Học sinh đi xe máy điện: Quản lý thế nào?
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng, để học sinh đi xe máy điện đến trường là một việc làm cần có điều kiện. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ và kiểm tra, xử lý vi phạm một cách hợp lý, đảm bảo an toàn.
Để học sinh đi xe máy điện đến trường là một việc làm cần có điều kiện
Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc học sinh điều khiển xe máy điện trên đường. Nhiều ý kiến cho rằng cần thắt chặt quản lý hơn nữa, có những giải pháp căn cơ giúp đảm bảo an toàn khi học sinh điều khiển đến trường, hạn chế cháy nổ,... Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay, rất nhiều em học sinh nhà cách trường học xa, bố mẹ phải đi làm không đưa đón con được. Vì vậy cần đào tạo các học sinh lái xe an toàn.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho biết, theo quy định hiện hành, học sinh từ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe máy điện, đây được xem là quy định phù hợp với thực tiễn. Việc này, đảm bảo quyền tự do đi lại của học sinh: "Học sinh là người đã đủ tuổi trưởng thành, có quyền tự do đi lại theo quy định của pháp luật. Xe máy điện là phương tiện di chuyển thuận tiện, giúp học sinh tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Không phải tất cả học sinh đều có điều kiện để đi bộ hoặc đạp xe đến trường. Đặc biệt xe máy điện là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, không thải khí độc hại ra môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu".
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, xe máy điện sử dụng nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Sử dụng pin lithium-ion, được sạc bằng điện. Việc sử dụng xe máy điện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió,...Tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Giúp hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức ở rất nhiều nơi học sinh điều khiển xe máy điện đến trường còn lộn xộn. Đặc biệt, khi điều khiển không chấp hành các quy định giao thông như không đội mũ bảo hiểm, đi không đúng quy tắc giao thông,…gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, thậm chí có vụ việc phát sinh hậu quả nghiêm trọng.
"Thực tế này cho thấy ở nhiều nơi, phụ huynh, nhà trường và xã hội đang thiếu sự quan tâm đúng, thậm chí nuông chiều, buông lỏng quản lý đối với học sinh dưới 16 tuổi. Vì vậy, việc để học sinh đi xe máy điện đến trường là một việc làm cần có điều kiện. Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, cần thực hiện các biện pháp như tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh. Các trường học cần phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương để tuyên truyền, giáo dục học sinh về Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các quy định về điều khiển xe máy điện. Các trường học cần phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các tuyến đường đi bộ và xe đạp an toàn cho học sinh. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ học sinh đi xe buýt hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác đến trường", TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Cùng với đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các quy định về điều khiển xe máy điện. Cần xem xét chất lượng của các xe máy điện, đặc biệt chú ý về tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như xe máy điện sử dụng pin lithium-ion, đây là loại pin có khả năng phát nổ nếu bị tác động bởi nhiệt độ cao, va đập mạnh hoặc sử dụng không đúng cách. Do đó, việc học sinh mang xe máy điện đến trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Một số nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe máy điện như sạc pin không đúng cách: Sạc pin quá lâu, sạc pin không đúng với loại pin của xe, sử dụng bộ sạc không chính hãng hoặc sạc pin trong môi trường có nhiệt độ cao đều có thể dẫn đến cháy nổ. Pin xe máy điện có tuổi thọ nhất định, sau một thời gian sử dụng, pin có thể bị hư hỏng, dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Va đập mạnh vào xe máy điện có thể làm hỏng pin, dẫn đến cháy nổ. Khi học sinh mang xe máy điện đến trường, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra ở các khu vực sau: khu vực sạc pin; khu vực để xe.
“Để đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ và kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc học sinh đi xe máy điện cũng cần được thực hiện một cách hợp lý, đảm bảo an toàn”, TS. Nguyễn Hữu Đức lưu ý.
Cần thiết đào tạo giấy phép lái xe A0?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến xe điện, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) các cấp đã triển khai tích cực, đồng bộ nhiều biện pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cá biệt với những đối tượng thường sử dụng xe điện như học sinh, sinh viên để giúp các em hiểu hơn về những quy định của pháp luật khi điều khiển xe điện lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp điều khiển xe điện vi phạm luật giao thông đường bộ.
Ngoài ra, một số biện pháp cũng đã được triển khai quyết liệt như: Khi phát hiện các trường hợp là học sinh, sinh viên điều khiển xe điện vi phạm, lực lượng CSGT sẽ tiến hành thông báo đến nhà trường để phía nhà trường có biện pháp phối hợp quản lý, giáo dục nghiêm khắc thông qua việc bình xét hạnh kiểm, thi đua của cá nhân học sinh, sinh viên vi phạm và tập thể lớp có người vi phạm.
"Theo quy định hiện nay, người điều khiển xe điện không bắt buộc phải có giấy phép lái xe. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người điều khiển các loại phương tiện này có thể chưa được trải qua những khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe an toàn. Đây chính là một trong những bất cập lớn. Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong thực tế, những loại phương tiện này có trọng lượng khá lớn, vận tốc tối đa có thể đạt đến 60-70km/h, nếu không có kỹ năng lái xe và không biết quy định về an toàn giao thông thì sẽ là nguồn gây nguy hiểm không kém gì các phương tiện khác", Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.