Hơn 30 năm sưu tầm hiện vật về Bác

Có một cán bộ nghỉ hưu đã dành hơn 30 năm để nghiên cứu, tìm tòi và sưu tầm tư liệu về Bác Hồ với niềm tin yêu và kính trọng vô bờ bến.

Trong con ngõ nhỏ của phố Hào Nam, quận Đống Đa, TP Hà Nội, ông Ngô Vĩnh Bao (70 tuổi) dành vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà đang ở để trưng bày hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông đã cất công sưu tầm suốt 30 năm qua.

Ông Bao có trí nhớ của ông không còn tốt nhưng những câu chuyện lịch sử gắn liền với từng kỷ vật liên quan đến hoạt động của Bác Hồ tại Thái Lan thì ông nhớ rõ từng chi tiết. 

Ông kể: Sau Bác mất năm 1969, ông lặng lẽ cất chiếc khăn tang của mình trong tủ. Dần dần, việc cất giữ những di vật về Bác đã trở thành niềm say mê của ông. Từ một viên đá lát còn lại khi xây Lăng, một vài bài báo, hay hình ảnh về Bác…

Nhưng bộ sưu tập chỉ thực sự dày dặn lên từ năm 1999, khi ông sang làm việc ở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thái Lan. Suốt 3 năm ở đây, lần theo hồi ký của các cán bộ từng hoạt động với Bác Hồ tại Thái Lan, ông Bao đã tái hiện lại lộ trình của Bác trên đất Thái Lan bằng 24 tấm bản đồ và sơ đồ.

20 tỉnh ở Thái Lan, tỉnh nào ông cũng đi qua. Ông tìm gặp và được bà con Việt kiều tặng lại rất nhiều hiện vật về Bác. Từ chiếc phản gỗ, ghế tựa, rìu sắt…, đặc biệt là chiếc phản gỗ - nơi đã lưu giữ hơi ấm của Người những ngày ở Thái Lan, đã được kiều bào thay nhau gìn giữ suốt 80 năm như một kỷ vật thiêng liêng.

Ông Ngô Vĩnh Bao cho biết, trong nhà bất kỳ bà con kiều bào nào cũng có một bàn thờ Bác Hồ, nên những kỷ vật liên quan đến Người thì với họ càng thiêng liêng hơn. Có những kỷ vật như: Chiếc phản, chiếc ghế, rìu…họ đã gìn giữ, bảo quản gần 80 năm.

Gần 50 chuyến đi khắp đất nước Thái Lan trong suốt 3 năm theo dấu chân Bác, hàng nghìn bức ảnh ông tự chụp và những hiện vật do kiều bào tặng đều được ông chuyển về nước. Tâm huyết của ông đã được bù đắp khi bộ sưu tập, tài liệu về Bác ngày càng dày dặn, sống động hơn. Tình yêu và niềm say mê sưu tập những tư liệu, hiện vật về Bác Hồ được tiếp thêm sức mạnh từ người vợ đảm đang của mình.

Dành 1/3 đời người để sưu tầm những kỷ vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và giữ gìn tất cả những kỷ vật về Người như một phần máu thịt của mình suốt nhiều năm qua, nhưng cuối cùng ông Ngô Vĩnh Bao lại quyết định đem toàn bộ kho tư liệu, hiện vật quý giá mà ông đã bỏ mồ hôi, công sức trong hành trình 1.000 ngày trên đất Thái Lan tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ông Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng cho rằng: Đây là những hiện vật rất quý mà có thể ngay cả những cán bộ Bảo tàng đi sưu tầm cũng không thể có được. Những hiện vật này sẽ được Bảo tàng bảo quản, giữ gìn để cho thế hệ sau

Tuy tuổi đã cao, nhưng bất cứ khi nào hay ở đâu thông báo có phát hiện mới về Bác, ông Ngô Vĩnh Bao lại tìm đến, mong sẽ góp thêm vào kho thông tin, tư liệu quý giá của mình.

Bên cạnh việc sưu tập, bổ sung hiện vật vào “bảo tàng” về Bác Hồ, ông cũng luôn lấy những câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh để răn dạy, nhắc nhở con cháu rèn luyện, tu dưỡng trong học tập, công tác, vì ông con cháu mình học tập theo gương Bác để có những việc làm có ích cho đất nước, quê hương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên