Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh: "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"
VOV.VN - "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em", Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều nội dung, hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc nhất là khu vực vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Phóng viên VOV thường trú tại khu vực Đông Bắc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh về một số hoạt động nổi bật liên quan đến nội dung này.
PV: Thưa bà Nguyễn Thị Thủy, để "thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng" đặc biệt là với phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các hoạt động cụ thể như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thủy: Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều nội dung, hoạt động có hiệu quả nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Đặc biệt, Hội quan tâm chú trọng đối với các đồng hành, hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi: Tiếp tục triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và các chương trình đề án hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Phải kể đến Đề án "Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025". Chúng tôi đã trình UBND tỉnh được phê duyệt để triển khai.
Năm 2023, chúng tôi triển khai Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Dự án này giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ kết hợp với các sở ban ngành, địa phương thực hiện. Ví dụ, chúng tôi đã thực hiện các hoạt động truyền thông tập huấn, hay thành lập các câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi với sự tham gia của rất nhiều trẻ em các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; Các tổ truyền thông cộng đồng tại 12 thôn, bản khó khăn trên địa bàn huyện Hải Hà, Bình Liêu, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi.
PV: Đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới, khi triển khai tới các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh gặp khó khăn gì, nhất là ở vùng miền núi, vùng xa, hải đảo?
Bà Nguyễn Thị Thủy: Hiện nay, tình hình bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn còn xảy ra. Tình trạng ly hôn có xu hướng gia tăng, nhất là trong các gia đình trẻ, tình trạng tảo hôn vẫn còn; công tác vận động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, tình trạng thất nghiệp, thu nhập thấp... ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Ở Quảng Ninh có rất nhiều huyện, thị xã, thành phố tập trung rất đông đồng bào dân tộc thiểu số như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ hay khu vực Hoành Bồ trước đây của thành phố Hạ Long. Trình độ dân trí và nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, vẫn còn những phong tục, tập quán lạc hậu trong nếp nghĩ, cách làm, trong sinh hoạt đời sống hàng ngày và vẫn còn đâu đó tư tưởng trọng nam, khinh nữ và định kiến giới với vai trò của phụ nữ với gia đình và xã hội. Trong khi đó, việc quan tâm sức khỏe nhất là sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Sự tham gia của nam giới trong các chương trình truyền thông về bình đẳng giới còn ít.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho Hội để tổ chức các hoạt động, sự kiện truyền thông còn hạn chế, nhất là chi hội vùng cao khó khăn đặc biệt là giám sát, phản biện xã hội của một số cán bộ Hội, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế nhất định.
PV: Với những khó khăn mà bà vừa chia sẻ, Hội LHPN Quảng Ninh đã có những văn bản hướng dẫn, tuyên truyền và tập huấn, cầm tay chỉ việc cho đội ngũ này ra sao?
Bà Nguyễn Thị Thủy: Để xây dựng đội ngũ cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ cấp huyện, cơ sở đáp ứng yêu cầu trình độ, năng lực trong thực hiện công tác Hội hiện nay, chúng tôi sẽ tốt đề án 1983 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025 và đặc biệt là quan tâm nâng cao năng lực cho cán bộ hội phụ nữ các cấp về chuyển đổi số và kỹ năng tuyên truyền trên không gian mạng. Hàng năm tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng tập huấn từ cấp tỉnh tới cơ sở và chi hội trưởng, đội ngũ chi hội trưởng, hội viên phụ nữ nòng cốt. Các nội dung liên quan tới công tác gia đình, xây dựng đời sống văn hóa; bảo vệ chăm sóc phụ nữ và trẻ em; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời với đó biên soạn tài liệu, sổ tay hướng dẫn cho cán bộ Hội, thực hiện các tiêu chí cuộc vận động 5 không, 3 sạch, 5 có, 3 sạch với xã nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Chúng tôi tổ chức các hội nghị chuyên đề để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và xây dựng gia đình hạnh phúc.
PV: Vâng xin cảm ơn bà!