hưởng đến tưới nông nghiệp, ảnh hưởng lớn nhất là nhà máy nước Tân Lương cho toàn bộ người dân thành phố Đông Hà”.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 125 công trình đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích thiết kế hơn 400 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho 25.000 hécta đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Hầu hết các công trình được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Nhiều hồ đập, nhất là công trình nhỏ và vừa đang xuống cấp nghiêm trọng. Công ty Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị đang quản lý 17 hồ chứa lớn, 2 đập dâng. Qua kiểm tra đánh giá hiện trạng an toàn hồ đập do công ty quản lý cho thấy, 6/18 hồ chứa xảy ra hiện tượng thấm qua thân đập như hồ Triệu Thương 1 và 2, Nghĩa Hy, Tân Kim, Phú Dụng và Bàu Nhum. Ngoài ra, phần thủy công, cơ khí của các hạng mục cống lấy nước, tràn xả lũ của hồ chứa phần lớn đều bị xuống cấp, hoen rỉ làm giảm khả năng chịu lực công trình. Các hồ chứa xây dựng từ năm 1990 về trước, do biện pháp thi công lạc hậu, tiêu chuẩn, tần suất thiết kế phòng lũ thấp nên không bảo đảm an toàn trước những diễn biến bất thường của thời tiết ngày càng cực đoan.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc xí nghiệp thủy nông Gio Cam Hà, Công ty Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị lo ngại về an toàn công trình: “Có rất nhiều hạng mục được xây dựng từ 1996-2003, đặc biệt có công trình Trúc Kinh, Trà Liên, Vĩnh Phước… hư hỏng nghiêm trọng. Xí nghiệp đã báo cáo tổng công ty để ưu tiên sửa chữa. Nhưng hiện nay trong tình trạng chờ nguồn vốn.”
Một vấn đề lo ngại hiện nay là hầu hết công trình thủy lợi ở Quảng Trị từ khi đưa vào sử dụng đến nay chưa được kiểm định an toàn. Theo quy định, chu kỳ 5 năm phải kiểm định hồ chứa một lần để đánh giá an toàn hồ đập. Do không được kiểm định, quan trắc nên rất khó đánh giá chính xác mức độ an toàn hồ đập. Trước mùa mưa bão, các đơn vị quản lý chỉ đầu tư sửa chữa một số công trình hạng mục xuống cấp, bảo dưỡng máy móc, vận hành thử các tràn xả lũ để đảm bảo an toàn.
Ông Lê Quang Lam, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện có khoảng 20 công trình thủy lợi đã xuống cấp nghiêm trọng, cần nâng cấp sửa chữa, đảm bảo phục vụ tưới tiêu, chống xâm nhập mặn và an toàn trong mùa mưa lũ: “Nhiều công trình do điều kiện kinh phí hạn chế, qua hàng năm, các chủ quản lý công trình chủ động triển khai công tác đánh giá điều kiện an toàn công trình. Do kinh phí hạn chế nên chưa triển khai đánh giá một cách bài bản, theo đúng quy trình, quy định đối với hồ đập. Với đề xuất, kiến nghị của chủ quản lý hồ đập và cơ quan quản lý nhà nước, tỉnh sẽ bố trí nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu quản lý công trình hồ đập trên địa bàn”./.