Hỗ trợ tái định cư phải tính đến sinh kế của dân
(VOV) - Điều quan trọng mà người có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất, nhà bị thu hồi.
Cân nhắc quy định các mục đích thu hồi đất
Thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng cần xem xét một cách kỹ lưỡng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt là thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế.
“Chúng ta đã thu hồi quá nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân goft và một số các dự án khác. Song sau đó vì nhiều lý do khác nhau, một số dự án để hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người nông dân không có đất để canh tác dẫn đến đời sống gặp khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, tại Điều 23, Hiến pháp năm 1992 quy định: "Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định".
Do đó, đại biểu đề nghị: Để đảm bảo tính hợp hiến, dự thảo luật sửa đổi nên quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng. Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA thì sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (đoàn Đồng Tháp) đồng tình việc Nhà nước có quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Riêng vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội, đại biểu đồng tình nhưng cho rằng phải có những điều kiện, quy định cụ thể, tránh tình trạng lạm dụng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội để chuyển sang mục đích có lợi khác cho chủ đầu tư hay một nhóm lợi ích nào đó.
Hỗ trợ tái định cư phải tính đến sinh kế
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa tạo ra bước đột phá trong những quy định về vấn đề này.
Theo đại biểu, điều quan trọng mà người có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất, nhà bị thu hồi thì dự thảo luật lại chưa tính đến cụ thể và chỉ quy định như: trường hợp bố trí vào khu tái định cư thì khu tái định cư phải bảo đảm có điều kiện kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
“Tôi cho rằng khi tính toán bồi thường tái định cư chúng ta phải tính toán đến điều đó, đừng biến người nông dân thành bần cùng hóa, đang có nhà thành không có nhà sau khi bị thu hồi đất”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu lấy ví dụ: Một gia đình có 4 nhân khẩu chung sống trong một căn hộ gắn liền với mảnh đất có diện tích khoảng 50m2, khi Nhà nước thu hồi đất họ được bồi thường khoảng 400 triệu và được cấp một mảnh đất định cư gần 100m2 với hạ tầng kỹ thuật tốt nhưng phải nộp thêm 300 triệu đồng, vậy họ sẽ lấy đâu tiền để xây nhà? Phương án họ phải lựa chọn hoặc là phải vay tiền để xây nhà hoặc là phải bán lúa non để mua một mảnh đất khác phù hợp với túi tiền. Điều đó vô hình chung lại đẩy họ vào tình trạng khó khăn hơn trước gấp nhiều lần.
Về vấn đề này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) băn khoăn, việc đánh giá điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ đã gây khó khăn cho cả hai bên thực hiện vì không có tiêu chí cụ thể.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc di chuyển chỗ ở gây ra những xáo trộn đời sống của người dân, có những thiệt hại hữu hình như nhà ở, đất đai, đồng ruộng nhưng cũng có những thiệt hại vô hình về tâm lý an cư, các mối quan hệ cuộc sống, cơ hội làm ăn, phát triển mà người dân đã tạo lập, hoàn thiện dần và dày công vun đắp tại nơi ở cũ.
Do đó, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị giao việc xây dựng các tiêu chí đánh giá về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở nơi tái định cư cho một cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể; xác định giá trị đền bù đầy đủ các thiệt hại của người dân thuộc diện tái định cư, trong đó phải tính cả những thiệt hại vô hình như đã nêu để giúp cho người dân ổn định, yên tâm sinh sống tại nơi ở mới./.