Hòa hợp dân tộc trong các gia đình ở miền Nam
VOV.VN -Chiến tranh làm cho hàng triệu gia đình ở miền Nam rơi vào cảnh 1 nhà 2 chiến tuyến, người thân thiệt mạng, gia đình ly tán.
Chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Bom đạn để lại nhiều đau thương, mất mát. 40 năm trôi qua, trên bàn thờ của hàng triệu gia đình ở miền Nam trang nghiêm các di ảnh của những người thân đã từng phải “chạm trán” với nhau vì ở 2 phía chiến tuyến. Không ít gia đình, người anh là chiến sĩ cách mạng trung kiên, còn người em là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa hoặc ngược lại. Chiến tranh đã xô đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh trớ trêu.
Đất nước yên bình, câu chuyện hòa hợp thể hiện rõ trong mỗi gia đình, góp phần tạo nền móng vững chắc cho cả dân tộc Việt Nam cùng chung tay xây dựng đất nước.
Trong căn nhà nhỏ trên đường Nam Cao, thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hoàng kể lại hoàn cảnh trớ trêu của gia đình mình. Đứng trước bàn thờ người thân, ông Hoàng nói, bên trái là bà nội - Bà mẹ Việt Nam anh hùng; kế đến là ông nội, bà ngoại và cậu ruột đều là liệt sĩ. Còn bên phải là di ảnh của ba và người em trai từng đi lính Việt Nam Cộng hòa. Lặng lẽ thắp nén hương lên bàn thờ, ông Hoàng chậm rải kể, ông nội có 5 người con trai theo cách mạng và hy sinh, còn ba của ông thì lưu lạc và bị bắt đi lính Việt Nam Cộng hòa, tử nạn vào năm 1965. Em trai ông Hoàng cũng bị bắt đi lính địa phương quân và mất năm 1974. Chính vì hoàn cảnh gia đình “phức tạp” như vậy nên những ngày đầu mới giải phóng, nhiều khi ông cảm thấy bị phân biệt đối xử. Bây giờ, chính sách hoà hợp, hoà giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta cởi mở hơn rất nhiều giúp ông Nguyễn Hữu Hoàng vơi đi nỗi đau quá khứ: “Chiến tranh thì tất cả đều đau khổ, tất cả đều mất mát. Cha con cũng có thể ở hai chiến tuyến. Được độc lập, tự do và được sống như thế này là mãn nguyện lắm rồi”.
Chiến tranh làm cho hàng triệu gia đình ở miền Nam rơi vào cảnh 1 nhà 2 chiến tuyến, người thân thiệt mạng, gia đình ly tán. Ông giáo già Nguyễn Phú Cường, ở phường Nam Dương, quận Hải Châu từng trải qua nhiều năm tháng đau buồn. Bom đạn khiến 5 anh em trai ông mỗi người mỗi ngã. Có người định cư ở Pháp, Mỹ; người sống ở thành phố Hồ Chí Minh; còn người em út ra đi mãi mãi trong trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974. Chú ruột ông Cường là ông Nguyễn Sơn Trà vào Đảng năm 1930, tham gia cách mạng, bị tù đày ở ngục Kon Tum, Lao Bảo với các cụ Huỳnh Ngọc Huệ, Tố Hữu… Chú ông là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Đà Nẵng nay đã được đặt tên đường ở trung tâm thành phố. Ông Cường kể rằng, chú Trà suốt đời làm cách mạng, khi trở về đời thường không có vợ con chăm sóc. Sau ngày giải phóng, chú ở với gia đình ông. Em trai ông Cường, một thiếu tá quân đội Việt Nam Cộng hoà cũng ở chung trong ngôi nhà này cùng chú và anh trai mình.
Với ông Nguyễn Phú Cường, sự hòa hợp dân tộc đã bắt đầu ngay trong chính từng gia đình, từng ngõ phố: “Khi giải phóng rồi thì mọi người trở lại sum họp vui vẻ với nhau. Gia đình tôi, anh em, chú, cháu ở ngoài Bắc về vẫn bình thường cùng sống với nhau, hòa hợp, vui vẻ, không hề nói tới cái chuyện tại sao lại đi theo phía bên kia?”.
Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một vị tướng từng lăn lộn khắp các chiến trường khu 5 quá thấu hiểu nỗi lòng của hàng triệu gia đình ở miền Nam trong những ngày đất nước bị chia cắt. Hồi ấy, trong một nhà, người nào liên lạc được với cách mạng thì đi theo quân giải phóng, còn người ở lại quê nhà trước sau cũng bị bắt đi lính cho phía bên kia. Vị tướng già này bảo rằng, 1 gia đình 2 chiến tuyến là điều không ai mong muốn nhưng đó là sự thật của cuộc chiến mà rất nhiều gia đình phải gánh chịu: “Gia đình có một bàn thờ, trên đó thờ 2 người con, một người theo bên Việt Nam Cộng hòa, một người theo Cộng sản. Ai mà muốn cái chuyện đó. Nhưng mà trong này thường bị bắt lính, bất đắc dĩ thì họ phải đi”.
Năm tháng qua đi, nỗi đau mất mát chiến tranh cũng dần lùi xa. Truyền thống dân tộc, nghĩa tình huyết thống gắn kết mọi người vượt qua đau thương. Sự hòa hợp không thể tách rời trong mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam. Đấy cũng chính là sức mạnh của ý chí thống nhất, khát vọng hòa bình và hòa hợp dân tộc của người Việt Nam ta./.