Khống chế chi phí lãi vay ở mức 20%: Nhiều doanh nghiệp than khó

VOV.VN -Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết đang gây nhiều khó khăn cho DN, khiến họ đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ.

Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 diễn ra ngày 27/11, đại diện các doanh nghiệp (DN) cho rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo bà Vũ Thị Ngọc Anh, trưởng bộ phận quản lý thuế của một doanh nghiệp, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia nhưng trên thực tế Nghị định 20, đặc biệt là khoản 3 điều 8 của Nghị định lại có ảnh hưởng nhiều đến DN trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ con. Cụ thể: Doanh nghiệp đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế, sản xuất công nghiệp nặng… trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận nên toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

DN cho rằng, việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% gây ảnh hưởng rất lớn đến DN. (Ảnh minh hoạ: KT)

“Trong thời gian đầu, các dự án không thể vay vốn ngân hàng được mà phải qua công ty mẹ là tập đoàn nên chi phí lãi vay của tập đoàn tương đối lớn. Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% gây ảnh hưởng đến DN bởi rất nhiều chi phí lãi vay không được trừ cho mục đích thuế”, bà Ngọc Anh nói.

Ngoài ra, đại diện của doanh nghiệp cũng cho biết, theo thông lệ quốc tế, chương trình hành động chống xói mòn thuế cũng khuyến nghị khi khống chế lãi vay cần cân nhắc các yếu tố như: DN cần thời gian tái cơ cấu vốn, không đánh khoản vay nợ của bên thứ 3 và hạn chế lãi vay sau khi trừ thu nhập từ hoạt động tài chính… Trong khi đó, quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 điều chỉnh cả chi phí lãi vay từ bên độc lập và cũng không tính tới yếu tố ảnh hưởng là hoạt động từ công ty mẹ thường có cả cho vay và đi vay.

“Chúng tôi đề xuất tạm thời chưa áp dụng những quy định của Nghị định 20 và cần sớm sửa Nghị định 20 phù hợp với tình hình hoạt động của các DN tại Việt Nam, bởi quy định đó ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của DN”, bà Vũ Thị Ngọc Anh nêu ý kiến.

Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho rằng, Nghị định 20 không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các DN. Theo đại diện này, Công ty chứng khoán Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ (là Vietcombank), do đó, hoạt động chuyển giá hoàn toàn không thể có với bên phát sinh liên kết nhưng DN vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.

“Mục tiêu cũng như động lực để các công ty có thể thực hiện chuyển giá là gần như không thể có nhưng bên công ty chúng tôi vẫn phải chịu giới hạn chi phí lãi vay theo quy định của Nghị định 20, do đó vẫn phải kê khai và nộp chi phí bổ sung. Đây là một quy định không phù hợp và hạn chế hoạt động của DN, tạp ra sự bất bình đẳng giữa DN có giao dịch liên kết và DN không có giao dịch liên kết”, đại diện Vietcombank bức xúc.

Trả lời những thắc mắc của các DN, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD và các nước G20 yêu cầu phải tập trung trong việc chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Ban hành nghị định 20 là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gia nhập diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Theo quy định, mức khống chế lãi vay phải từ 10-30%, Chính phủ đã chọn mức trung bình 20%, trên cơ sở khảo sát 12.000 tập đoàn.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Ông Tuấn cũng cho hay, hiện tất cả các DN FDI hoạt động ở VN chưa có DN nào có kiến nghị về vấn đề này mà mới chỉ có một số DN trong nước gặp vướng mắc. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong hơn 600.000 DN đang hoạt động thì có hơn 4.000 DN kê khai giao dịch liên kết. Việc rà soát bước đầu có khoảng 10% DN đang vượt mức khống chế trong Nghị định 20.

“Tổng cục thuế sẽ rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nhưng trên tinh thần phải bình đẳng giữa các DN có giao dịch liên kết. Chúng tôi sẽ rà soát cụ thể để đảm bảo hỗ trợ DN, giúp DN tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp muốn làm ăn toàn cầu nhưng nếu muốn chính sách riêng thì rất khó”, ông Cao Anh Tuấn khẳng định.

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), việc đưa tỷ lệ khống chế 20% trong mức lãi vay chênh lệch là hoàn toàn hợp lý. Điều đó là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thậm chí có quốc gia đưa mức này lên tới 25% - 30%. Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng, chính sách thuế cần phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng cần phải phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Theo bà Cúc, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chưa quy định mức khống chế chi phí lãi vay với các doanh nghiệp. Nên vô hình chung, chúng ta quy định tỉ lệ khống chế lãi vay 20% áp dụng với những đơn vị có giao dịch liên kết là chưa thực sự phù hợp.

"Vừa rồi một nhà máy điện thuộc Tập đoàn Than, nếu loại trừ tỉ lệ khống chế lãi vay 20% này thì chi phí được trừ tăng lên trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam, có nhiều tập đoàn, tổng công ty có cùng một thuế suất thu nhập doanh nghiệp, khả năng chuyển giá gần như là không có. Nên trong trường hợp họ không được ưu đãi thuế thì việc khống chế tỉ lệ lãi vay 20% đã hợp lý chưa?", bà Cúc đặt vấn đề.

Bà Cúc nhấn mạnh, ở Việt Nam hiện chưa quy định mức khống chế vốn cũng như chưa khống chế tỷ lệ lãi vay với DN khác. Do đó, khi khống chế tỷ lệ lãi vay 20% này áp dụng đối với đơn vị đã có giao dịch liên kết thôi thì dù họ vay của đơn vị liên kết hay bên độc lập thì cũng bị khống chế cả 20%. Điều này sẽ dẫn tới khó khăn với doanh nghiệp. 

Do đó, đại diện VCTA đề nghị xem xét lại để chính sách thuế vừa phù hợp thông lệ quốc tế vừa phù hợp Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

70% sai lệch số liệu nợ thuế do người nộp thuế gây ra
70% sai lệch số liệu nợ thuế do người nộp thuế gây ra

VOV.VN - Việc sai lệch do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó nguyên nhân từ phía người nộp thuế chiếm tỷ trọng cao (trên 70%).

70% sai lệch số liệu nợ thuế do người nộp thuế gây ra

70% sai lệch số liệu nợ thuế do người nộp thuế gây ra

VOV.VN - Việc sai lệch do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó nguyên nhân từ phía người nộp thuế chiếm tỷ trọng cao (trên 70%).

Tổng cục Thuế họp báo, phản hồi ý kiến của Tổng Kiểm toán Nhà nước
Tổng cục Thuế họp báo, phản hồi ý kiến của Tổng Kiểm toán Nhà nước

VOV.VN - Đại diện Tổng cục Thuế phản hồi liên quan đến phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc  tại buổi thảo luận ở Quốc hội chiều 15/11.

Tổng cục Thuế họp báo, phản hồi ý kiến của Tổng Kiểm toán Nhà nước

Tổng cục Thuế họp báo, phản hồi ý kiến của Tổng Kiểm toán Nhà nước

VOV.VN - Đại diện Tổng cục Thuế phản hồi liên quan đến phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc  tại buổi thảo luận ở Quốc hội chiều 15/11.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó do chính sách thuế thay đổi nhanh
Doanh nghiệp vẫn gặp khó do chính sách thuế thay đổi nhanh

VOV.VN - Chính sách, pháp luật thuế thay đổi tương đối nhanh khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực thi.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó do chính sách thuế thay đổi nhanh

Doanh nghiệp vẫn gặp khó do chính sách thuế thay đổi nhanh

VOV.VN - Chính sách, pháp luật thuế thay đổi tương đối nhanh khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực thi.

10 tháng, ngành Thuế thu được hơn 26.000 tỷ đồng tiền nợ thuế
10 tháng, ngành Thuế thu được hơn 26.000 tỷ đồng tiền nợ thuế

VOV.VN - Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ đến 31/10/2018 là 81.555 tỷ đồng, bằng 7,4% dự toán thu nội địa năm 2018.

10 tháng, ngành Thuế thu được hơn 26.000 tỷ đồng tiền nợ thuế

10 tháng, ngành Thuế thu được hơn 26.000 tỷ đồng tiền nợ thuế

VOV.VN - Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ đến 31/10/2018 là 81.555 tỷ đồng, bằng 7,4% dự toán thu nội địa năm 2018.